Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

09:17
 Thế giới phản ứng với chủ nghĩa dân tộc cực đoan

SGTT.VN - Ngày 27.2, một cán bộ ngoại giao Việt Nam ở Bắc Kinh nói giới hữu trách Việt Nam chắc chắn sẽ có phản ứng thích hợp trong vụ nhà hàng Trung Quốc tuyên bố không phục vụ người Nhật, Philippines, Việt Nam và chó. “Hành động ‘của nhà hàng Trung Quốc’ là không thể chấp nhận được!”
 
Tàu Trung Quốc giám sát các vùng biển có hải đảo tranh chấp. Ảnh: TL
Tuy không cho biết rõ, phản ứng của Chính phủ Việt Nam sẽ như thế nào, nhưng nhà ngoại giao Việt Nam có mặt tại Bắc Kinh, người không muốn tiết lộ danh tính, đã nói với đài BBC ̀rằng chủ trương của Hà Nội là phải làm sao để cả hai bên cùng tôn trọng và bảo đảm tình hữu nghị song phương.
Cực đoan do nhiễu thông tin
Đông đảo cư dân mạng cho rằng hành động phân biệt đối xử theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan này sẽ mang lại hiệu quả ngược, bất lợi cho chính Trung Quốc. Lại thêm một hình ảnh xấu nữa của Trung Quốc trong mắt cộng đồng quốc tế. Vụ việc đã gây ra một làn sóng phẫn nộ trên các diễn đàn báo chí và trang web ở cả Philippines lẫn Việt Nam.
Dòng chữ bằng tiếng Hoa và tiếng Anh “Bản điếm/This shop bất tiếp đãi người Nhật, người Phi, người Việt và chó” là biểu hiện mới nhất của chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại Trung Quốc đang bị đồng loạt lên án khắp nơi.
Chính tác giả bức hình, bà Rose Tang là một Hoa kiều trên trang Facebook của mình, đã kêu gọi mọi người chuyền tay tấm hình bà chụp được càng nhiều càng tốt, với hy vọng áp lực từ công chúng và truyền thông “sẽ dạy cho chủ nhân nhà hàng một bài học”. Bà Rose Tang cho rằng, chính quan điểm và hành động sai trái về yêu sách chủ quyền biển đảo của chính quyền Trung Quốc đã bồi đắp và khuyến khích chủ nghĩa dân tộc cực đoan và sự thù hận dân tộc kiểu này.
Từ TP.HCM, luật gia Lê Hiếu Đằng lên tiếng: “Trong một thế giới mở mà mọi dân tộc, mọi đất nước đều cùng nhau xây dựng một thế giới phát triển, cùng tồn tại hoà bình, không phân biệt chủng tộc, nhưng ngay tại Bắc Kinh lại có những lời lẽ như vậy, thì tôi cho đây là những người không hiểu gì tình hình.[…]”
Nhà báo kỳ cựu Philip Bowring thường trú tại Hong Kong cảnh báo rằng chủ nghĩa bài ngoại được giới cầm quyền phương Bắc hậu thuẫn, hiện công luận thế giới ngày càng bày tỏ quan ngại về chủ nghĩa dân tộc cực đoan của một nước Trung Quốc trỗi dậy và cao ngạo, gây hấn nhưng lại luôn rêu rao “sống chung hoà bình”.
Tại Philippines, sự kiện này đã được tiếp nhận một cách vừa giận dữ vừa châm biếm. Nhà báo Veronica Garcia tố cáo trên Twitter, được nhiều người đưa lại, về vụ “kỳ thị khủng khiếp tại một nhà hàng Bắc Kinh”. Ở Facebook, Rey Garcia nêu lời bình: “Ai thèm quan tâm, người Tàu xơi đủ mọi thứ, thậm chí cả thai nhi và móng tay!”
Nguyên nhân sâu xa
Từ cuối thế kỷ 20 sang đầu thế kỷ 21, Trung Quốc ngày càng phát triển đáng kể về nhiều mặt: kinh tế, chính trị cho tới quân sự. Trong bối cảnh ấy, học giả Triệu Tuỳ Sanh thuộc đại học Denver, Mỹ, nhận thấy chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc phát triển mạnh trong khi ý thức hệ chính thống sa sút. Học giả này nhận định, chủ nghĩa dân tộc mới chính là nền tảng của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.
Theo AFP ngày 28.2, chủ nhà hàng tại Trung Quốc đã gỡ biển hiệu “không phục vụ người Nhật, Philippines, Việt Nam và chó”.
Chủ tịch Mao Trạch Đông, khi tuyên bố thành lập Trung Quốc hồi năm 1949, đã sử dụng nhóm từ “nhân dân Trung Quốc vùng lên kể từ đó” nhằm phục hồi danh dự và vị thế thích hợp của Bắc Kinh trên vũ đài quốc tế. Cũng trong chiều hướng này, cuốn sách tựa đề tạm dịch là Trung Quốc không hài lòngbao gồm nhiều tiểu luận của năm tác giả, đã khẳng định rằng Trung Quốc phải dùng thế mạnh đang lên cùng tài nguyên kinh tế để xây dựng vị thế vượt trội của mình hiện nay, xứng đáng dẫn đầu thế giới.
Tờ Wall Street Journal mới đây có bài Làn sóng tinh thần dân tộc ở Trung Quốc lưu ý rằng có lẽ điều quan trọng nhất là sự phục hồi chủ nghĩa dân tộc là chủ đề chính cho những lời hoa mỹ của Bắc Kinh.
Theo nhà bình luận Nicholas Kristof của tờ New York Times, các yếu tố trên đây biến chủ nghĩa dân tộc thành một lực lượng đặc biệt ở Trung Quốc, có khả năng ban cho giới cầm quyền một sự chính danh, nhưng cũng có thể tước mất tính chính danh ấy.
Trong bối cảnh tranh chấp lãnh hải đáng ngại hiện nay giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á ở Biển Đông, với Nhật Bản ở Hoa Đông, học giả Triệu Tuỳ Sanh thuộc đại học Denver nói trên nhấn mạnh rằng khi giới lãnh đạo chính trị lợi dụng chủ nghĩa dân tộc, hay động viên người dân hành động quá khích (như trường hợp vụ nhà hàng Snacks Bắc Kinh), thì đó là chủ nghĩa hoang dã. Và hiện có nhiều người tin rằng chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc là mối đe doạ thực sự và sẽ biến Trung Quốc thành kẻ gây hấn toàn cầu.
(Theo Sài Gòn tiếp thị) HẢI ĐĂNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét