Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013


 07:07
Kiến nghị bỏ bớt trạm thu phí

Khả năng lớn nhất là đóng cửa Trạm thu phí Kinh Dương Vương trước thời hạn.
“Hôm nay (1-3), HĐND TP.HCM xem xét tờ trình của UBND TP về việc đóng cửa trạm thu phí đường Kinh Dương Vương và Điện Biên Phủ (đặt trên xa lộ Hà Nội - PV) trước thời hạn” - ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND TP, cho biết vào chiều 28-2.
Trạm xa lộ Hà Nội chuyển mục đích thu
Hiện Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) đang tổ chức thu phí giao thông trên xa lộ Hà Nội, quận 9 và đường Kinh Dương Vương, quận 6. Đó là do đơn vị này đã mua quyền thu phí giao thông hai tuyến đường Điện Biên Phủ và Hùng Vương nối dài, giá trị chuyển nhượng 1.000 tỉ đồng. Theo hợp đồng ban đầu, lẽ ra hai trạm thu phí này phải đóng cửa vào năm 2010. Nhưng do tốc độ tăng xe không như tính toán ban đầu, thời gian thu phí đã được điều chỉnh đến hết năm 2013.
Trước đây, CII ứng 1.000 tỉ đồng để TP đầu tư xây cầu Rạch Chiếc mới. Theo thỏa thuận, CII được quyền thu phí tại trạm xa lộ Hà Nội trong vòng 12 năm kể từ khi hoàn thành thu phí dự án Điện Biên Phủ và Kinh Dương Vương (tức từ đầu năm 2014) để hoàn vốn đầu tư cầu Rạch Chiếc mới. Tuy nhiên, do cầu Rạch Chiếc mới đã thông xe từ tháng 7-2012 nên UBND TP đề nghị HĐND TP cho phép CII dùng trạm thu phí hiện hữu tại xa lộ Hà Nội để thu phí hoàn vốn cho cầu này ngay từ ngày 1-4-2013.
 
TP.HCM đang xem xét bỏ một số trạm thu phí để tránh tình trạng phí chồng phí. Ảnh: MP
Theo kiến nghị của UBND TP, hợp đồng chuyển nhượng quyền thu phí giao thông đường Điện Biên Phủ và đường Kinh Dương Vương sẽ kết thúc trước thời hạn. Hai trạm này sẽ đóng cửa từ 12 giờ ngày 31-3-2013. Sau đó từ 0 giờ ngày 1-4-2013, trạm xa lộ Hà Nội mở cửa, thu phí trở lại để hoàn vốn cầu Rạch Chiếc mới.
Rà, bỏ bớt các trạm khác
Từ đầu năm 2013, các loại ô tô đã đóng phí sử dụng đường bộ (quỹ bảo trì đường bộ). Để tránh tình trạng phí chồng phí (vừa nộp phí sử dụng đường bộ, vừa đóng phí cầu đường), UBND TP đã yêu cầu Sở GTVT rà soát, giảm bớt các trạm thu phí trên địa bàn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, TP đang xem xét bỏ trạm thu phí trên đại lộ Nguyễn Văn Linh. Theo quyết định của UBND TP, Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng được phép thu phí tại trạm này để duy tu, bảo dưỡng tuyến đường Nguyễn Văn Linh. Chức năng này trùng lắp với quỹ bảo trì đường bộ đã thu với ô tô và dự kiến thu với xe máy. Hiện TP đang rà soát hợp đồng đã ký để có giải pháp hợp lý.
Ngoài ra, dù đã đầu tư khoảng 30 tỉ đồng xây trạm thu phí đường hầm sông Sài Gòn nhưng TP có hướng không mở cửa thu phí. Lý do là việc lập trạm thu phí ở đây nhằm trang trải cho việc quản lý, duy tu và sửa chữa đường hầm, đây cũng thuộc “nhiệm vụ” của quỹ bảo trì đường bộ. TP đang xem xét cơ sở pháp lý là hiệp định vay vốn đầu tư đường hầm, chỉ đạo của Thủ tướng, quy hoạch hệ thống trạm thu phí… trước khi có quyết định chính thức.
Cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị đóng cửa Trạm thu phí cầu Phú Mỹ do việc thu phí ở đây không hiệu quả, không đủ để trả nợ, lãi vay và chủ đầu tư xin trả cầu lại cho TP quản lý.
Giảm phí ở các trạm BOT để tránh phí chồng phí
Hiện mức phí tại các trạm BOT bao gồm cả phần thu để hoàn vốn, trả lãi ngân hàng, lợi nhuận cho chủ đầu tư và cả chi phí bảo dưỡng tuyến đường, cây cầu ấy nữa. Cho nên với việc thu phí sử dụng đường bộ thì ở một số đoạn, tuyến đường đang có hiện tượng phí chồng phí. Để tránh tình trạng này, mức phí ở các trạm thu phí BOT phải được giảm bớt, thông qua việc trừ chi phí bảo dưỡng. Phần hụt này, quỹ bảo trì đường bộ sẽ “choàng” qua.
Luật sư THÁI VĂN CHUNG, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM
(Theo Pháp luật TP HCM) MINH PHONG

Người dân, doanh nghiệp vận tải đang chịu gánh nặng phí chồng phí, xem ra các cơ quan chức năng không muốn đóng cửa các trạm thu phí vì sẽ mất đi một khoản thu không nhỏ hàng ngày. Lí do các cơ quan đưa ra là sự phức tạp khi mua lại các trạm đã bán quyền thu phí, khó đàm phán về những chi phí đã và đang phát sinh vv… Như trước đây Kinh Bắc đã có đề xuất, việc trên có thể xử lý rất đơn giản: Vẫn cho các trạm BTO, các trạm đã bán quyền thu phí hoạt động bình thường cho đến hết thời gian thỏa thuận theo hợp đồng. Tuy nhiên, người mua vé giữ lại vé và được khấu trừ vào tiền nộp phí khi đến nơi đóng tiền phí GTĐB. Có lẽ Cơ quan chức năng cũng biết cách xử lý này, vấn đề là họ có muốn làm hay không mà thôi. Phải chăng có nhóm lợi ích nào cản trở?
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét