Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013


11:04
Trung Đông:
Thập niên máu và nước mắt

SGTT.VN - Thứ ba 19.3 đánh dấu kỷ niệm mười năm cuộc chiến tranh Iraq. Giờ đây, sau một thập niên, nhiều người tự hỏi liệu một cuộc chiến như thế có đáng bõ công khi cướp đi sinh mạng hơn 150.000 người Iraq và 4.488 lính Mỹ, làm hàng triệu người bị thương hay rời bỏ nhà cửa, huỷ diệt một trong những cộng đồng Công giáo lâu đời nhất thế giới, và riêng Mỹ đã chi đến 3.000 tỉ USD. 

Cuộc chiến tranh Iraq cướp đi sinh mạng hơn 150.000 người Iraq và 4.488 lính Mỹ, làm hàng triệu người bị thương hay rời bỏ nhà cửa. Ảnh: Time
Mỹ tiến hành ba cuộc chiến kể từ cuộc tấn công khủng bố 11.9.2001: chống Al Qaeda, cuộc chiến ở Afghanistan và ở Iraq. Hai cuộc chiến đầu là vì Mỹ, nhưng cuộc chiến thứ ba là kết quả của một quyết định có tính toán của cựu tổng thống George W.Bush, với những lý do về ý thức hệ, và rất có thể là vì những lý do cá nhân.
Nếu Bush, cựu phó tổng thống Dick Cheney, cựu bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld, và các đồng minh của họ thẳng thắn nói ra ý định của mình – hạ bệ Saddam Hussein bằng chiến tranh, qua đó sáng tạo một Trung Đông mới thân phương Tây – họ sẽ không bao giờ nhận được sự ủng hộ của quốc hội và công chúng Mỹ. Cách nghĩ này vừa ngây thơ vừa hấp tấp.
Chính phủ Bush đã sử dụng ba lập luận chính để bào chữa cho việc xâm chiếm Iraq. Thứ nhất là gắn Saddam với Al Qaeda. Trưng cầu ý kiến dân chúng cho thấy nhiều người Mỹ chấp nhận lý lẽ của chính phủ về mối quan hệ này, nhưng chứng cớ công bố thì thiếu thốn và cường điệu.
Lập luận thứ hai là thay thế Saddam bằng một chế độ dân chủ là cách biến đổi chính trường Trung Đông. Bush liệt kê vai trò chiếm đóng của quân đội Mỹ trong quá trình dân chủ hóa Đức và Nhật sau Thế chiến II. Nhưng Chính phủ Bush đã sơ xuất khi sử dụng phép tương đương trong lịch sử và vội vã chuẩn bị cho một cuộc chiếm đóng.
Lập luận thứ ba tập trung vào việc ngăn cản Saddam sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Cho dù Bush sau đó bị chê trách khi các thanh tra không tìm thấy vũ khí này, nhiều nước cũng có cùng quan điểm. Mối đe dọa dựa trên những lời nói dối (ví dụ, những ống nhôm cho một chương trình vũ khí hạt nhân, các cuộc họp giữa Mohamed Atta, chỉ đạo vụ khủng bố 11.9, với các viên chức Iraq ở Prague, và thậm chí là những chứng cớ rõ ràng giả tạo như là Iraq đặt hàng uranium từ Niger).
Cuộc chiến chống Saddam của Bush đã thay đổi Trung Đông về cơ bản, cho dù không phải như dự tính. Trước hết, nếu Mỹ định gây bất ổn Iraq, những nỗ lực của Mỹ có lẽ không thể thành công hơn, vì sau mười năm, người ta còn nghi ngờ nhiều hơn về khả năng Iraq tồn tại như một đất nước riêng biệt. Loại bỏ Saddam là quan trọng, nhưng Iraq giờ đây là một nơi bạo lực do một nhóm sắc tộc cai trị, với chỉ số tham nhũng xếp hạng 169 trong 174 nước.
Saddam ra đi, cộng đồng Shia chiếm đa số nắm quyền lực, để lại người Sunni thất bại trông đợi trả thù và chờ đợi cơ hội lấy lại uy thế. Người Kurd ở miền Bắc khéo léo lợi dụng cơ hội để giành độc lập trên thực tế, cho dù vấn đề kiểm soát thành phố Kirkuk ở phía bắc vẫn như là một quả bom hẹn giờ. Và tất cả đang chiến đấu vì một phần chia càng lớn càng tốt trong nguồn dự trữ khí đốt và dầu mỏ khổng lồ của Iraq.
Đánh giá “Chiến dịch Tự do Iraq” (Operation Iraq Freedom) sau một thập niên, tờ Financial Times kết luận rằng Mỹ đã thắng trận, Iran thắng hòa bình, và Thổ Nhĩ Kỳ thắng các hợp đồng.
Về mặt chính trị, Iran là bên chiến thắng lớn nhất trong cuộc chiến mà Bush khởi động. Kẻ thù số 1 của họ, Saddam, bị tiêu diệt bởi kẻ thù số 2, Mỹ, và Mỹ cũng là nước đem lại một cơ hội vàng cho Iran mở rộng ảnh hưởng ra khỏi biên giới phía Tây lần đầu tiên kể từ năm 1746.
Với tầm nhìn chiến lược kém cỏi và hoạch định kém cỏi hơn, cuộc chiến của Bush đã tăng vị thế của Iran trong khu vực theo một cách mà nước này chưa từng tự đạt được, cho phép Iran khẳng định như một quyền lực thống trị vùng Vịnh và xa hơn, Chương trình hạt nhân của Iran chính xác phục vụ cho những tham vọng này.
Những bên thất bại trong khu vực rõ ràng: Saudi Arabia và những nước khác ở vùng Vịnh. Đây là những nước cảm thấy bị đe dọa, và dẫn đến xem thiểu số người Shia trong nước mình như là tổ chức tiếp tay cho Iran. Họ có lý do: với người Shia nắm quyền lực ở Iraq, Iran sẽ tìm kiếm những cơ hội thích hợp để “ủy nhiệm” người Shia địa phương đòi quyền lãnh đạo. Đây chính là cái đang thúc đẩy rối ren bên trong Bahrain, ngoài những bất bình với địa phương của người Shia đa số.
Gạt sang bên những lời dối trá, bịa đặt, và câu hỏi về đạo đức và trách nhiệm cá nhân, sai lầm quan trọng của cuộc chiến chống Iraq của Mỹ là thiếu vắng hoặc là một kế hoạch khả thi hoặc là năng lực cần thiết để thực hiện một nền hòa bình sau Thế chiến II cho Trung Đông. Mỹ đủ mạnh để phá hủy trật tự khu vực hiện tại, nhưng không đủ mạnh để tạo lập một trật tự mới. Những người thuộc phe bảo thủ mới ở Mỹ vốn mơ tưởng đã đánh giá quá thấp tầm mức nhiệm vụ sẵn có – trong khi những nhà cách mạng ở Iran nhanh chóng nhảy vào để gặt cái mà Mỹ đã gieo.
Iraq cũng đánh dấu bước đầu tương đối sa sút của Mỹ. Bush đã lãng phí một phần lớn sức mạnh quân sự của Mỹ ở Lưỡng Hà cho một ảo tưởng về ý thức hệ. Và không có cách nào thay thế nếu không có Mỹ.
Cho dù không có mối liên hệ nhân quả giữa cuộc chiến Iraq và cách mạng Arab bắt đầu vào tháng 12.2010, hàm ý của chúng lại hòa quyện vào nhau. Do chiến tranh, sự thù hằn giữa Al Qaeda và những nhóm dân tộc chủ nghĩa như Salafist và Sunni Arab đã mở đường cho hợp tác hay thậm chí là liên kết. Đây cũng là một hệ quả phát sinh bởi quan điểm bảo thủ mới của Mỹ.
Và sự bất ổn hóa khu vực bị châm ngòi bởi cách mạng Arab ngày càng tập trung vào Iraq, chủ yếu thông qua Syria và Iran. Thực ra, mối nguy hiểm nghiêm trọng nhất cho khu vực là một quá trình chia rẽ hình thành từ nội chiến Syria, đe dọa không chỉ lan sang Iraq, mà cả Lebanon và Jordan.
Điều làm cho nội chiến Syria trở nên hết sức nguy hiểm là những tay chơi trong khu vực không còn là lực lượng dẫn dắt, mà cuộc chiến đã trở thành một nỗ lực giành quyền thống trị khu vực giữa một bên là Iran và bên kia là Saudi Arabia, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, Trung Đông đang có nguy cơ trở thành Bán đảo Balkan* của thế kỷ 21: bắt đầu chiều hướng rối ren trong khu vực, và phần lớn là hệ quả từ sự chiếm đóng mà Mỹ lãnh đạo cách đây 10 năm.
VÕ PHƯƠNG (PROJECT SYNDICATE)
*Balkans (Bán đảo Balkan, gần đây gọi là Đông Nam Âu): khu vực diễn ra hai xung đột lớn trong thế kỷ 20: chiến tranh Balkan I (năm 1912) giữa Liên đoàn Balkan (Bulgaria, Hy Lạp, Montenegro và Serbia) với Vương quốc Ottoman, chiến tranh Balkan II (năm 1913) giữa một bên là Bulgaria và bên kia gồm Serbia, Hy Lạp, Romania và Vương quốc Ottoman.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét