09:15
Trước các vi phạm tại một số bệnh viện công mà Thanh Niên phản ánh thời gian qua, ông Lương Ngọc Khuê (ảnh), Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế thẳng thắn nhìn nhận:
Vấn đề Thanh Niên đưa ra chúng tôi cho rằng để xảy ra những sự việc cán bộ - công nhân viên (CB-CNV) phản ánh, trước hết là do tổ chức thực hiện chưa đúng, gây bất bình trong tập thể. Về các sự việc tại một số bệnh viện (BV): Chấn thương - Chỉnh hình, Răng - Hàm - Mặt T.Ư (TP.HCM). Bộ Y tế cũng rất quan tâm và đã có chỉ đạo Sở Y tế làm rõ đối với bệnh viện thuộc Sở Y tế. Với BV thuộc Bộ đã liên tiếp có các đoàn thanh tra. Thực tế cho thấy, tại các BV mà các CB-CNV phản ánh thường do cách thức triển khai không đúng.
Cụ thể, đó là những vi phạm nào, thưa ông?
Về nguyên tắc khi đặt máy phải công khai minh bạch trong việc huy động sự tham gia của các CB, máy phải được đấu thầu. Một số trường hợp thiết bị phải qua phê duyệt giá của Bộ Y tế hoặc UBND thành phố. Ngay cả khi người có tiêu chuẩn không tham gia đóng góp vốn, thì cũng có quy định rõ ai sẽ thay thế vào đó. Tôi biết nhiều đơn vị đã chuyển quyền lợi đó vào Công đoàn, nghĩa là phần thu được nếu có thì cũng thuộc về tập thể, quyền lợi và trách nhiệm đều phải minh bạch. Nhưng những BV xảy ra sự cố nội bộ thường do không minh bạch, tổ chức triển khai không đúng. Việc này dễ dẫn đến tình trạng tập trung quyền lợi cho một nhóm người, gây bức xúc trong CB-CNV. Có hàng ngàn BV và hầu hết đều có thiết bị xã hội hóa, nhưng những bức xúc chỉ tập trung vào một số nơi làm sai, làm không đúng quy định. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các đơn vị trong ngành y tế tăng cường thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở.
Vậy Bộ Y tế đã xử lý như thế nào? Ai chịu trách nhiệm về vi phạm và sự bất ổn của đơn vị mà Thanh Niên đã phản ánh?
Với phản ánh tại BV Chấn thương - Chỉnh hình, chúng tôi đã có yêu cầu Sở Y tế tổ chức họp làm rõ đúng sai, yêu cầu khắc phục. Với Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt T.Ư (TP.HCM), Bộ Y tế đã có đợt thanh tra, làm rõ các vấn đề được phản ánh và sẽ sớm công bố kết luận. Tôi cho rằng, sự việc xảy ra trong đơn vị trước hết lãnh đạo BV phải chịu trách nhiệm, còn chịu trách nhiệm ở mức độ nào, đến đâu thì quá trình kiểm điểm sẽ xác định.
Trong một số trường hợp bệnh nhân bị trục lợi do xã hội hóa y tế như: chỉ định quá mức cần thiết, Bộ Y tế có giải pháp nào, thưa ông?
Đúng là xã hội hóa y tế giúp tăng cơ hội tiếp cận với các thiết bị hiện đại, tuy nhiên nếu không được kiểm soát, nó cũng nảy sinh các vẫn đề như lạm dụng chỉ định để tăng cường sử dụng thiết bị xã hội hóa vì đó là nguồn thu. Bộ Y tế đã có hàng loạt quy định về hội đồng bình bệnh án, bình đơn thuốc; tăng cường minh bạch thông tin bằng bệnh án điện tử... như vậy mọi chỉ định của thầy thuốc nếu có bất thường cũng sẽ được phát hiện và chấn chỉnh.
Tôi nghĩ, các quy định thì đã có đầy đủ, vấn đề cốt lõi vẫn là trách nhiệm thuộc về các hội đồng chuyên môn trong bệnh viện, của người đứng đầu đơn vị; vì người tổ chức thực hiện xã hội hóa nếu đảm bảo các nguyên tắc để minh bạch, công khai, tuân thủ nghiêm túc các quy định thì sẽ hạn chế rất nhiều tiêu cực trong nội bộ cũng như trong hoạt động khám chữa bệnh. Công khai minh bạch đồng nghĩa với việc không còn lợi ích nhóm trong đơn vị vốn là nguyên nhân dẫn đến sự bất bình trong CB-CNV.
(Theo Thanh niên) Liên Châu
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét