08:42
Bài
học còn nguyên giá trị
QĐND - Hôm nay, 20-3, tròn 10 năm ngày
Mỹ phóng những quả tên lửa đầu tiên mở màn cho cuộc chiến tranh I-rắc. Tưởng
chừng thời gian có thể xóa nhòa được tất cả, nhưng với cuộc chiến I-rắc, sau
10 năm, nỗi đau, uẩn ức, sự chua xót và cả sự hối tiếc dường như vẫn còn đó.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Cô-lin Pao-oen, 10
năm trước từng đứng trước LHQ tuyên bố, chế độ Tổng thống I-rắc Xát-đam
Hút-xen sở hữu vũ khí giết người hàng loạt - cái cớ được Mỹ vin vào để phát
động cuộc chiến chống I-rắc. Nhưng 10 năm sau, chính ông Pao-oen đã phải thốt
lên rằng: “Bài học đắt giá mà tôi rút ra được là hãy cố gắng vượt qua sai
lầm, càng sớm càng tốt và học từ nó…”.
Nhưng những gì diễn ra lại không như
thế. Chỉ khi Tổng thống B. Ô-ba-ma lên nắm quyền, thay thế ông Gioóc-giơ
Bu-sơ, người được phong cho biệt danh không mấy tự hào: “Tổng thống của chiến
tranh”, Mỹ mới thực sự kết thúc chiến dịch can thiệp quân sự vào I-rắc. Đó
cũng là lời hứa tranh cử giúp ông B.ô-ba-ma kiếm được nhiều phiếu từ những cử
tri Mỹ đang quá mệt mỏi với cuộc chiến hao người, tốn của ở I-rắc. Hồi tháng
12-2011, những lính Mỹ cuối cùng thuộc các đơn vị chiến đấu đã rời khỏi chiến
trường I-rắc. Để rút chân được khỏi “bãi lầy” I-rắc, nước Mỹ đã phải mất
tới gần 9 năm.
Hẳn nước Mỹ chưa quên trong 9 năm đó đã
phải trải qua những gì? Từ khi cuộc chiến I-rắc bùng nổ, hình ảnh nước Mỹ
trong cái nhìn của cộng đồng quốc tế bị suy giảm nghiêm trọng. Phong trào
biểu tình lan rộng khắp thế giới phản đối nước Mỹ hiếu chiến, đơn phương phát
động cuộc chiến tấn công một nước khác bất chấp các định chế quốc tế. Các
đồng minh trong liên minh quốc tế tham gia cuộc chiến I-rắc dần xa lánh, bỏ
lại Mỹ vật lộn nơi chiến trường. Cũng chưa bao giờ nước Mỹ lại có nhiều kẻ
thù đến thế. Các mục tiêu và quyền lợi của Mỹ ở nhiều nơi trên thế giới và
ngay cả trong lòng nước Mỹ bị tấn công và đe dọa khủng bố.
Cuộc chiến I-rắc và sự sa lầy kéo dài
đã lấy đi phần lớn sức mạnh của một siêu cường. Người ta vẫn chưa quên nước
Mỹ đã cố dốc sức để tránh một kết cục thất bại thảm hại ở I-rắc và bảo tồn
danh dự với những lần tăng quân cũng như tăng ngân sách dành cho cuộc chiến.
Nhưng tất cả chỉ càng khiến Mỹ bị lún sâu hơn xuống bãi lầy. Các phân tích
đều chung một nhận định, Mỹ không còn sức mạnh như trước khi dính vào
cuộc viễn chinh ở I-rắc. Không đủ khả năng để cùng lúc dàn quân trên hai mặt
trận, sứ mệnh của Mỹ ở áp-ga-ni-xtan đã bị tổn hại nghiêm trọng. “Bóng ma”
Ta-li-ban có thể trở lại bất cứ lúc nào cùng với sự hoành hành của các phần
tử khủng bố Al Qaeda ở áp-ga-ni-xtan. Hàng nghìn tỷ USD rót cho cuộc chiến
I-rắc cũng được xem là một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng
kinh tế-tài chính ở Mỹ năm 2008 và số nợ công khổng lồ mà nước này đang mang.
Tổn thất là quá lớn. Nên sau 10 năm,
nước Mỹ vẫn đang cố tìm hiểu về cuộc chiến I-rắc. Một cuộc thăm dò trên trang
mạng Huffington Post và YouGov thực hiện trong tháng 1 vừa qua cho thấy, 52%
người Mỹ cho rằng, cuộc chiến I-rắc năm 2003 là một sai lầm. 55% ý kiến được
hỏi trả lời cuộc chiến tranh này không đáng để chiến đấu. Một nhà nghiên cứu người
Mỹ đã phải thừa nhận rằng: “Quá muộn để có thể làm thay đổi công luận (Mỹ)
sau khi dân chúng thấy hàng ngàn, hàng trăm ngàn người I-rắc thiệt mạng và
nhiều binh sĩ Mỹ chết vì mục đích dường như không thể nào đạt được”. Bức
tường Kỷ niệm những cuộc tranh chấp Trung Đông, trong đó có khắc tên những
lính Mỹ chết trận ở I-rắc, sẽ mãi là nơi lưu giữ nỗi đau khó nguôi của nước
Mỹ.
Sau 10 năm, các mục tiêu đầy tham vọng
và cả những hứa hẹn của Mỹ khi bắt đầu cuộc chiến vẫn chưa thành hiện thực.
Lật đổ chế độ của Tổng thống Xát-đam Hút-xen, Mỹ hy vọng thành lập một chính
phủ thân phương Tây ở khu vực. Nhưng còn lâu I-rắc mới có thể thành lập được
một chính phủ “hợp khẩu vị” Oa-sinh-tơn trong bối cảnh đất nước bị chia rẽ
sâu sắc bởi cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo và tranh giành quyền lực, quyền
lợi giữa các cộng đồng người. Chính các lãnh đạo I-rắc đã phải thừa nhận đất
nước đang tan rã vì phải chịu sức ép của cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội
và kinh tế. Không chỉ bất ổn an ninh, cuộc sống của người dân I-rắc còn bị
phủ bóng đen của bạo lực chính trị, sự đổ vỡ của xã hội dân sự.
Dân chủ, ổn định và phát triển mà Mỹ
hứa đem tới cho đất nước vàng đen nhằm “tô hồng” thêm các mục đích của cuộc
chiến vẫn chỉ là “bánh vẽ”.
Nhiều phân tích cho rằng, cuộc chiến ở
I-rắc là vì những mỏ dầu. Các công ty dầu mỏ của Mỹ đã giành được những mỏ
dầu dồi dào hơn ở đất nước được mệnh danh là “rốn dầu” thế giới, là nguồn
cung cho đất nước luôn trong cơn “khát dầu”. Không phải vô cớ Mỹ cùng các
đồng minh đã “ra đòn” tương tự với Li-bi, đất nước Tây Phi có những mỏ dầu
đầy tiềm năng.
Trong mọi cuộc xung đột, bài toán lợi
ích cùng những toan tính chính trị luôn được đặt lên hàng đầu. I-rắc là nạn
nhân của những toan tính chính trị, lợi ích nguy hiểm cùng những bước đi sai
lầm của Oa-sinh-tơn thì đã rõ. Nhưng với những cái giá quá đắt như trên,
chính nước Mỹ cũng đã tự biến mình thành nạn nhân của những tham vọng lớn.
Xung đột và chiến tranh vẫn luôn là
nguy cơ tiềm ẩn đối với thế giới ngày nay. Trong bối cảnh khu vực Trung Đông
vẫn có những diễn biến phức tạp, nổi lên là Xy-ri và I-ran, những quốc gia có
vị trí địa chính trị quan trọng ở khu vực, ranh giới của hòa bình càng mong
manh.
10 năm sau cuộc chiến I-rắc những hệ
lụy vẫn chưa dứt, các bài học từ cuộc chiến này vẫn còn nguyên giá trị. Cần
soi vào đó để tránh lặp lại những sai lầm tương tự. Không thể đứng trên các
định chế và luật pháp quốc tế để có các hành động đơn phương, gây nên những
hậu quả khó lường cho cộng đồng quốc tế và cho chính bản thân
mình.
(Theo QĐND) Mỹ HẠNH
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét