20:02
Lại “say bằng thứ rượu rẻ tiền”
SGTT.VN - Hãy tin, “thứ rượu rẻ tiền”, theo cách nói của Haruki
Murakami, mà các chính trị gia Trung Quốc đang dùng không thể chuốc say toàn
bộ dân chúng có hiểu biết, lương tri và nhân-loại-tính trên chính đất nước
Trung Hoa vốn có nhiều truyền thống văn minh tốt đẹp.
Những cuộc tranh chấp căng thẳng ở quần đảo mà Nhật gọi là
Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư đã dẫn đến những cuộc biểu tình rầm rộ và
phong trào bài Nhật ở Bắc Kinh trong năm 2012. Sách, băng, đĩa của Nhật Bản
bị kéo khỏi quầy, cửa hàng Nhật bị đập phá, xe hơi Nhật bị đốt trên đường phố.
Với một tinh thần rất Nhật Bản, nhà văn Haruki Murakami đã có một
bài tiểu luận trên tờ Asahi Shimbun ngày 28.9.2012 có tựa Đừng say
bằng thứ rượu rẻ tiền, ông ví von những hành động dân tộc chủ nghĩa quá
khích đó cho thấy dân chúng Trung Quốc bị chuốc một cơn say bằng “thứ rượu rẻ
tiền” do các chính trị gia cung cấp, nó phá huỷ hình ảnh văn hoá nội tại, làm
đứt gãy, tổn thương những mối quan hệ văn hoá đã được thiết lập bằng biết bao
nỗ lực trong quá khứ... “Thứ rượu rẻ tiền” đó khiến cho cơn say đến nhanh, nộ
khí không ngừng được đẩy cao, ngôn ngữ khó nghe và hành vi đầy bạo lực, tư
duy lý trí bị đánh mất, tất cả chỉ còn sự hung hăng bản năng và hậu quả sau
trận say là những cơn mệt mỏi, mất sức kéo dài.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, ông Lâm Thiểu Hoa, người đã dịch 33
tác phẩm của Haruki Murakami ra tiếng Trung đã có tuyên bố đáng thất vọng
trên mạng Weibo rằng, ông ủng hộ việc kéo sách của các nhà văn Nhật xuống
khỏi các giá sách Trung Quốc, kể cả Haruki Murakami. Với ông, tinh thần dân
tộc phải được đặt trên sở thích cá nhân.
Chuyện một nhà hàng ở Bắc Kinh treo bảng biểu lộ thái độ kỳ thị
với người Việt Nam, Philippines, Nhật Bản và... chó, có thể tạo ra sự bức xúc
trong dư luận quốc tế, nhưng sẽ không quá ngạc nhiên với những ai có chút
hiểu biết về chủ nghĩa dân tộc cực đoan “kiểu Trung Hoa”.
Ngày nay, thế giới là một ngôi làng. Việc kỳ thị kiểu này hài
hước ở chỗ, với mức độ gây hấn, bành trướng của Trung Quốc ngày càng lan rộng
trên bản đồ thế giới, rồi đây, những người Trung Quốc vì tinh thần dân tộc
chủ nghĩa cực đoan, liệu sẽ còn có thể vô tư để tiếp đón ai vào ngôi nhà của
mình hay có thể đến “nhà” của ai với một tư cách hữu nghị, thoải mái? Khi chủ
nghĩa dân tộc trở nên quá khích, thì nhân-loại-tính bị tổn hại nghiêm trọng.
Và điều đó thực sự nguy hiểm cho tương lai của một quốc gia trong thời đại
toàn cầu hoá, dù biên giới quốc gia đó, bằng cuồng vọng và bạo lực, giành
giật được có mở rộng thêm đến đâu.
Trước khi bị người khác tránh xa, thì chính họ đã tự cô lập mình
bằng cái nhìn hận thù và kỳ thị với chung quanh.
Nhưng hãy tin rằng, câu chuyện kỳ thị người Nhật, người
Philippines, người Việt ở một nhà hàng Trung Quốc chỉ là trường hợp thiểu số,
cá biệt. Hãy tin, “thứ rượu rẻ tiền”, theo cách nói của Haruki Murakami, mà
các chính trị gia Trung Quốc đang dùng không thể chuốc say toàn bộ dân chúng
có hiểu biết, lương tri và nhân-loại-tính trên chính đất nước Trung Hoa vốn
có nhiều truyền thống văn minh tốt đẹp.
Và, với những gì đã thấy trên thực tế bên lề những cuộc tranh
chấp gần đây, hoàn toàn có cơ sở để tin, dù những cuộc tranh chấp lãnh thổ
quốc gia có diễn ra căng thẳng đến đâu, thì người dân ở Việt Nam,
Philippines, Nhật Bản hay cả những nước đang bị Trung Quốc lôi kéo vào các
cuộc tranh chấp dai dẳng, vẫn sẽ không chọn cách trả đũa người Trung Quốc như
cách mà nhà hàng ở Bắc Kinh kia đang làm.
Sự thật, chân lý sẽ không nằm ở những hành xử vặt vãnh, nhỏ nhen
và mù quáng nhân danh chủ nghĩa dân tộc thiển cận và hẹp hòi.
(Theo Sài Gòn tiếp thị) NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét