Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013


20:01

“Thò vào túi dân lấy tiền” cứu Ngân hàng tại Síp có thể gây sụp đổ nhiều ngân hàng*

Giới chuyên gia cảnh báo thuế trên có thể tạo ra tiền lệ tại châu Âu, khiến người dân nhiều nước eurozone không muốn gửi tiền tại ngân hàng và rút vốn ào ạt.
 

Ba ngày qua, Cộng hòa Síp náo loạn vì quyết định đánh thuế tiền gửi ngân hàng để đổi lấy gói cứu trợ 10 tỷ euro từ châu Âu. Dù Tổng thống Síp Nicos Anastasiades cho biết đây là cách duy nhất để hệ thống tài chính nước này không vỡ nợ, và người dân sẽ được đền bù bằng cổ phiếu ngân hàng, rất nhiều người vẫn đổ đến các máy ATM để rút tiền.
Các quan chức châu Âu khẳng định Síp là trường hợp đặc biệt do hệ thống ngân hàng được bơm đầy bởi tiền gửi, chứ không phải trái phiếu. Tuy nhiên, theo giới phân tích và chính trị gia, thuế này, nếu không châm ngòi cho khủng hoảng toàn cầu, thì cũng gây hiệu ứng rút tiền tương tự trên khắp châu Âu.
 Người dân Síp đổ xô đi rút tiền sau tin đánh thuế tiết kiệm. Ảnh: AFP
Người dân Síp đổ xô đi rút tiền sau tin đánh thuế tiết kiệm. Ảnh: AFP
Việc đánh thuế tiền gửi đã từng xảy ra vào thập niên 90, khi Italy muốn ngăn đồng lire sụp đổ. Tuy nhiên, mức thuế chỉ là 0,06%. Khi khủng hoảng toàn cầu nổ ra năm 2008, Iceland cũng đánh thuế với các tài khoản ngân hàng trực tuyến của người Anh và Hà Lan. Hai nước này đã kiện Iceland ra tòa án châu Âu để bảo vệ 5 tỷ USD của công dân. Tuy nhiên, họ chẳng bao giờ lấy lại được số tiền đó.
Những người chịu ảnh hưởng từ kế hoạch của Síp là khách hàng tại tất cả nhà băng nước này, trừ các chi nhánh của Hy Lạp, vì chúng sẽ được bán cho các ngân hàng Hy Lạp. Trong số hơn 68 tỷ euro đang gửi tại Síp, tiền từ nước ngoài chiếm tới 40%, và phần lớn là người Nga. Theo Jacob Kirkegaard - chuyên gia phân tích tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), Síp sẽ lâm vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi nhiều người Nga phải chịu tác động từ thuế này.
Jim O’Neill, Chủ tịch Goldman Sachs Asset Management cho biết quyết định trên là "động thái đáng kinh ngạc" và "chẳng có tính toán lâu dài về ảnh hưởng với toàn eurozone và trên thế giới". Nhà đầu tư Dennis Gartman thì nhận định: "Ngân hàng phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin. Tuy nhiên, niềm tin ấy giờ đang bị đập vỡ, xé toạc và hủy hoại".
Mark J. Grant, nhà bình luận thị trường từng tiên đoán về khủng hoảng châu Âu nhiều năm trước cho biết việc này chẳng khác nào EU, ECB và IMF muốn sung công tài sản cá nhân để thỏa mãn mong muốn của mình.
Theo báo cáo của nhóm chuyên gia phân tích ngân hàng châu Âu của Goldman Sachs, kế hoạch của Síp nguy hiểm ở chỗ nó khiến mọi người nghĩ rằng tiền gửi tiết kiệm là nguồn đánh thuế mới tại châu Âu. "Người dân ở các nước vùng rìa châu Âu sẽ tự hỏi: ‘Liệu thuế này có khả năng đánh vào mình hay không?’", báo cáo cho biết.
Chiến lược gia David Zervos tại Jefferies giải thích người dân sẽ nghĩ rằng tại sao cứ phải gửi tiền ở Tây Ban Nha hay Italy mà không để ở Đức và Pháp. "Hay tệ hơn nữa là tại sao cứ phải gửi tiền ở châu Âu? Vì vậy, chúng ta sẽ thấy họ rút vốn ào ạt. Nguy cơ này là rất thật, khủng khiếp và đáng sợ", ông nói.
Trên Business Insider, tác giả Henry Blodget bình luận kể từ cuộc Đại suy thoái 1929 - 1933, hệ thống ngân hàng luôn chú trọng bảo vệ người gửi tiền. Vì vậy, Blodget cảnh báo "quyết định kỳ lạ" của eurozone có thể dẫn đến vụ sụp đổ như của hai đại gia ngân hàng Bear Stearns, Lehman Brothers trong khủng hoảng tài chính 2008. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng châu Âu kéo dài đã 5 năm cũng sẽ bị đẩy vào một hố sâu mới.
Thùy Linh (theo NYT/BI)
* Việc đánh thuế tiền người dân gửi tiết kiệm tại ngân hàng của chính phủ Síp để lấy tiền cứu 2 nhà băng chẳng khác gì thò tay vào túi dân để lấy trộm tiền của họ. Khi người dân mất niềm tin vào các ngân hàng thì hậu quả sẽ khủng khiếp với nhiều ngân hàng khác nữa. Phải chăng EU đã bí quá, mất khôn?
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét