Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

13:57

 Các công trình gian dối đây - thưa Bộ trưởng Bộ GTVT!
 
Mặt cầu Thuận Phước - một trong những cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam liên tục hỏng, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa mạnh tay xử lý các nhà thầu làm ăn gian dối khi thi công đoạn QL1A mở rộng, đoạn từ Hà Nam - Thanh Hóa. Sau động thái tích cực trên của Bộ trưởng, nhiều bạn đọc phản hồi về toà soạn chỉ rõ địa chỉ nhiều công trình, cung đường tồi tệ và gian dối. Những công trình 1.000 tỉ vừa xây xong đã lún nứt, xuống cấp đến trầm trọng, nhanh đến khó lý giải...
Điển hình của chuyện làm đường vừa xong đã hỏng phải kể đến tuyến đường Mai Chí Thọ, đoạn từ giao lộ Đồng Văn Cống đến Lương Định Của, phường An Phú, Q.2, thuộc dự án đại lộ Đông - Tây.
Được đưa vào khai thác (từ 8.2010), nhưng chỉ mới vài tháng sau, mặt đường đã trồi lún nhựa nghiêm trọng, đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để dù các đơn vị liên quan đã nhiều lần cho trải thảm lại bêtông nhựa.

 
Mặt đường QL14 bong tróc nghiêm trọng do thi công. 
Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, tình trạng nêu trên xảy ra trên làn đường dành cho xe ôtô kéo dài gần 1km. Do mặt đường bị lún, trồi nhựa nên đã tạo thành những rãnh sâu khoảng 10cm, gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông.
Theo cảnh báo của lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ trên tuyến, do mặt đường bị tạo thành rãnh sâu nên khi các xe tải, container lưu thông qua dễ lọt vào rãnh xảy ra tai nạn.
Còn tại dự án nâng cấp QL20 - tuyến đường nối giữa Lâm Đồng với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, nhiều đoạn đường mới sửa chữa xong chưa lâu đã lại hư hỏng. Cụ thể như đoạn từ Km50-Km71 do Cty Việt Ren thực hiện, mặt đường đã bị hư hỏng rất nặng, nhất là đoạn Km61-Km68.
Còn Km92-Km97+300, mới chỉ cấp phối đá dăm lớp trên được 500m của 1/2 mặt đường, nhưng do mưa liên tục, nên không thể thi công tiếp để trải thảm bêtông nhựa mặt đường khiến đi lại khó khăn.
 
 Cầu Rồng - cây cầu mang tính biểu tượng của Đà Nẵng mới đưa vào sử dụng đã bị nứt dài tại trụ mố phía đông.
Tại TP.Đà Nẵng, hiện tượng nứt lớn tại trụ - mố phía đông và nứt dọc dải phân cách giữa cầu Rồng đang gây lo lắng trong nhân dân. Cây cầu này được xem là biểu tượng thứ 2 của TP.Đà Nẵng với công nghệ hiện đại, kiến trúc độc đáo và giá tiền cũng gần gấp đôi những cây cầu tương tự cùng một khẩu độ, trường độ khác.
Thế nhưng, dù mới đưa vào sử dụng đã có biểu hiện không đảm bảo chất lượng. Đơn vị quản lý cầu đã phải dùng vôi vữa trét, trám thủ công để che giấu những vết nứt hơn là khắc phục bằng giải pháp căn cơ hơn.
Vì vậy, mặc dù Ban quản lý dự án, Sở GTVT TP.Đà Nẵng có trả lời báo chí, trấn an dư luận rằng những vết nứt tại cầu Rồng chỉ là rạn bêtông kỹ thuật, trong giới hạn cho phép, song điều đó vẫn không thuyết phục được người dân.
Tuy nhiên, nghiêm trọng hơn vẫn là câu chuyện chất lượng kém ở cây cầu Thuận Phước bắc qua cửa biển Đà Nẵng - đoạn cuối sông Hàn. Đây là một trong những cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam, được đầu tư hơn 1.200 tỉ đồng, xây dựng từ 2003 và đưa vào sử dụng năm 2009.
Cây cầu được xem là công trình quan trọng, kết nối trung tâm TP là các quận Hải Châu - Thanh Khê với cả bán đảo Sơn Trà, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, bất động sản cho đô thị mới phía đông TP.
Đặc biệt, cầu Thuận Phước cũng được giới thiệu như là công trình giao thông huyết mạch, nối liền cảng biển nước sâu Tiên Sa với hầm đường bộ Hải Vân-QL9, xuyên suốt từ điểm đầu đến cuối con đường xuyên Á. Thế nhưng, ngay sau khi khánh thành, cây cầu này chỉ cho phép xe gắn máy và ôtô du lịch lưu thông.
Hơn thế nữa, mặt cầu liên tục bị hư hỏng, lồi lõm, dồn cuộn... tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Đã có ít nhất 4 lần cầu bị “đóng cửa” thời gian dài để nâng cấp, sửa chữa, khắc phục với mức ngân sách hàng trăm tỉ đồng mỗi lần. 

 
Tuyến đường ngàn tỉ Mai Chí Thọ vẫn trồi lún nhựa nghiêm trọng tạo nên những sống trâu giữa đường. 
Điều đáng nói là chưa có đơn vị, tổ chức hoặc cá nhân nào chịu trách nhiệm trước những biểu hiện kém chất lượng, xuống cấp, hỏng ngay sau khi xây dựng tại những cây cầu này. Ngân sách Đà Nẵng đang thâm hụt, trong đó có một phần lớn lý do từ “gánh nặng” xây cầu “khủng”. Vì vậy, việc kém chất lượng, hư hỏng này cần phải điều tra, quy trách nhiệm, xử lý thích đáng đối với cá nhân, đơn vị gây hậu quả.
Khi gặp tình huống mặt đường bị lún, trồi nhựa, hầu hết các đơn vị liên quan đều chủ yếu đổ lỗi cho xe quá tải lưu thông nhiều gây ra. Tuy nhiên, lý do này đã bị các chuyên gia giao thông phản bác, bởi nếu do xe quá tải thì nhiều đoạn đường khác trên toàn tuyến cũng như những đoạn đường lân cận cũng phải bị sự cố tương tự.
Trên đây chỉ là một số ít các công trình vừa thi công xong đã xuống cấp nhanh chóng. Hy vọng Bộ trưởng Bộ GTVT?sẽ sớm vào cuộc xem xét. Chúng tôi sẽ còn trở lại và chỉ rõ những công trình thi công gian dối.
(Theo Lao động) NHÓM PHÓNG VIÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét