Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013


15:49

Biện minh của ông chủ tịch hiệp hội BĐS

 

Trong khi nhiều chuyên gia và người dân cho rằng đề xuất này hết sức vô lý và mang màu sắc “lợi ích nhóm” thì ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM lại cho rằng: “Không đánh thuế tiền gửi tiết kiệm là vô lý!”.


Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã gửi kiến nghị: Đánh thuế thu nhập trên tiền lãi từ những khoản gửi tiết kiệm trên 500 triệu đồng. Nhiều ý kiến cho rằng đây là kiến nghị quá vô lý. Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA), lại cho rằng, “Không đánh thuế tiền gửi tiết kiệm là vô lý!”
Đánh thuế để đầu tư, mua nhà?
Vì sao HOREA lại đề xuất đánh thuế thu nhập lên khoản tiền gửi tiết kiệm của người dân?
 -Ý tôi là thế này, tôi biết người về hưu, người lao động, công nhân, viên chức… có số dư tiền gửi tiết kiệm không nhiều. Tính về số lượng thì đối tượng dạng này đông nhưng xét số dư tiền gửi tiết kiệm lại khá thấp. Như vậy, các khoản tiền gửi tiết kiệm lớn hiện nằm trong ngân hàng thuộc đối tượng khác.
 
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA)
Chúng tôi có những con số tham khảo về số dư tiền gửi tiết kiệm khá chính xác nên mới đề xuất như vậy. Mục đích của đề xuất, cuối cùng là để chuyển dòng tiền này đi vào sản xuất, kinh doanh, giúp nền kinh tế đang sa sút được phục hồi.
Nhưng dư luận băn khoăn liệu HOREA kiến nghị như vậy có phải để tiền chảy vô bất động sản hay không?
- Không có! Như đã nói, chúng tôi kiến nghị là để tiền này nếu rút ra sẽ chảy vô sản xuất, kinh doanh. Hiệp hội kiến nghị có hai ý. Ý thứ nhất là chính sách tiền gửi thực dương (cao hơn chỉ số lạm phát) là sai lầm.
Bởi vì Chính phủ vẫn cho rằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm phải cao hơn tỉ lệ lạm phát. Mà nếu cao hơn lạm phát thì chỉ giúp những người gửi tiết kiệm được lợi, trong khi một lượng tiền lớn không chảy vô sản xuất, kinh doanh, không tạo ra của cải vật chất, không giải quyết được công ăn việc làm cho xã hội.
Khi kiến nghị, Hiệp hội có tham khảo chính sách các nước không?
- Có. Ở bên Mỹ, tôi biết lãi tiền gửi tiết kiệm chỉ khoảng 1%, trong khi tiền vay đầu tư khoảng 3%. Cái này cho thấy chính sách của mình khác với nước ngoài rất nhiều. Mới đây, khi gặp Thủ tướng, tôi đã nêu vấn đề này rồi.
Vậy Hiệp hội có biết số tiền lãi thu được từ tiền gửi tiết kiệm hằng năm không?
- Năm năm trở lại đây tổng số dư tiền gửi tiết kiệm rất lớn. Chúng tôi ước tính mỗi năm trung bình 2,5 triệu ngàn tỉ đồng gửi tiết kiệm. Nếu tính trung bình với lãi suất 10%/năm thì tiền lãi thu được ước khoảng 250.000 tỉ đồng. Nếu trước đây lãi tiền gửi ở mức 19%/năm thì con số đó có lên gần 500.000 tỉ đồng/năm. Nếu như vậy chúng ta không đánh thuế tiền gửi tiết kiệm là vô lý.
Gửi tiền tỉ phải đánh thuế
Nếu đã đánh thuế thì tại sao không đề xuất đánh thuế với cả số dư tiền gửi từ 500 triệu đồng trở xuống?
- Vì dưới mức đó là số tiền gửi của người lao động, hưu trí, cán bộ, công chức… Còn trên con số này mới cần xem xét đánh thuế. Theo tôi, với mức tiền gửi 1 tỉ đồng trở lên nhất thiết phải đánh thuế.
Trước đây đã từng có kiến nghị đánh thuế như vậy và dư luận đã phản ứng…
- Lúc đó dư luận phản ứng nhưng phản ứng đó cần hiểu thế này. Người ta lập lờ, mượn danh dư luận để loại trừ đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm. Người ta cứ nói tiền gửi tiết kiệm là của số đông người hưu trí, người lao động… Theo tôi, nói vậy không đúng. Số tiền gửi tiết kiệm mà các cụ hưu trí, người lao động… gửi ở mức 500 triệu đồng trở lên ít lắm, chỉ có mười mấy phần trăm.
Như ông lập luận, như vậy chỉ cần căn cứ trên tài khoản tiền gửi thì Ngân hàng Nhà nước sẽ biết người nào có tiền và rất dễ phân loại?
- Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước biết hết nhưng vấn đề là người ta có làm hay không mà thôi. Hay đó là nằm trong vấn đề lợi ích nhóm? Chứ có các cụ hưu trí, người lao động nào hiện nay có tiền tỉ gửi ngân hàng ăn lãi suất đâu.
Cách làm “ích kỷ”!
Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, nếu mục đích của Hiệp hội kiến nghị đánh thuế thu nhập tiền gửi tiết kiệm này là để người dân đầu tư vào sản xuất, kinh doanh hay bất động sản thì tôi cho rằng không hợp lý. Nói chung, chọn phương pháp tài khóa đánh thuế để hướng dẫn đồng tiền là một cách làm “ích kỷ”.
Làm như vậy, có thể hiểu là dùng quyền lực nhà nước đánh thuế người dân để đẩy họ phải đầu tư vào một lĩnh vực nào đó, trong đó có bất động sản. Điều này khó mà nhận được sự đồng thuận của người dân.
Ngay cả trường hợp kiến nghị này không phải từ HOREA mà đơn giản mục đích nhằm hướng dòng tiền đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác thì cũng không hợp lý.
Bởi nếu muốn các lĩnh vực có nhiều nguồn tiền đầu tư thì tại sao chúng ta không hạ lãi suất huy động tiết kiệm xuống 5%, biết đâu khi đó người dân sẽ tính toán lại phương án đầu tư sao cho hợp lý. Còn về vấn đề tồn kho của bất động sản, có nhiều giải pháp để cứu chứ không nên chọn cách trên.
Cứu được bất động sản nhưng ảnh hưởng cả nền kinh tế
Trong khi đó, TS Nguyễn Thị Thủy - ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM phân tích, Hiệp hội kiến nghị đánh thuế thu nhập tiền gửi tiết kiệm để có mục đích hướng dòng tiền nhàn rỗi vào thị trường bất động sản là vô lý. Vì nếu kiến nghị này được thực hiện thì nó chỉ cứu được thị trường bất động sản nhưng lại làm ảnh hưởng cả nền kinh tế.
Hiện chúng ta đang miễn thuế thu nhập cá nhân đối với tiền gửi tiết kiệm mục đích là để khuyến khích người dân gửi tiết kiệm. Từ kênh này, ngân hàng sẽ chuyển vốn cho nền kinh tế. Nhưng giờ chỉ vì bất động sản mà chúng ta lại quay trở lại đánh thuế thì khác nào lấy lợi ích của cả đất nước để phục vụ mục đích chỉ để cứu bất động sản?
Ngay cả Hiệp hội có đề xuất chỉ đánh thuế những người có tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên cũng khó khả thi, vì người dân có thể chia nhỏ nguồn vốn và gửi tiết kiệm ở nhiều ngân hàng.
Theo Pháp luật Thành Phố HCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét