06:01
Festival
lúa gạo: Lãng phí!
Đã qua 2 lần tổ chức festival mà giá lúa vẫn không ổn định
và luôn có chiều hướng tụt giảm, chưa đáp ứng nhu cầu của kinh tế thị trường
trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt
Trước thông tin mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp thẳng thừng
từ chối tổ chức Festival Lúa gạo lần thứ 3 (năm 2014), nhiều chuyên gia trong
ngành nông nghiệp và lãnh đạo các tỉnh, thành ở ĐBSCL nhận định đây là quyết
định sáng suốt, phù hợp trong tình hình khó khăn chung như hiện nay.
Nông dân ĐBSCL chẳng được gì hơn sau 2 lần tổ chức festival lúa gạo. Ảnh: NGỌC TRINH
Có cũng như không
Năm 2009, “dấu son” của ngành nông nghiệp Việt
Đến tháng 2-2013, giá gạo xuất khẩu chỉ còn dao động ở
ngưỡng 400 USD/tấn. Câu chuyện tiêu thụ lúa hàng hóa Đông Xuân ở ĐBSCL trở
nên “nóng” trong những ngày qua khi giá chưa vượt qua ngưỡng 5.000 đồng/kg và
nông dân vẫn không bán được lúa. Chuyện VFA mua lúa tạm trữ, nông dân có được
hưởng lợi trực tiếp hay không vẫn còn đang tranh luận.
Tại festival lần 1 ở Hậu Giang (năm
2009), 50 nông dân từ 34 tỉnh, thành trong cả nước được tôn vinh và nhận bằng
khen của Bộ NN-PTNT vì có thành tích sản xuất lúa sáng tạo. Đây là những nông
dân được tiếp cận khoa học kỹ thuật, tự học tập sản xuất, lai tạo, nhân
giống… đem lại nhiều nguồn lợi cho cộng đồng.
Khi festival kết thúc, một lãnh đạo
tỉnh Hậu Giang gửi gắm: “Mong Trung ương chỉ đạo các vùng trọng điểm sản xuất
lương thực phối hợp để có một chương trình hành động tổng thể về lúa gạo, đặc
biệt chú ý giữ vững diện tích đất trồng lúa, bảo đảm mạng lưới phân phối, lưu
thông lúa gạo hàng hóa hiệu quả, nâng cao khả năng cạnh tranh của hạt gạo
Việt Nam trên trường quốc tế và giảm tối đa mâu thuẫn về lợi ích của các đơn vị,
doanh nghiệp, địa phương…”.
Nhiều người nhìn nhận Festival Lúa gạo lần 1 là cầu nối để
trao đổi những vấn đề quan tâm về sản xuất nông nghiệp, thu mua, bảo quản,
chế biến lúa gạo; xây dựng thương hiệu lúa gạo và cùng tham gia các hoạt động
văn hóa, thể thao đặc sắc…
Festival Lúa gạo lần 2 ở Sóc Trăng (năm 2011) cũng thu hút
khoảng 400.000 người đến tham quan, mua sắm (tương đương Festival Lúa gạo lần
1). Đáng chú ý, hơn 1.000 đại biểu là các nhà khoa học trong và ngoài nước đã
về tham dự 3 cuộc hội thảo: “Định vị thương hiệu lúa gạo Việt Nam”, “Việt Nam
- Con đường phát triển lúa gạo chất lượng cao”, “Bãi Xàu (Ba Xuyên) - Sóc
Trăng: Từ cảng biển quốc tế đầu tiên nhìn đến tương lai phát triển”. Các đại
biểu đã đề xuất nhiều giải pháp xây dựng thương hiệu và nâng cao chuỗi giá
trị gạo Việt
Sau mỗi kỳ festival lúa gạo, lãnh đạo địa phương tổ chức
đều kiến nghị: Cần xây dựng một chiến lược phát triển bền vững vùng chuyên canh
lúa gạo, hỗ trợ cơ giới hóa cho nông dân gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ
thuật, xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt
Nhiều việc khác đáng làm hơn
Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang,
hoan nghênh quyết định của UBND tỉnh Đồng Tháp bởi đây chỉ là hình thức gây
lãng phí và không phù hợp với điều kiện hiện tại.
Theo ông Nhị, mọi người cứ tưởng sau các
festival, hình ảnh lúa gạo Việt Nam sẽ “sáng” hơn và đời sống của người trồng
lúa cũng được cải thiện đáng kể. Thế nhưng, đã qua 2 lần tổ chức festival mà
giá lúa vẫn không ổn định và luôn có chiều hướng tụt giảm, chưa đáp ứng nhu
cầu của kinh tế thị trường trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt.
“Có 3 vấn đề lớn mà Nhà nước cần làm để
giúp nông dân là quy hoạch lại sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng lúa
hàng hóa; xử lý nghiêm các doanh nghiệp làm ăn dối trá, gây ảnh hưởng đến uy
tín gạo Việt Nam trên thị trường thế giới và có cơ chế chính sách thiết thực
như hỗ trợ nông dân vay vốn với lãi suất thấp” - ông Nhị đề xuất.
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, sau 2 lần tổ
chức festival lúa gạo ở Hậu Giang và Sóc Trăng, nông dân ĐBSCL vẫn cứ nghèo.
Ngay cả việc Bến Tre tổ chức festival dừa thì loại trái cây này cũng bao phen
lận đận vì rớt giá. “Có thể khẳng định cho dù festival lúa gạo được tổ chức
lần 3 ở đâu thì cũng chẳng có ích lợi gì cho nông dân. Có chăng chỉ là nông
dân đến đó để nắm bắt một số thông tin mới về những tiến bộ khoa học kỹ thuật
trong sản xuất nông nghiệp.
Bởi vì, qua mỗi lần tổ chức sự kiện lớn
như vậy, người ta chỉ thấy các công ty, nhà phân phối về phân bón, thuốc bảo
vệ thực vật, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp kiếm lợi nhiều hơn nhờ bán
sản phẩm” - GS-TS Võ Tòng Xuân nhận định.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Chu Văn Hách, Viện Lúa ĐBSCL,
cũng cho rằng tổ chức sự kiện phải mang tính khoa học và có lợi ích thiết
thực gì thì mọi người mới hăng hái tham gia. Nhà nước nên tìm nhiều biện pháp
tốt nhất để lo cho nông dân hơn là cứ chú trọng các hình thức phô trương. “Tổ
chức một festival cho hoành tráng nhưng sản phẩm làm ra của nông dân không
bán được hoặc cứ rớt giá thê thảm thì nên dừng” - TS Chu Văn Hách khẳng định.
(Theo
Người Lao động) VY TƯỜNG VĨNH - THỐT NỐT
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét