Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

13:46

Lãi suất giảm, gửi tiết kiệm vẫn "nóng"

 (PetroTimes) - Trong điều kiện các kênh đầu tư đều khó khăn, tiền nhàn rỗi chảy mạnh vào ngân hàng dù cho lãi suất huy động đang rất thấp cũng là điều dễ hiểu.
Chuộng kỳ hạn ngắn
Theo số liệu công bố, đến giữa tháng 9/2013, tiền gửi VNĐ của người dân đã tăng 13,78% so với cuối năm 2012.
Trong 9 tháng đầu năm 2013, trên cơ sở đánh giá diễn biến của lạm phát, sự ổn định của thị trường ngoại hối và tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận thấy dư địa giảm trần lãi suất huy động bằng VNĐ không còn nhiều. Vì vậy, mức trần lãi suất huy động các kỳ hạn chỉ giảm khoảng 1%/năm (trần kỳ hạn lãi suất dưới 12 tháng giảm từ mức 8%/năm cuối 2012 xuống 7,2%/năm vào cuối tháng 3/2013; từ cuối tháng 6/2013 chỉ quy định trần lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng tối đa là 7%/năm).
Hiện nay, lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng phổ biến ở mức: không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng là 1-1,2%/năm; kỳ hạn từ 1-dưới 6 tháng ở mức 5-7%/năm; kỳ hạn từ 6- dưới 12 tháng ở mức 6,5-7,5%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 7,5-9%/năm. Lãi suất huy động bình quân khoảng 6,8%/năm. Nếu tính cả chi phí dự trữ bắt buộc và dự trữ thanh toán thì lãi suất tiền gửi bình quân khoảng 7,16%/năm - phù hợp với kỳ vọng lạm phát đến cuối năm 2013 và cả năm 2014.
Theo dõi diễn biến lạm phát và sức tăng trưởng kinh tế để “chọn mặt gửi vàng” đầu tư là một phương pháp được nhiều người dân đánh giá cao. Theo phân tích của nhiều người, khi nền kinh tế tăng trưởng nóng, lạm phát tăng cao thì đầu tư chứng khoán, vàng, đặc biệt là bất động sản sẽ hiệu quả. Nhưng khi nền kinh tế trong tình trạng suy thoái thì gửi tiết kiệm là an toàn, vẫn có lãi (dù ít), ít ra là đủ bù đắp trượt giá. Vì thế, trong giai đoạn này, thay vì mua vàng, người dân có xu hướng “nhờ” ngân hàng giữ tiền nhiều hơn.
 
Dù lãi suất tiền gửi đã giảm đáng kể nhưng người dân vẫn chọn ngân hàng là nơi “giữ tiền”.
Một lãnh đạo của ngân hàng thừa nhận, dù lãi suất có giảm thế nào thì khách hàng vẫn rất chuộng kỳ hạn ngắn để linh hoạt nguồn vốn. Tiền gửi tiết kiệm chủ yếu là 1-3 tháng tại ngân hàng thường chiếm hơn 50% trong cơ cấu vốn. Có nhiều trường hợp, một số ngân hàng muốn khuyến khích khách hàng gửi dài hạn nên nhân viên đã tư vấn cho khách có thể gửi kỳ hạn dài để hưởng mức lãi suất cao hơn. Nếu khách hàng cần tiền gấp mà chưa đến hạn thì có thể thế chấp sổ tiết kiệm vay tiền của ngân hàng.
Cũng có nhiều người do chưa có kế hoạch sử dụng tiền nhàn rỗi nên đã lựa chọn gửi ở kỳ hạn dài 9-12 tháng để hưởng lãi suất cao hơn.
Chị Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, hiện nay kỳ hạn dưới 6 tháng tại ngân hàng chị đang gửi tiền 6%/năm, trong khi kỳ hạn 9 tháng là 8%/năm. Theo tính toán của chị Minh, với số tiền gửi là 1 tỷ, gửi kỳ hạn 9 tháng thì mỗi tháng chị có khoảng 6,7 triệu đồng tiền lãi, cao hơn gần 1,7 triệu đồng so với kỳ hạn ngắn là 6 tháng.
Chị Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) hơi thất vọng một chút khi lãi suất hạ xuống 6%/năm. Tuy nhiên, suy đi tính lại, với lãi suất 6%/năm dù có thấp nhưng vẫn không phải là con số quá nhỏ khi không phải hồi hộp, lo lắng lấy tiền đó đi đầu tư vào kênh khác.
“Gửi tiền vào ngân hàng, tôi cứ ăn no ngủ kĩ và lấy lãi về, không lo hụt vốn”, chị Mai nói.

Theo phân tích của chị Mai: Nếu kinh doanh nỗ lực, tỷ suất lợi nhuận cũng chỉ đạt được khoảng 20%. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận thậm chí còn thấp hơn rất nhiều.
“Vất vả như vậy, lại nhiều rủi ro mà tiền thu về chỉ hơn mình gửi ngân hàng một chút nên tôi cũng không đòi hỏi quá nhiều vào lãi suất”.
Kênh đầu tư an toàn
Chuyên gia kinh tế tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, xu hướng nhiều người vẫn thích gửi tiết kiệm là điều dễ hiểu. Bởi hiện nay, thị trường bất động sản chưa thể khởi sắc, vàng diễn biến khó lường, việc tích trữ ngoại tệ trong bối cảnh hiện nay được đánh giá là chưa thực sự có lợi. Do đó, tiền đồng sẽ khó chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh: gửi VNĐ đang là lựa chọn tốt nhất cho người có tiền. Đây không phải kênh đầu tư vì đầu tư phải có rủi ro nhưng gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm là nơi trú ẩn an toàn nhất, đặc biệt là cho tiền nhàn rỗi.
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, nhận định đây là thời điểm thuận lợi để doanh nhân bỏ tiền đầu tư sản xuất - kinh doanh nhưng nếu muốn an nhàn thì có thể gửi tiết kiệm VNĐ. Theo tính toán của ông Thành, lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng đối với VNĐ hiện nay khoảng 6,7%-7%/năm, lãi suất gửi USD là 1,25%/năm.
Thống đốc NHNN tuyên bố năm nay tăng tỉ giá tối đa 3%, vừa qua đã tăng 1%, nếu điều chỉnh hết biên độ thêm 2% nữa thì lợi nhuận gửi USD chỉ là 4,25% (1,25% lãi suất + 3% tăng tỉ giá = 4,25%). Như vậy, lợi nhuận từ gửi USD vẫn thấp hơn so với mức lãi suất 6,7%-7% của tiết kiệm VNĐ. Chưa kể, nhiều khả năng lợi nhuận gửi USD còn thấp hơn mức trên vì có thể tỉ giá chỉ tăng thêm khoảng 1% nữa do NHNN đang rất kiên định với tỉ giá.
Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB) cho biết, hiện các kênh đầu tư chủ yếu có 4 lĩnh vực tiết kiệm, bất động sản, chứng khoán và ngoại hối. Còn kênh vàng, theo ông không có nhiều tiềm năng do những chính sách mới áp dụng của NHNN khiến việc mua, bán gặp nhiều khó khăn.
Trường hợp lãi suất biến động, nếu 3 kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản và ngoại hối không có dấu hiệu khởi sắc, người dân không biết đâu là đáy, kinh tế vĩ mô cũng chưa ổn định, ông Toại tin rằng dòng tiền vẫn tiếp tục đổ vào lĩnh vực gửi tiết kiệm. "Dù vậy, nếu một trong 3 kênh còn lại xuất hiện tín hiệu tốt, người dân thấy cơ hội ở đâu nhiều, họ sẽ nhảy vào ngay", ông Toại nói.
Đa phần người dân thích gửi tiết kiệm hơn vì tính ổn định, lâu dài và có thể dự báo được khoản lãi trong tương lai. Gửi tiết kiệm an toàn, không có tính bấp bênh nhưng chỉ hợp với những nhà đầu tư suy nghĩ đơn giản, tâm lý ngại rủi ro.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận, do mất lòng tin vào thị trường chứng khoán, bất động sản, nhiều người đã gửi tiết kiệm để bảo toàn vốn, thậm chí chấp nhận lỗ khi lạm phát tăng cao. Bất động sản từng lên cơn sốt và cuối cùng đã lãnh đủ sau khi bị siết tín dụng.
Vấn đề đặt ra là, để cải thiện đầu tư, người dân nên gửi tiết kiệm có kỳ hạn hay không kỳ hạn?
Theo lời khuyên của nhiều chuyên gia, thông thường, gửi tiết kiệm cũng như gieo trồng một hạt giống cây dài ngày, để có một khoản lãi kha khá, nên gửi càng lâu càng tốt. Gửi tiết kiệm có kì hạn, mức lãi suất cao hơn so với gửi không kì hạn. Tuy nhiên, nên thực sự chủ động về mặt tài chính khi chọn hình thức này, vì khách hàng chỉ được hưởng lãi suất cao nhất khi không rút tiền ra trước thời hạn đã xác nhận với ngân hàng. Còn nếu muốn thuận tiện cho chi tiêu của mình, khách hàng có thể chọn gửi tiết kiệm không kì hạn, cho phép rút tiền ra bất kì lúc nào muốn, tuy nhiên, mức lãi suất cũng thấp hơn.
(Theo Năng lượng mới) Thảo Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét