14:03
Tại sao đại biểu Dương Trung Quốc không bấm nút?
TT - Là một trong hai đại biểu Quốc hội không bấm nút thông
qua Hiến pháp (sửa đổi), ông Dương Trung Quốc đã công khai việc này. Bên lề
kỳ họp Quốc hội, trước giờ bế mạc chiều 29-11, ông đã trao đổi thẳng thắn với
phóng viên Tuổi Trẻ.
Đại biểu Dương Trung Quốc - Ảnh: V.Dũng
* Thưa ông, ông giải thích như thế nào về việc
này với cử tri của mình?
- Trước hết tôi muốn đại diện cho một bộ phận nhân dân mà như
trong lời phát biểu khi Quốc hội chuẩn bị bỏ phiếu thông qua Hiến pháp (sửa
đổi) thì Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nói rằng: Trong một bộ phận
nhân dân và ngay cả một số đại biểu Quốc hội cũng còn có ý kiến khác. Tôi
muốn nói rằng tôi đánh giá cao thái độ tôn trọng ấy.
Còn lý do trực tiếp thì như nhiều lần tôi đã phát biểu, và bản
thân tôi cũng trực tiếp tham gia vào dự thảo Hiến pháp với tư cách là một
thành viên ban biên tập, rằng tôi có thể khẳng định công tác chuẩn bị đã tiến
hành trong thời gian dài, đầu tư nhiều công sức, thảo luận dân chủ. Trong quá
trình đó, hầu như tất cả ý kiến đều được ghi nhận và có hồi âm, giải trình rõ
ràng. Tuy nhiên, tôi vẫn có suy nghĩ riêng của mình. Đó là vào thời điểm này
đã chín muồi cho việc chúng ta không chỉ sửa đổi Hiến pháp năm 1992, mà với
tất cả trải nghiệm của hơn 20 năm vừa qua, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập,
chúng ta nên có những bước đi căn bản hơn. Hiện nay tôi thấy có những vấn đề
chưa ngã ngũ, ví dụ như vấn đề sở hữu, vấn đề liên quan đến chính quyền địa
phương..., vậy mà chúng ta khép lại như vậy thì tôi cho rằng nó hơi nửa vời.
Vả lại, dẫu là sửa đổi, Hiến pháp vẫn là đạo luật gốc chi phối
chúng ta trong nhiều chục năm nữa, giữa lúc thế giới đang thay đổi như thế
này. Và điều cuối cùng mà tôi đã thể hiện trước Quốc hội là tôi rất băn khoăn
trước lịch sử lập hiến: lần đầu tiên chúng ta ghi thẳng vào Lời nói đầu là
Hiến pháp cũng chỉ thể chế hóa cương lĩnh của Đảng. Tôi tự đặt câu hỏi rằng
đây có phải là một nhận thức tiến bộ hay không? Sự lãnh đạo của Đảng thì có
lẽ chúng ta không phải bàn nữa, nhưng nghệ thuật lãnh đạo của Đảng là điều
hết sức quan tâm. Chúng ta hãy đọc lại các bản Hiến pháp trước đây, nhất là
các Hiến pháp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trực tiếp lãnh đạo, chúng ta thấy
rằng Đảng luôn đóng vai trò quyết định, thế nhưng nghệ thuật lãnh đạo lại
khác, không thể hiện trực tiếp vào Hiến pháp như vậy, mà đặt dân tộc và nhân
dân lên trên hết.
Với những lý do đó, tôi đã lựa chọn là không biểu quyết. Nó cũng
thể hiện suy nghĩ của tôi và có lẽ là của một bộ phận nhân dân như Chủ tịch
Quốc hội đã đề cập.
* Vậy tại sao ông không dứt khoát ấn vào nút
“không tán thành”?
- Đọc bản Hiến pháp này và là người trực tiếp tham gia quá trình
soạn thảo, tôi phải khẳng định rằng những người soạn thảo đã thể hiện một
tinh thần rất cầu thị. Nhưng hình như tinh thần cầu thị ấy không vượt qua được
ngưỡng của tính nguyên tắc, tức là những gì đã có trong cương lĩnh. Như chúng
ta biết, cương lĩnh nói về những vấn đề cơ bản nhất cho cả một thời kỳ dài,
Đảng gọi là thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, còn sự phát triển của đất
nước trong bối cảnh hiện nay thay đổi từng ngày từng giờ. Đó là chưa kể một
kiến nghị của tôi chưa được đưa vào trong Hiến pháp là phải có quy định đúng
tầm mức về biến đổi khí hậu mà dự báo VN là một trong những quốc gia phải
hứng chịu nhiều nhất.
* Trước khi Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa
đổi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói rằng những ý kiến khác sẽ tiếp
tục được nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình đổi mới đất nước. Ông hiểu thế
nào về ý kiến này?
- Tôi hiểu được giải thích đó. Bởi dẫu sao chúng ta cũng phải có
một điểm dừng và điểm dừng đó phải tạo được đồng thuận tối đa. Nhưng ngay cả
về lý thuyết thì cũng không thể có đồng thuận tuyệt đối. Cho nên tôi muốn thể
hiện cái tính không tuyệt đối ấy và nhận thức đó là chuyện hết sức bình
thường. Tôi không biểu quyết về dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) nhưng tôi vẫn
đồng thuận khi Quốc hội thông qua nghị quyết thi hành Hiến pháp. Và tôi muốn
nói rằng bản Hiến pháp này nếu đi vào cuộc sống sẽ tạo nên nhiều sự thay đổi,
vì trong nó chứa đựng những quy định tiến bộ hơn nếu so với Hiến pháp năm
1992.
* Ông đã nhận được phản hồi như thế nào khi dư
luận biết rằng ông là người công khai thừa nhận không biểu quyết Hiến pháp
(sửa đổi)?
- Có rất nhiều người hỏi tôi câu đó và tôi đã trả lời như vừa trả
lời bạn. Sáng nay, gặp Chủ tịch Quốc hội, tôi có nói rằng chính ý kiến của
Chủ tịch phát biểu mà tôi rất chia sẻ là Quốc hội tôn trọng ý kiến khác biệt.
Và Chủ tịch Quốc hội nói với tôi rằng Quốc hội không những tôn trọng mà còn
là trân trọng nữa. Bởi đất nước chúng ta vẫn đang phát triển và thực tế sẽ
yêu cầu phải có nhiều lần sửa đổi Hiến pháp nữa.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét