Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

07:27

 “Đường lưỡi bò trên không” ADIZ: 

Tiếng trống trận hay phép thử?


(Tin Nóng) Máy bay B-52 của Mỹ im lặng bay qua vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc, tướng Trung Quốc hăm bắn hạ các máy bay không tuân thủ quy định, Mỹ - Nhật rầm rộ tập trận ngoài khơi Okinawa... Tiếng trống trận đang điểm?


Máy bay B-52H của Mỹ trên Thái Bình Dương - Ảnh: Không lực Mỹ

Tiếng trống trận đang điểm?

Ngày 26.11, phát biểu với hãng tin China News Services, thiếu tướng không quân Trung Quốc Qiao Liang hăm rằng không quân sẽ bắn hạ các máy bay nào bay qua ADIZ mà không báo trước với Trung Quốc, báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết.
Tuy nhiên cũng trong ngày 26.11, hai máy bay B-52 của Mỹ đã bay ngang ADIZ mà không báo cho Trung Quốc và cũng không gặp phản ứng nào. Sau đó phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc là Geng Yansheng ngày 27.11 cho biết Trung Quốc đã phát hiện và theo dõi hai máy bay này bay qua ADIZ từ 11 giờ đến 13 giờ 22 phút, cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư 200 km về phía đông.
Bên cạnh các lời lẽ cứng rắn qua lại giữa Trung Quốc và các nước, cư dân mạng Trung Quốc đang làm tình hình thêm nóng bỏng khi bút chiến rầm rộ ủng hộ chính phủ và xỉ vả các nước khác, theo chuyên gia Cheng Li (Viện Brookings, Mỹ). Ông cũng cho rằng Mỹ đã thất bại khi không hiểu được trọng lượng về chủ quyền lớn như thế nào đối với các nước châu Á.
Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ ngày 27.11, một số cư dân mạng hiếu chiến Trung Quốc đổ thêm dầu vào lửa khi công kích chính phủ yếu đuối, không mạnh tay với các trường hợp phớt lờ quy định của ADIZ. Tướng về hưu Lưu Viện nổi tiếng diều hâu, trên Weibo viết rằng ADIZ phải được cưỡng bức thực thi đầy đủ, và "không một quốc gia nào có thể nghĩ rằng họ thể có cơ hội bay qua"!
Một blogger khác ở Trùng Khánh viết trên Weibo rằng "Nếu khu vực nhận dạng phòng không chỉ là tạm thời, không có phương tiện để xử lý các nước bay vào mà không được phép, tốt hơn là nên dẹp bỏ nó".
Báo New York Times còn trích lời của Ni Fangliu, nhà sử học và là nhà báo, trên Weibo còn cảnh báo ADIZ của Trung Quốc sẽ là trò cười của quốc tế nếu quân đội không đáp trả các máy bay bay vào ADIZ mà không thông báo.

Trực thăng của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản cất cánh khỏi tàu sân bay USS George Washington ngày 27.11, trong cuộc tập trận chung thường niên Nhật - Mỹ - Ảnh: Hải quân Mỹ

Máy bay Hạm đội Đông Hải chuẩn bị bay tuần đêm - Ảnh: navy.81.cn ngày 27.11
Nhật Bản đã gia tăng các biện pháp đáp trả, như yêu cầu các hãng hàng không ngưng việc nộp thông báo bay cho Trung Quốc, tăng cường tuần tra.
Từ ngày 26.11, hải quân Mỹ cùng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tiến hành tập trận rầm rộ ngoài khơi đảo Okinawa, với sự tham gia của tàu sân bay USS George Washington vừa từ Philippines trở về, cùng các tuần dương hạm trang bị tên lửa dẫn đường USS Antietam, khu trục hạm USS Curtis Wilbur, USS Lassen, USS McCampbell, USS Mustin, tàu ngầm và máy bay tuần tiễu săn ngầm.
Trung Quốc sau đó điều động tàu sân bay Liêu Ninh từ Thanh Đảo xuống biển Đông tập trận.
Tình hình dồn dập này khiến trang tin news.com.au (Úc) ngày 27.11 gọi là "tiếng trống trận đang vang lên trước cổng nhà chúng ta".

Phép thử của Trung Quốc với Nhật Bản?

Nhiều chuyên gia cho rằng, thực chất việc Trung Quốc lập ADIZ chỉ là phép thử, là đòn nắn gân chính phủ của Thủ tướng Abe (Nhật Bản). "Trung Quốc đang gây sức ép và thử thách ông Abe kể từ khi ông nhậm chức Thủ tướng và trong thời gian điều hành vừa qua", ông Brad Glosserman, giám đốc Trung tâm Châu Á về các vấn đề chiến lược và quốc tế tại Honolulu nhận xét.
"Đây là bước đi rất ngớ ngẩn và nguy hiểm của Trung Quốc. Nếu Quân đội Trung Quốc cố can thiệp (với sự đáp trả từ Mỹ - Nhật), thì sẽ có vấn đề thực sự".
Những thách thức này của Trung Quốc được xem là phép thử với Thủ tướng Abe, một nhân vật bảo thủ được bầu làm thủ tướng năm 2012 và đã cam kết thay đổi lực lượng quân sự Nhật Bản trở nên mạnh mẽ hơn nhằm công nhận quyền được tự vệ.
Hôm 25.11, ông Abe tuyên bố trước quốc hội rằng Nhật Bản không công nhận ADIZ của Trung Quốc hoặc bất cứ tuyên bố nào của nước này về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
"Chúng ta sẽ thực hiện các bước chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng cách sử dụng các lực lượng của chúng ta để để bảo vệ hải phận và không phận của đất nước", ông Abe nói.

Thủy quân lục chiến Mỹ tuần tra trên boong tàu sân bay USS George Washington đang tham dự cuộc tập trận chung với Nhật Bản, ngày 27.11 - Ảnh: EPA

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc xuống Biển Đông tập trận từ 26.11 - Ảnh: news.com.au
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ bay đến Nhật Bản ngày 1.12 tới để thảo luận về tình hình căng thẳng tại khu vực. Theo dự kiến, sau đó ông Biden bay sang Trung Quốc, và điểm cuối là Hàn Quốc.
Ông Biden sẽ sử dụng cuộc gặp ở Trung Quốc với Chủ tịch Tập Cận Bình cùng Thủ tướng Lý Khắc Cường để bày tỏ mối quan ngại của Mỹ về ADIZ, tìm lời giải thích của Trung Quốc đối với khu vực phòng không trên biển Hoa Đông.
Theo New York Times, Mỹ đang lo ngại ADIZ cùng với những căng thẳng do Trung Quốc gây ra trên Biển Đông sẽ tạo nên xung đột trong khu vực, và đây là điều không tốt cho mọi người.

Vùng nhận dạng bay Trung Quốc và Nhật Bản - Tựa một "đường lưỡi bò trên không"
Đồ họa: BBC

Cơ hội đối đầu ít xảy ra

Người ta vẫn chưa hiểu vì sao Trung Quốc lại chọn thời điểm này để công bố ADIZ, theo nhận xét của ông Narushige Michishita, giám đốc chương trình An ninh và các vấn đề quốc tế, thuộc Viện nghiên cứu chính sách ở Tokyo, Nhật Bản.
Ông cũng không rõ quyết định thành lập ADIZ là từ Chủ tịch Tập Cận Bình hay từ phía quân đội Trung Quốc.
"Đó là một kịch bản đáng sợ. Những gì xảy ra kế tiếp là tình hình Trung Quốc".
Tuy vậy, chuyên gia Cheng Li (Viện Brookings, Mỹ) cho rằng nguy cơ đối đầu là thấp. Theo ông, Chủ tịch Tập Cận Bình có lẽ ít quan tâm vào cuộc phiêu lưu quân sự hơn là việc cải tổ nền kinh tế Trung Quốc.
"Cơ hội dẫn đến chiến tranh thực sự là rất thấp, tuy nhiên những sự cố nếu xảy ra sẽ dồn các lãnh đạo vào chân tường", ông Li nhận xét.
(Theo iHay.vn) Anh Sơn
Tựa đề của Kinh Bắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét