13:44
Đường
mới như... áo rách
Vùng ĐBSCL, hàng loạt con đường nghìn tỉ vừa
đưa vào sử dụng đã hư hỏng, bong tróc. Lo sợ “ổ gà”, “ổ trâu” gây tai nạn cho
người đi đường, người dân miền Tây phải tự lấy xi măng trộn với đá rồi “vá
đường”, làm thay Bộ GTVT…
Kỷ luật... “gãi ngứa”
Cuối tháng 11.2013, Sở GTVT tỉnh Hậu Giang triển khai quyết định
kỷ luật 5 cán bộ có liên quan đến dự án đường nối Vị Thanh - Cần Thơ do xây
dựng kém chất lượng. Theo đó, Trưởng và Phó ban quản lý dự án Lê Thanh Việt
và Nguyễn Trung Hậu bị kỷ luật khiển trách.
Các ông Nguyễn Văn Cà Lơ Anh, Trương Hoàng Thám và Hồ Thắng Lợi
là cán bộ giám sát của chủ đầu tư (Sở GTVT) bị kỷ luật cảnh cáo vì đã thiếu
trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, để xảy ra hư hỏng trên
tuyến đường nối này. Nhà thầu thi công không đảm bảo chất lượng chịu trách
nhiệm toàn bộ kinh phí sửa chữa các hư hỏng và đảm bảo hoàn thành trước ngày
31.12.2013.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng, việc một công trình trị giá gần
3.400 tỉ đồng vừa sử dụng vài tháng đã biến thành “đường tử thần” với vô số
“ổ gà”, “ổ trâu” có thể gây tai nạn bất kỳ lúc nào mà các cán bộ chỉ bị kỷ
luật kiểu “gãi ngứa” thì cán bộ sẽ “thiếu trách nhiệm dài dài”.
Theo hồ sơ, công trình đường nối Vị Thanh - Cần Thơ được thiết kế
quy mô 4 làn xe, kinh phí đầu tư giai đoạn 1 gần 3.400 tỉ đồng, được xây dựng
theo quy mô cấp III đồng bằng. Tháng 5.2013, khi đưa vào sử dụng, tại gói
thầu 1.1 (do Cty CP công trình và thương mại GTVT thi công) và 2.2 (do Cty CP
đầu tư thương mại và xây dựng giao thông 1 và Cty liên hợp Vạn Cường thi
công), đường bị hư hỏng ngay trong thời hạn bảo hành.
Trước phản ánh của nhân dân, các cơ quan chức năng thuê Phân viện
Khoa học công nghệ GTVT phía nam (ITST phía nam) kiểm định chất lượng và phát
hiện hàng loạt sai phạm của nhà thầu cũng như đơn vị giám sát.
Tương tự, tuyến đường Bốn Tổng - Một Ngàn (đoạn qua TP.Cần Thơ)
trị giá 1.700 tỉ đồng vừa khánh thành đưa vào sử dụng đầu tháng 2.2013 đã
xuất hiện rất nhiều “ổ gà”, “ổ voi”. Riêng đoạn từ Km18 đến Km22, lượng “ổ
gà” dày đặc nên mỗi tuần có hàng chục vụ tai nạn.
Theo Sở GTVT TP.Cần Thơ, công trình này do Ban QLDA Đầu tư xây
dựng TP.Cần Thơ làm chủ đầu tư. Sau khi hết thời gian bảo hành thì đường bắt
đầu hư hỏng.
Trước đó, tuyến QL91B (cũng ở Cần Thơ, có kinh phí xây dựng hơn
455 tỉ đồng) mới đưa vào sử dụng chưa đầy một tháng đã hư hỏng nghiêm trọng.
Một tuyến đường khác là đường Vành đai Phi Trường (cũng tại Cần Thơ) cũng xảy
ra tình trạng tương tự.
Người dân tự “bảo trì”
Ngày 27.11, PV đã đi một vòng khoảng 200km từ trung tâm
TP.Cần Thơ xuyên qua huyện Ô Môn, về Thới Lai, Cờ Đỏ, vòng sang lộ Bốn Tổng –
Một Ngàn (địa bàn Cần Thơ) rồi băng qua Hậu Giang, về Cần Thơ. Những con
đường vừa hoàn thành đưa vào sử dụng đều có chung đặc điểm: Bong tróc, đầy “ổ
gà”, “ổ voi” và được vá chằng, vá đụp như áo rách.
Điều đáng ngạc nhiên là việc sửa chữa đường được người dân làm tự
phát chứ không phải do Nhà nước chủ trì. Trên tuyến Bốn Tổng – Một Ngàn, đoạn
từ cầu Láng Chim đến cầu Sáu Bọng, người dân tự mua ximăng, cát đá rồi mạnh
ai nấy vá những lỗ thủng trên mặt đường trước nhà. Có hàng trăm ổ gà, ổ trâu
đã được người dân dùng “công nghệ” thô sơ nhất để chắp vá vì sợ tai nạn xảy
ra.
Tại Tiền Giang, dự án mở rộng quốc lộ 50 do Ban Quản lý Dự án 7
(PMU7 – Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, các nhà thầu cam kết hoàn thành vào tháng
6.2011, cũng rơi vào tình trạng “hai lúa tự sửa chữa”. Mặt quốc lộ 50 cũng
xuống cấp thê thảm, hàng loạt tai nạn xảy ra nên người dân phải tự góp tiền,
tự vá quốc lộ. Do không biết kỹ thuật, người dân đã trộn bêtông ximăng rồi đổ
đè lên lớp bêtông nhựa, chủ yếu là giải quyết tình thế.
Tương tự, quốc lộ Nam Sông Hậu (QL91C, chạy cặp theo sông Hậu từ
Cần Thơ đi qua Hậu Giang, Sóc Trăng đến Bạc Liêu) với chiều dài toàn tuyến
trên 147km cũng đã tan nát sau thời gian ngắn sử dụng.
Do con đường này xuyên qua đồng trống, không có nhà dân nên dân
không thể sửa chữa. Giống như QL91C, tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp có tổng
chiều dài trên 110km, nối từ thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) đi qua Sóc Trăng, Bạc
Liêu đến Cà Mau, vừa đưa vào sử dụng mới gần 1 năm nhưng nhiều đoạn đã xuất
hiện hiện tượng hư hỏng nghiêm trọng, gây mất an toàn cho người và phương
tiện tham gia giao thông.
Dùng xe tải thay xe lu
Đoạn ngang huyện Thới Lai (Cần Thơ), các nhà thầu đang thi công mở rộng đường tỉnh 922. Tuy nhiên, đơn vị thi công cho móc đường mà không gắn biển cảnh báo, cũng không có hàng rào an toàn. Người dân sống ven đường cho biết, ở giai đoạn sang cát, thay vì sử dụng xe lu để lu lèn nền đường thì nhà thầu dùng luôn xe tải chở cát lu lèn thay xe lu.
(Theo Lao động) HỮU DANH
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét