Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013


 17:44

Thái độ trước sự thật...

Đời sống vốn phức tạp, vốn đầy sự biến thiên. Và vì thế, cũng vẫn luôn tồn tại cụm từ trong nhân gian: Đánh giá lại lịch sử; hoặc đánh giá lại một con người...
Có khi là sự đánh giá lại của hiện tại với quá khứ. Mà cũng có khi sẽ là sự đánh giá lại của tương lai, với hiện tại!
Giữa những ngày này, vấn đề góp ý cho Dự luật sửa đổi Hiến pháp còn đang gây ra những tranh luận, những í kiến bàn cãi đa chiều, có một vấn đề nổi lên trên báo chí trở nên hấp dẫn không kém. Đó là những ý kiến về Cuộc chiến biên giới 1979 cần được đưa vào sách giáo khoa mới đăng gần đây trên các báo, của các nhà giáo, nhà sử học...
Trước sự thật lịch sử
Trả lời phỏng vấn của báo Dân trí, GS.TS Đỗ Thanh Bình (Khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm HN) cho rằng: Cuộc chiến bảo vệ biên giới nay đã được hơn 30 năm, đủ chín muồi để đưa vào SGK dạy cho học trò biết. Vì đó là sự thật lịch sử. Người Trung Quốc có những chuyện không thật mà họ vẫn đưa vào SGK như vấn đề biển Đông, họ đưa vào bản đồ, vào quả địa cầu cho học sinh học. Huống gì đây là sự thật mà ta lại không đưa vào SGK...
Cũng theo ông Đỗ Thanh Bình, SGK Lịch sử hiện nay viết quá khiêm tốn về vấn đề này. Như sách "nâng cao" viết 13 dòng, SGK đại trà chỉ viết khoảng 10 dòng và chỉ nêu sự kiện chính...
Ngành GD luôn thận trọng và luôn đi sau. Thận trọng là đúng và muộn còn... hơn không. Vì viết SGK, nhất là về vấn đề lịch sử không chỉ cần tư liệu sự thật chính xác, mà còn đòi hỏi một phương pháp tư duy tôn trọng lịch sử, tôn trọng hiện thực khách quan.
Trong bài viết Lịch sử, sự thật và sử học, đăng trên Tạp chí Tổ Quốc (tháng 1/1988), GS Sử học Hà Văn Tấn đã viết về cái khó của người viết sử. Và nếu đối chiếu với những ý tưởng vừa được các nhà giáo, nhà sử học đề xuất mới đây, thấy rằng bài viết vẫn còn rất nóng hổi tính thời sự. Xin được trích dẫn:
... Biết sự thật không dễ, và dám nói lên sự thật nhiều khi càng khó hơn. Muốn viết sử phải biết phương pháp sử học và trước hết phải là người trung thực chứ không phải là tên cơ hội .
Các sách viết về phương pháp sử học, thường nói đến hai bước cơ bản trong công tác sử học: Bước thứ nhất là từ sử liệu, khôi phục sự kiện; bước thứ hai là giải thích và đánh giá sự kiện.
Ngay từ bước thứ nhất đã có những khả năng dẫn nhà sử học... xa rời sự thật. Đó là vì sử liệu thiếu, và phổ biến hơn vì sử liệu không được phê phán nghiêm túc. Nguời ta chia sử liệu ra làm hai loại: Sử liệu trực tiếp và sử liệu gián tiếp. Sử liệu trực tiếp xuất hiện cùng với sự kiện, chẳng hạn trống đồng Ngọc Lũ, khẩu pháo Điện Biên hay văn bản Hiệp nghị Paris... là sử liệu trực tiếp.
Sử liệu gián tiếp là sử liệu nói đến sự kiện này qua một thông tin gián tiếp, tức tác giả sử liệu. Loại sử liệu này cần được giám định cẩn thận vì thông tin nhận được đã qua trung gian người thông tin.
Hiện nay nhiều công trình nghiên cứu sử học của chúng ta đã sử dụng những nguồn sử liệu gián tiếp một cách thiếu thận trọng. Sử liệu gián tiếp bao gồm cả những lời kể về sau của những người đã chứng kiến sự kiện. Các nhà nghiên cứu lịch sử địa phương hay lịch sử hiện đại, lịch sử Đảng thường sử dụng nguồn tài liệu này.
Những lời kể như vậy thường được phân tích so sánh với các tư liệu khác, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng là cùng một sự kiện, có thể được trình bày rất khác nhau. Tình hình càng xảy ra là nếu người thông tin là người hiện có uy lực chi phối ở địa phương thì lịch sử sẽ được viết theo cách nhìn nhận của người đó.
Một hình ảnh nhắc nhớ về sự kiện chiến tranh biên giới năm 1979. Ảnh tư liệu
Bài viết là sự nghiên cứu kỹ lưỡng, quan sát và trải nghiệm sâu sắc hiện thực sử học nước Việt của một nhà khoa học tên tuổi.
Viết sử đã khó, viết SGK Lịch sử chắc chắn còn khó hơn gấp bội. Bởi đối tượng người đọc- học, là học sinh nhiều cấp độ tuổi. Sách giáo khoa nói chung, SGK Lịch sử nói riêng, cần phải bảo đảm ít nhất ba tiêu chí: Khách quan (trung thực, tôn trọng sự thật), khoa học (trình bầy logic, khúc triết) và giáo dục (sư phạm, dạy người).
Việc viết về cuộc chiến biên giới 1979, lại đặt trong bối cảnh thời cuộc- quan hệ đối ngoại giữa hai nước Việt- Trung đang nước sôi lửa bỏng, đang nhiều "biến động thăng trầm". Nó vừa phản ánh đời sống một thời đại mà nước Việt đang phải trải qua, quá nhiều cam go, thậm chí tổn thương, bi tráng và đầy thách thức. Nhưng những nhà viết sử, nhà giáo, nhà sư phạm không thể lảng tránh, vì đó là sự thật lịch sử. Vì đó là cuộc chiến bảo vệ chủ quyền dân tộc. Và vì đó là giáo dục
Sự thật lịch sử này nằm trong một bối cảnh chung lớn hơn: Ngày nay, chủ quyền và độc lập dân tộc các quốc gia luôn được đặt lên hàng đầu. Nó là nỗi đau, là khí phách của mỗi dân tộc, mà nhìn vào đó, thế hệ trẻ cần luôn được "nạp năng lượng"- tinh thần yêu nước, ý chí cương cường bảo vệ chủ quyền, độc lập nước mình.
Nhìn ra xung quanh, có thể thấy rất rõ bối cảnh đặc biệt này đang thử thách sự can đảm và ý thức chủ quyền của mọi quốc gia.
Mới đây, ngày 26/2, Hãng Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin, Bộ GD Hàn Quốc thông báo, bắt đầu học kỳ tới, vào tháng ba, mỗi năm học sinh nước này, sẽ học tối thiểu 10 giờ bắt buộc về quần đảo Dokdo/ Takeshima (quần đảo đang tranh chấp với Nhật).
Trước đó, Nhật Bản cũng đưa quần đảo này vào SGK Nhật Bản, để dạy cho trẻ em Nhật. Còn cuốn giáo trình dành cho giáo viên trung học, tháng 7/2008 đã xác nhận chủ quyền của Nhật Bản trên đảo Takeshima.
Ngay sau đó, phía Hàn Quốc đã có động thái phản đối buộc Chính phủ Nhật Bản phải bỏ nội dung khẳng định chủ quyền với đảo này. Đựơc biết, mới đây nhất, bộ SGK cấp THPT dùng cho năm học 2013 của Nhật Bản vẫn ghi rõ, đảo Dokdo (tức Takeshima) là lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản.
Cuộc chiến bảo vệ biên giới nay đã được hơn 30 năm, đủ chín muồi để đưa vào SGK. Ảnh minh họa: Đào Ngọc Thạch/ Thanh Niên
Còn ở VN, việc đưa vào SGK cuộc chiến 1979 rất cần định lượng và định tính phù hợp cấp học. Chương trình, SGK của ngành GD nhiều năm nay, luôn bị hệ lụy của sự...quá tải. Ngành càng chủ trương giảm, chương trình, SGK càng...nặng. Còn môn Sử, rút cục chung số phận bẽ bàng với môn Văn- bị học sinh chán ghét một cách vô lý, thậm chí có hàng ngàn điểm 0.
Cho dù, có nhiều ý kiến của ngành mang tính ngụy biện, đổ lỗi khách quan, thì một sự thật... lịch sử khác không thể tránh né, hoặc chối cãi, là chương trình, SGK môn Sử viết khô khan, không hấp dẫn.
Lịch sử là hiện thực khách quan với tất cả cái hùng, cái bi, cái sai, cái đúng, cái hay cái dở của một dân tộc, một quốc gia trên hành trình vận động và phát triển, mang tính khoa học của quy luật thực tiễn. Lịch sử càng không phải là một môn giáo dục, tuyên truyền một chiều. Như một nhà giáo từng thốt lên chua xót: Dạy sử, không thể "nấu sỏi và nước lã thành súp" (Tuần Việt Nam, ngày 8/8/2011).
Điều này, đặt trong bối cảnh Internet với những thông tin cực nhanh, đa dạng đã chiếm lĩnh trận địa thông tin đời sống giới trẻ, thì rút cục vài bài học lịch sử mang tính "giáo huấn" của nhà trường sẽ luôn "yểu mệnh", thiếu sức sống, không đủ sức cuốn hút tuổi trẻ.
Cuộc chiến 1979- cũng đang trở thành "cuộc chiến"... thử thách trí tuệ, phương pháp tư duy khoa học và bản lĩnh trung thực của ngành GD trong lĩnh vực viết SGK Lịch sử hiện đại, trước hết là chuẩn kiến thức của môn học này, trong toàn bộ chủ trương viết SGK mới cho sau năm 2015.
... Và trước "sự thật" cá nhân
Chưa cần nói đến thái độ con người trước những sự thật lịch sử lớn lao. Ngay thái độ của con người trước "sự thật" cá nhân, nhiều khi cũng đã là những thách thức cực đại về sự trung thực, sự sáng suốt của phẩm cách và trí não.
Đó là câu chuyện nổi lên gần đây, xung quanh vụ việc bắt ông Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải VN, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng CT Hàng hải VN (Vinalines), từng bỏ trốn vì những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, khi cơ quan chức năng có quyết định truy nã ông này, gây xôn xao dư luận khá lâu.
Trước sức ép và áp lực xã hội, cơ quan chức năng vào cuộc. Đến nay, lần lượt gần chục con người là "bạn bè" quen biết, cán bộ chức năng, đã lần lượt bị bắt vì liên quan đến việc tổ chức giúp ông Dương Chí Dũng bỏ trốn.
Đó là Trần Văn Dũng (tức Dũng "Bắc Kạn", từng được coi là trùm giang hồ đất Cảng), Vũ Tiến Sơn, Vũ Văn Sáu, Phạm Đình Nghiên, Hà Trọng Tuấn, Hoàng Văn Thắng, Nguyễn Trọng Ánh và Đồng Xuân Phong (riêng ĐXP hiện đang bị truy nã).
Ông Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải VN
Nhưng "đỉnh cao" của đường dây giúp nhau ...phạm tội này, là ông Dương Tự Trọng, em ruột Dương Chí Dũng, nguyên là Đại tá, Phó GĐ CA Hải Phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lí hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an).
Khi ông Dương Tự Trọng bị bắt, câu chuyện bi thảm về một gia đình từng được coi là "danh gia vọng tộc" của đất Cảng, mới được vén lên.
Bi thảm, vì Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng đều là con trai của ông Dương Khắc Thụ, nguyên Đại tá, GĐ CA Hải Phòng, thập niên 70-80. Giờ ông Dương Khắc Thụ đã 90 tuổi- cái tuổi gần đất xa trời, không còn đủ minh mẫn, và cả sức khỏe nữa- để có thể chịu đựng những "nhân- quả" quá lớn đổ sập xuống gia đình ông.
Khi mà ngoài hai con trai ruột, còn có con rể Nguyễn Bình Kiên, nguyên Đại tá, Phó GĐ CA Hải Phòng, người trước đó bị khai trừ Đảng. Còn hàng loạt những người thân tín của gia đình ông như Vũ Tiến Sơn, Hoàng Văn Thắng, Nguyễn Trọng Ánh cũng lần lượt vào trại giam.
Bi thảm, vì Dương Tự Trọng vốn là một cán bộ rất có năng lực, từng là nỗi "kinh hoàng" của tội phạm đất Cảng. Lăn lộn nghiệp vụ, từng trải qua nhiều chức vụ quản lý từ cơ sở, lại có một lý lịch trích ngang quá "đẹp", Dương Tự Trọng được đánh giá là có nhiều tố chất để thăng tiến hơn nữa.
Tiếc thay, không ai ngăn cản con đường thăng tiến này ngoài chính Dương Tự Trọng. Và biết đâu, oan nghiệt thay, còn có cả Dương Chí Dũng, người anh ruột. Nhưng đó vẫn còn là câu chuyện đang chờ kết luận điều tra của các cơ quan chức năng.
Và cho dù, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội,  trong trả lời phỏng vấn của báo chí, vẫn đặt ba câu hỏi nghi vấn lớn về những "lỗ hổng đầu mối chết người" trong vụ Dương Chí Dũng bỏ trốn, người viết bài quan tâm hơn, đến chủ đề- thái độ trước "sự thật".
Báo chí đã dùng chữ "lụy tình" để viết về Dương Tự Trọng. Con người này vốn rắn lòng trước những kẻ tội phạm cộm cán của đất Cảng, nhưng lại mềm lòng trước tội phạm là người ruột thịt, khiến vụ việc trở thành sai một ly, đi một dặm. Cái đi một dặm cay đắng, và khốc liệt quá!
Vì làm sao, Dương Tự Trọng, nguyên là một cán bộ CA dày dạn trong nghề, lại không hiểu một điều, hoạt động nghiệp vụ giỏi giang của cơ quan chức năng nhất định không sớm thì muộn, sẽ tìm ra thủ phạm. Cao nhân tất hữu cao nhân trị.Dương Tự Trọng thừa tình, mà bỗng thiếu trí, và thiếu cả tâm. Tiếc thay!
Ông Dương Tự Trọng, em ruột Dương Chí Dũng
Người viết chợt nhớ đến khá nhiều câu chuyện của các ông bố, bà mẹ ít được học, ít chữ nghĩa, trước tội ác của con cái. Sau những đau đớn, hoảng sợ, sau những dằn vặt khổ sở, cuối cùng họ đã động viên con cái thú tội trước bình minh. Điều đó, rất có thể là tình tiết giảm nhẹ tội lỗi của con em họ.
Ai dám bảo, họ không có trí, không có tâm? Cái chữ trí, chữ tâm ở đây không phụ thuộc vào bằng cấp đào tạo, không phụ thuộc vào vị thế, quyền uy xã hội. Cái chữ trí, chữ tâm đó cho thấy họ có cách nghĩ đúng, để dẫn đến hành động xử lý đúng, trước một sự thật- dù cay đắng thế nào, vì an ninh, trật tự cộng đồng và xã hội.
Thái độ con người trước sự thật lịch sử đầy bi phẫn, bi thương của một quốc gia, hay có khi chỉ là trước "sư thật" bi thảm, bi kịch của một cá nhân, một gia đình, đều cần đến sự trung thực. Đó mới là cái tầm của chữ trí, của cách tư duy. Và đó cũng là chữ dũng của một dân tộc, của một cá nhân.
Nhưng đời sống vốn phức tạp, vốn đầy sự biến thiên. Và vì thế, cũng vẫn luôn tồn tại cụm từ trong nhân gian: Đánh giá lại lịch sử; hoặc đánh giá lại một con người. Vì Hôm nay đúng, mai có thể sai rồi (mượn ý thơ Xuân Quỳnh)
Có khi là sự đánh giá lại của hiện tại với quá khứ. Mà cũng có khi sẽ là sự đánh giá lại của tương lai, với hiện tại!
(Theo TuanVietNamnet) Kỳ Duyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét