Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013


08:17

Xung quanh Bóng anh hùng:

Sẽ đưa ra ban thường vụ tỉnh ủy

 
TT - Câu chuyện văn chương bị quy chụp (Tuổi Trẻ ngày 19, 20-3) lại khuấy động quan tâm và lo ngại của nhiều người đọc. Sau bài “Khốn khổ bởi kiểu đọc quy chụp” và truyện ngắn Bóng anh hùng, nhiều ý kiến gửi đến Tuổi Trẻ chia sẻ cảm xúc khi đọc truyện, cũng như ngạc nhiên về cách suy diễn khi đọc một tác phẩm văn học.
* Ông Đào Tấn Lộc (bí thư Tỉnh ủy Phú Yên):
Tỉnh ủy chưa bàn việc kỷ luật hay không kỷ luật
 
Ông Đào Tấn Lộc - Ảnh: Minh Nguyệt
Thường trực Tỉnh ủy đã nhận hàng chục thư từ của một số nguyên lãnh đạo tỉnh, các cựu chiến binh và các tổ chức như công an tỉnh, bộ chỉ huy quân sự tỉnh, hội cựu chiến binh tỉnh quy kết khá nặng nề về tác phẩm này cũng như trách nhiệm của lãnh đạo, phóng viên báo Phú Yên có liên quan.
Tuy nhiên, Thường trực Tỉnh ủy chưa bàn việc kỷ luật hay không kỷ luật các cá nhân liên quan ở báo Phú Yên, mà giao Ban Tuyên giáo tỉnh ủy rà soát, lấy thêm ý kiến của các cơ quan chức năng cấp trên và Ban Tuyên giáo trung ương rồi mới quyết định. Vì đơn thư nhiều quá nên khả năng sẽ đưa vụ việc này ra Ban Thường vụ tỉnh ủy xem xét, quyết định.
Còn về việc vì sao các báo Văn Nghệ, Ðại Biểu Nhân Dânđăng Bóng anh hùng vài năm trước mà không nhận phản ứng gì nhưng khi báo Phú Yên đăng lại có nhiều ý kiến phản ứng? Theo tôi, đó chỉ là dòng dư luận không đồng tình với tác phẩm. Việc cho đăng tác phẩm này trên báo Ðảng là không có lợi về mặt tư tưởng.
* Ông Phạm Ngọc Phi (tổng biên tập báo Phú Yên):
Sẽ còn quy chụp đến bao giờ?
 
Ông Phạm Ngọc Phi - Ảnh: D.TH.
Gần 15 năm làm tổng biên tập, chưa bao giờ tôi thấy mệt mỏi và đau lòng như khi vướng vào những “vụ án văn chương”. Những “vụ án” đều có chung một “kịch bản”: bắt đầu từ những đơn thư nặc danh, hoặc xưng là người Phú Yên xa quê, sau đó đến đơn thư có tên của các cựu chiến binh, cán bộ hưu trí gửi thẳng đến Ban Tuyên giáo tỉnh ủy (như cách đây năm năm) và gửi thẳng đến Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu kỷ luật ban biên tập vì đã cho đăng tác phẩm “phản động”.
Trong tình thế đó, thấy rằng không thể tự “giải oan”, ban biên tập xin ý kiến đánh giá, nhận định của Hội Nhà văn VN, Vụ Báo chí - xuất bản, Vụ Văn hóa văn nghệ (Ban Tuyên giáo trung ương), các nhà văn, nhà thơ uy tín thì bị quy là sai nguyên tắc vì chuyện nội bộ sao lại cầu cứu ở “bên ngoài”.
Giờ tôi chỉ còn hơn một tháng nữa là nghỉ hưu. Ðiều tôi đau lòng nhất - trong những ngày công tác sau cùng với sự chờ đợi kết luận có bị kỷ luật thêm một lần nữa hay không - chính là sự tiếp tục lo lắng cho những người kế nhiệm tôi và lãnh đạo các cơ quan báo chí, văn nghệ ở Phú Yên sẽ còn làm việc trong nơm nớp trước kiểu đọc quy chụp đến bao giờ nữa?
(Tuổi trẻ) NHÓM PHÓNG VIÊN VHVN GHI
Có những thứ không thể là của riêng một ai đó, một địa phương nào đó, đấy chính là tác phẩm văn học nghệ thuật. Phú Yên muốn nội bộ “xử lý” việc này phải chăng theo kiểu “trùm chăn, đánh hội đồng”, không muốn ai biết việc “xử lý” đó? Phải chăng lộ ra sẽ xấu mặt, thiên hạ chê cười?
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét