Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

09:05

 Vụ bắt 80.000 lọ hóa chất Trung Quốc:
Bốn ngành vô trách nhiệm, phó mặc cho dân
TP - “Nếu như vụ việc thông thường, chúng tôi chỉ xử lý trong 7 ngày. Nhưng nay đã gần 3 tuần, gõ rất nhiều cửa bộ ngành, nhưng 80.000 lọ hóa chất xuất xứ Trung Quốc dùng thúc giá đỗ vẫn chưa được định danh để xử lý”- Ông Lê Mạnh Hùng, Đội trưởng Đội QLTT số 11, Chi cục QLTT Hà Nội tỏ ra sốt sắng.
 Ông Nguyễn Thế Sơn, Đội phó Đội QLTT số 11 kiểm tra các lọ hóa chất thúc giá đỗ
Ông Nguyễn Thế Sơn, Đội phó Đội QLTT số 11 kiểm tra các lọ hóa chất thúc giá đỗ.
Bỏ lửng trách nhiệm
Ngày 13/11/2013, Phòng Cảnh sát Môi trường- CA Hà Nội và Đội QLTT số 11 khám ô tô tải 29C-21528 và phát hiện xe vận chuyển 80.000 lọ dung dịch có nhãn mác ghi bằng tiếng Trung Quốc, không có tem phụ, không có hóa đơn chứng từ nguồn gốc xuất xứ.
Ông Phạm Ngọc Chi- chủ xe cho biết, ông gom số hàng này từ Lạng Sơn và mang về Hà Nội bán kiếm lời và không có chứng từ gì.
Ông Lê Mạnh Hùng, Đội trưởng Đội QLTT số 11 cho biết, do không biết các chất này là loại gì, nên Đội QLTT 11 đã đem 5 công văn và cử cán bộ trực tiếp đến gặp đại diện các đơn vị như: Trung tâm khảo nghiệm phân bón quốc gia; Trung tâm đo lường chất lượng khu vực I; Viện Vệ sinh an toàn thực phẩm; Trung tâm khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc; Cục trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Viện Khoa học Hình sự- Bộ Công an.
Nội dung mà Chi cục QLTT Hà Nội muốn hỏi là: Loại dung dịch bị bắt giữ trên là chất bảo vệ thực vật hay là phân bón; Loại dung dịch này có được sử dụng để kích thích mầm giá đỗ không và có ảnh hưởng sức khỏe không?
Sự nhiệt tình của QLTT cuối cùng chỉ nhận được câu trả lời thật sự đáng thất vọng. Đại loại: chúng tôi không có trách nhiệm trong việc này; chúng tôi thiếu phương tiện máy móc hay việc này của cơ quan X, chi cục Y…
Vô cảm trước người dân
Trong cuộc làm việc với đại diện Đội QLTT số 11, lãnh đạo đội này cho biết, cũng may khi đến làm việc với Viện Khoa học hình sự- Bộ Công an, có một cán bộ xin được phân tích giúp, vì vị cán bộ này đang có đề tài nghiên cứu về chất tương tự.
Do có hàm lượng kiềm cao nên nếu chất lỏng trên tiếp xúc trực tiếp có thể gây bỏng da, nếu rơi vào mắt có thể làm hỏng mắt, nếu nuốt và hít phải có thể làm tổn thương bộ máy tiêu hóa 

Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an

Kết quả phân tích ngày 25/11 của Viện Khoa học Hình sự cho thấy, dung dịch này chủ yếu là chất 6-BA và một lượng nhỏ pCPA được pha chế trong môi trường kiềm. Đây là các chất kích thích tăng trưởng thực vật thuộc họ Cytokinins và họ Auxins có tác dụng: kích thích sự nảy mầm và sinh trưởng của cây trồng như giá đỗ, su su…; kìm hãm sự phát triển của rễ, thúc đẩy hình thành mầm hoa và nở hoa, thúc đẩy quá trình tạo quả và sinh trưởng của quả…
Các loại hóa chất trên không nằm trong danh mục các hóa chất được phép sử dụng trong thực phẩm do Bộ Y tế quy định và cũng không có trong danh mục các loại thuốc bảo vệ thực phẩm được phép sử dụng tại Việt Nam. Đặc biệt, do có hàm lượng kiềm cao nên nếu chất lỏng trên tiếp xúc trực tiếp có thể gây bỏng da, nếu rơi vào mắt có thể làm hỏng mắt, nếu nuốt và hít phải có thể làm tổn thương bộ máy tiêu hóa…
Câu chuyện ở vụ việc này là tại sao 4 cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế lại đứng ngoài cuộc, im lặng? Lâu nay dư luận vẫn nghe khá nhiều về sự quyết tâm của các vị bộ trưởng của hai bộ này về “bảo vệ bữa ăn của người dân”. Thế nhưng, những gì diễn ra lại hoàn toàn khác. Điều đáng nói là trên bao bì bằng chữ Trung Quốc sau khi được dịch ra tiếng Việt có nội dung đáng giật mình:
Chỉ với một lọ dung dịch sau khi pha với 5 lít nước, rồi ngâm hạt giống trong vòng 4 giờ, sau đó cho nảy mầm theo cách thông thường hoặc khi mầm dài 1-2cm thì phun dung dịch pha loãng 1 lần, khi mầm dài 4-5 cm lại phun tiếp lần nữa. Bao bì ghi: chất này thích hợp cho loại cây trồng như lúa và đưa cảnh báo: “Nếu ăn nhầm phải lập tức đưa đến bệnh viện”.
Theo đúng công thức trên bao bì thì 80 ngàn lọ sẽ giúp nhúng 400.000 kg đỗ và cho ra thị trường khoảng 2 triệu kg giá đỗ. Món giá đỗ được tẩm ướp hóa chất sẽ trắng muốt, mỡ màng. Nhưng có bao nhiêu người tiêu dùng biết rằng thứ hóa chất này được cảnh báo “Nếu ăn nhầm phải lập tức đưa đến bệnh viện”! Đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng đối với sức khỏe của người dân, nhưng nghiêm trọng hơn chính là thái độ thờ ơ của các cơ quan chức năng.
(Theo Tiền phong) Phùng Sưởng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét