Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

20:01

Từng có một “siêu bão Haiyan” đổ bộ vào Việt Nam làm chết hàng chục ngàn người

 
Cảnh lũ lụt ở Long An ngày nay
Cách đây hơn 100 năm, miền Nam nước ta từng chịu đựng một cơn siêu bão kèm theo sóng thần, hậu quả còn thảm khốc hơn thế.
Bà con miền Trung nước ta vừa may mắn thoát khỏi một tai họa khủng khiếp khi siêu bão Haiyan đã không đổ bộ vào đất liền. Những thông tin, hình ảnh về hậu quả bão Haiyan vừa “vùi dập” nước láng giềng Philippines khiến chúng ta không khỏi chạnh lòng bởi sự khủng khiếp của nó: Hàng ngàn người chết, hàng chục ngàn ngôi nhà bị tàn phá, cả một thành phố bị san bằng...
Siêu bão số 1 kèm theo sóng thần
Đó là cơn bão năm Giáp Thìn 1904. Kỳ lạ là cơn bão đầu tiên trong năm này (bão số 1) ập vào Nam Bộ cuối mùa khô, khi mới có vài cơn mưa đầu mùa. Đây là trận bão kèm theo sóng thần duy nhất được ghi nhận ở vùng đất Nam bộ, là trận sóng thần kinh hoàng nhất được ghi nhận trên toàn cõi Việt Nam từ xưa tới nay.
Tâm bão, kèm theo là sóng thần, đổ bộ vào vùng đất Gò Công (nay thuộc tỉnh Tiền Giang), rồi lan rộng ra các vùng chung quanh như Mỹ Tho, Long An, Bến Tre, Sài Gòn...
 
 Bờ biển Gò Công- nơi đón cơn bão năm Giáp Thìn 1904.
Nhiều cuốn sách, bài báo đã viết về trận bão kinh hoàng này, trong đó 2 tác giả Huỳnh Minh với “Gò Công xưa và nay” và Việt Cúc với “Gò Công cảnh cũ người xưa” đã ghi lại nhiều tư liệu về trận bão năm Thìn này.
Hôm ấy vào ngày 16.3 âm lịch (nhằm ngày 1.5.1904). Mọi người không ai nghĩ là sẽ có một trận bão tố sắp xảy ra vì từ trước tới nay Nam Kỳ vốn là đất hiền hoà, ít  thiên tai. Các tỉnh bị thiệt hại nặng nhất là Gò Công, Mỹ Tho (đều thuộc Tiền Giang ngày nay), Tân An, Chợ Lớn (Long An nay), Gia Định (TP.Hồ Chí Minh nay) và dọc theo vùng duyên hải. Nhiều làng gần bờ biển đã bị sóng thần cao đến 4 - 5m lôi cuốn đi mất. Sóng thần tiến vào các sông ngòi và có ảnh hưởng đến tận Bến Lức (Long An), cách bờ biển khoảng 50 cây số.
Hai tỉnh Gò Công và Mỹ Tho bị ảnh hưởng của cơn bão nặng nề nhất. Nhiều làng ven biển ở Gò Công đang làm lễ cúng thần, xây chầu hát bội thì cuồng phong nổi dậy ầm ầm, mây mù tứ phía, mưa tuôn xối xả, sóng nước tràn vào. Những đợt sóng đầu tiên cuốn mất nhà cửa, nước dâng thật nhanh, lên cao 4 - 5m, ngập lút cả ngọn cây. Ở Vàm Láng không chỉ các ghe nhỏ mà cả tàu sắt cũng bị quăng lên bờ.
Nhiều người mắc kẹt trên các ngọn cây, hai ba ngày quần áo rách tả tơi, đói khát. Một số người sống sót nhờ đeo bám theo các đống rơm trôi lênh đênh trên mặt nước. Rắn rít bám theo các ngọn cây nóc nhà, một số người bị rắn cắn chết.
Có 6 làng ven biển bị tổn thất rất nặng là: Gia Thuận, Kiểng Phước, Bình Ân, Tân Bình Điền, Tăng Hoà và Tân Thành. Quá bất ngờ vì bão tố diễn ra trong nháy mắt, hầu như gia đình nào cũng bị tản mác trôi theo dòng nước, có người trôi tận tới Cần Đước (Long An), Chợ Đệm (Gia Định), cách Gò Công trên dưới 50 km.
Xác người vắt đầy trên cây
Ở Gò Công và các vùng lân cận, qua ngày 17.3 âm lịch, nước mới rút cạn được một nửa, còn khoảng 1,5m. Người ta bơi xuồng đi khắp nơi để tìm xác người thân. Và tới hôm sau nữa thì mới thấy mặt đất, quang cảnh thật là hãi hùng. Mãi đến ngày 19.3 âm lịch, chính quyền mới tổ chức chôn cất những người chết, gặp đâu chôn đó. Hàng trăm gia đình không còn ai sống sót, hàng ngàn gia đình có người chết.

 
 Dinh tỉnh trưởng Gò Công từng bị sụt đổ do cơn bão năm 1904.
Các vùng lân cận của tỉnh Gò Công có bán kính năm sáu chục cây số như Bến Tre, Mỏ Cày, Tân An cũng bị thiệt hại nặng nề. Đèn đường, dây thép (điện thoại, điện tín) ở thị xã Gò Công, TP.Mỹ Tho ngã đổ khắp nơi, thậm chí dinh tỉnh trưởng cũng bị sập đổ. Cây cối ngã rạp la liệt bít cả lối đi, xác người nằm vắt trên cây hoặc bị mắc kẹt trong các bụi cây.
Kết quả thống kê thiệt hại của hai tỉnh Gò Công cho biết: Trên 60% nhà bị sập đổ, 5.000 người chết trôi ở các làng ven biển, 80% gia súc bị chết...
Vào cái ngày định mệnh đó, đúng lúc đình làng Tân Bình Điền (Gò Công) đang hát tuồng Quan Công phò nhị tẩu, dân chúng xem rất đông. Đang hồi gây cấn hấp dẫn thì bão tới, sóng biển ập vào, người xem, đào kép đua nhau bỏ chạy tán loạn. Đến khi chính quyền tổ chức kiếm xác thì người ta tìm thấy cả xác “Quan Công”, “Tào Tháo” nằm vắt vẻo trên ngọn tre, đống rơm, mặt mày còn nguyên son phấn! 
Thị xã Tân An cách biển khoảng 50 cây số cũng bị ảnh hưởng nặng. Theo mô tả của Đào Văn Hội trong “Tân An ngày xưa”, thì xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho cũng bị đổ nhào: “Xe lửa chạy tới Tân An/Tốp máy chẳng kịp ngã ngang té nhào”.
Nước sông Vàm Cỏ Tây, sông Bảo Định, kinh Lính Tập dâng lên, nhiều người chạy không kịp bị nước cuốn trôi. 7 giờ sáng ngày 17.3 âm lịch, mưa tạnh dần, nước rút dần. Quang cảnh lúc ấy trông thật điêu tàn, tất cả các nhà lá đều sập, các cây keo, cây me trốc gốc đến chín mươi phần trăm. Trên sông Vàm Cỏ xác người nổi, trôi theo dòng nước.
Đến thập niên 1950, ở vùng Gò Công, Mỹ Tho, Tân An vẫn còn tổ chức “giỗ hội” vào ngày 16.3 âm lịch. Vào ngày ấy, hàng ngàn đám giỗ được tổ chức, hầu như nhà nào cũng có giỗ. Cảnh “giỗ hội” đã đi vào ca dao: “Tháng ba, mười sáu lai niên/ Cũng trùng một bữa, đậu tiền cúng chung”. Thế hệ những người chết trong cơn bão Giáp Thìn năm 1904 giờ đã lên hàng “cố”, hàng “sơ” của những người đang sống, nên hầu như ít còn được cúng giỗ, dấu ấn về “giỗ hội” cũng từ đó mà nhạt nhòa dần.
Giống như Tacloban của Philippine
Ngày ấy, cơn siêu bão đã tàn phá thành phố Sài Gòn không khác gì thành phố Tacloban của Philippines vừa qua. Tờ Nam Kỳ tuần báo (do Hồ Văn Trung, tức nhà văn Hồ Biểu Chánh làm chủ nhiệm) số 85, ra ngày 8.6.1944, có bài “Trận bão năm Thìn” của Mỹ Xuân tường thuật khá chi tiết về cơn bão này trên đất Sài Gòn. Cơn bão diễn ra đúng vào ngày chủ nhật 1.5.1904.
Hôm ấy cũng đúng vào ngày bầu cử hội đồng thành phố. Chiều hôm trước là ngày khánh thành tuyến xe lửa Sài Gòn - Gò Vấp. Trong bài diễn văn của mình, một quan chức Sài Gòn dõng dạc tuyên bố: “Nam Kỳ vốn là Phật địa, không bao giờ có bão lụt tàn phá như các xứ thuộc địa khác. Ấy là sự bảo đảm của nên thịnh vượng chung cho xứ sở, cho mọi người, mà cũng là một hạnh phúc riêng cho các công ty xe lửa…”.
Sáng 1.5, từ 8h cho đến 12h tại Sài Gòn mưa cứ lâm râm. Đến 13h trưa gió bắt đầu thổi mạnh và đến 15h chiều gió càng dữ dội. Người dân Sài Gòn cứ ngỡ là trời dông lớn chứ không ai nghĩ đến bão lụt. Xe ngựa, xe kéo, khách bộ hành kiếm chỗ trú ẩn hoặc chạy về nhà, đường sá vắng tanh. Mới 16h chiều, trời đã tối sẫm, điện bị cúp.
Ở các nhà hàng, quán cơm, người ta phải đốt đèn cầy hoặc đèn dầu, gió mạnh cứ thổi tắt hoài. Cuộc bầu cử hôm ấy vắng mặt tới trên 400 cử tri do thời tiết xấu, kết quả kiểm phiếu bị huỷ bỏ và phải dời lại chủ nhật tuần sau. Bài báo mô tả: “Đến 17h chiều, trận dông mưa mới thật kịch liệt cực điểm. Dông gió tung rớt mái nhà, đàn ngã cây cối, đứt mất dây điện và dây thép, nhận chìm tàu ghe, cột đèn hay cột dây thép xiêu ngã liệt địa. Đường sá vắng teo không người lai vãng, tiếng dông mưa thổi ào ào như trời than đất thở”.
Dọc theo sông Sài Gòn, tàu, xà lan, ghe tam bản, ghe chài, ghe lồng đứt dây, trôi ra giữa sông bi sóng gió đánh ập, va đập nhau mà chìm. Đến 19h tối, các chiếc tàu lớn Canebière, Adour và Hop Sang bị sóng đẩy lên bờ nằm ngả nghiêng. Chiếc Patroclus đang đậu ở Thủ Thiêm, đứt dây neo, chạy ra giữa sông đụng chìm 4 chiếc ghe chở đá của bà Roussel, đâm thủng một chiếc ghe chài chở lúa, nhận chìm khoảng một chục chiếc tam bản trước khi chìm xuống bến Nhà Rồng.
Chỉ riêng các ghe chở lúa, chở dầu, chở hàng hóa có đến 43 chiếc bị chìm trong đêm hôm đó. Từ 22h đêm, trời đã bớt dông nhưng mưa vẫn ào ào như trút cho tới sáng hôm sau mới ngớt.
Thống kê sơ bộ có hơn 900 cây lớn trốc gốc nằm ngổn ngang trên các con đường Sài Gòn. Báo L’Opinion và Le Courrier de Saigon  tường trình về trận bão này: “Dọc theo đường xe lửa chạy dựa theo mé sông từ Sài Gòn vô Chợ Lớn (tuyến xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho), có một cái vòi rồng trên trời thò xuống làm đổ ngã một toa xe, giựt đứt mái nhà ở đề-pô xe lửa và đè nhẹp cả một cái nhà lá khác.
Cách đó mươi thước, cái vòi rồng ấy hốt một người nam đem tuốt lên không trung rồi khiêng đại xuống mặt đất. Khi thiên hạ chạy đến toan cứu kẻ vô phước thì người ta thấy thân hình anh ta đã dẹp đép như tờ giấy, và lại dài nhằn ra đo đến được 3 thước. Bấy giờ muốn khiêng kẻ bạc mạng đến nhà xác, người ta cứ xấp anh lại làm hai!...”. Thiệt hại về tài sản do cơn bão gây ra chỉ riêng tại Sài Gòn đã lên đến 40 triệu đồng, tương đương với khoảng 1.000 tỉ đồng ngày nay. Số người chết ở riêng Sài Gòn lên đến hơn 3.000 người!
 (Theo Lao động) Hoàng Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét