Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013


 20:10

Phá hoại hòa đàm Paris, Richard Nixon phạm tội phản quốc?


(TNO) Những thước băng ghi âm từ thời cố Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson vừa được công bố xác nhận đồn đoán bấy lâu nay rằng vào năm 1968, ông Richard Nixon, khi đó là ứng cử viên tổng thống, đã phá hoại tiến trình hòa đàm Paris về việc chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Các đoạn băng ghi âm vừa được giải mật và công bố bởi thư viện Johnson ở thành phố Austin, bang Texas, theo BBC.
Theo tóm tắt của BBC, những đoạn băng cho thấy Nixon không chỉ có khả năng đã phạm tội phản quốc mà còn tiết lộ rằng Tổng thống Lyndon Johnson biết về chuyện này, song quyết định không công bố trong những ngày cuối cùng trước cuộc bầu cử mà Nixon giành chiến thắng.
Phá hoại hòa đàm Paris, Richard Nixon phạm tội phản quốc?
 Richard Nixon phát biểu về chiến tranh Việt Nam - Ảnh: AFP
Theo BBC, vào mùa hè năm 1968, cuộc hòa đàm Paris đang được tiến hành nhằm tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến tranh Việt Nam.
Mặc dù các cuộc đàm phán có dấu hiệu tiến triển, vào tháng 10, Việt Nam Cộng hòa đã rút khỏi bàn đàm phán, ngay trước khi Johnson chuẩn bị thỏa thuận nhằm chấm dứt các cuộc ném bom miền Bắc.
Ứng cử viên đảng Dân chủ, Phó tổng thống Hubert H.Humphrey đã đưa ra lời kêu gọi ngừng ném bom muộn màng và rút ngắn khoảng cách với Nixon trong những ngày cuối.
Lý do rút khỏi các cuộc đàm phán của chính quyền Sài Gòn là Richard Nixon đã thuyết phục các đại diện Việt Nam Cộng hòa rằng họ sẽ có một thỏa thuận hòa bình tốt hơn dưới thời kỳ lãnh đạo của ông, theo BBC.
Chiến dịch tranh cử của Nixon trông cậy nhiều vào việc kéo dài chiến tranh và ông xem việc chấm dứt ném bom là mối đe dọa nghiêm trọng cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Và mặc dù Nixon đã phá hoại đàm phán, ông đã công khai phủ nhận bất kỳ sự nhận thức hoặc dính líu đến việc rút lui của Việt Nam Cộng hòa và rốt cuộc kéo dài chiến tranh thêm năm năm nữa. Hành động của ông có thể được xem là phản quốc nếu Johnson công khai điều này, theo BBC.
Ông Nixon đã bị nghi ngờ phá hoại hòa đàm trong nhiều năm song các đoạn băng ghi âm mới công bố chứng minh Johnson biết về chuyện này.
“Chúng tôi phát hiện rằng người bạn của chúng ta, ứng viên của đảng Cộng hòa, người bạn ở California, đã “đi đêm” với cả kẻ thù và những người bạn của chúng ta, ông ta làm điều này thông qua các nguồn khá bí mật. Bà Chennault đang cảnh báo miền Nam Việt Nam không được ngã về động thái của Johnson”, ông Johnson nói với Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Richard Russell trong một cuộc đối thoại được ghi âm.
Anna Chan Chennault, người vợ góa gốc Trung Quốc của người hùng không quân thời Thế chiến thứ hai Claire Chennault, là một nhà hoạt động của đảng Cộng hòa và là phái viên của Nixon với miền Nam Việt Nam. Bà vẫn còn sống ở tuổi 87.
Bà Chennault được cử đến tòa đại sứ của Việt Nam Cộng hòa với một thông điệp rõ ràng: chính quyền Sài Gòn phải rút lui khỏi cuộc đàm phán, từ chối thỏa thuận với Johnson, và nếu Nixon đắc cử, họ sẽ có một thỏa thuận tốt hơn nhiều.
Phá hoại hòa đàm Paris, Richard Nixon phạm tội phản quốc?
 Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson - Ảnh: Reuters
Theo BBC, một phần lý do khiến Johnson không công bố hành động của Nixon là vì ông sẽ buộc phải thừa nhận việc nghe lén điện thoại của một số đại sứ.
Johnson đã thông báo cho Humphrey các hành động của Nixon, mặc dù ông rốt cuộc quyết định không công bố với hy vọng hão huyền rằng đảng Dân chủ đang trên đường chiến thắng.
Rốt cuộc, Nixon sử dụng thất bại của Johnson trong việc chấm dứt chiến tranh Việt Nam như là một luận điểm quảng bá tranh cử lớn, thậm chí viện đến việc miền Nam rút khỏi hòa đàm như là luận cứ chống lại ông Johnson.
Nixon giành chiến thắng cực kỳ sít sao và khi nhậm chức, ông đã leo thang cuộc chiến trong nhiều năm trước khi ký kết hòa ước năm 1973.
Các đoạn băng ghi âm còn tiết lộ ông Johnson đã có kế hoạch bí mật nhằm tái tranh cử vào phút chót trong năm 1968.
Vào mùa xuân, sau những màn thể hiện đầy khí thế của các ứng cử viên chống chiến tranh Eugene McCarthy và Robert F. Kennedy, Johnson bất ngờ tuyên bố sẽ không tranh cử nhiệm kỳ hai và Humphrey đã tham gia vào cuộc đua.
Tuy nhiên, Johnson bắt đầu nghi ngờ về quyết định của ông và bí mật quyết định sẽ bất ngờ xuất hiện tại đại hội của đảng Dân chủ ở thành phố Chicago, vốn đang bị phủ bóng bởi các cuộc biểu tình và bạo loạn.
Rốt cuộc, Johnson đã từ bỏ kế hoạch vì những lo ngại của Cơ quan Mật vụ về sự an toàn của ông tại đại hội. Kết quả Humphrey trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ và Nixon trở thành tổng thống.
(Theo Thanh niên) Sơn Duân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét