Xuống đáy
Ngay sau trận thua ê chề trước đội hình 2 của
Thái Lan, một số cầu thủ đội Việt Nam đã phản ứng quyết liệt với
ban huấn luyện. Nhưng trong buổi họp báo sau trận đấu, trưởng đoàn Ngô Lê
Bằng sau khi “lại” xin lỗi người hâm mộ, đã tái khẳng định không có chuyện
mất đoàn kết trong nội bộ đội tuyển.
Dĩ nhiên, việc cầu thủ tranh cãi với ban huấn luyện không thể quy
là “mất đoàn kết”, mà ngược lại, có khi vì bảo vệ sự đoàn kết mà phải đấu
tranh. Nhưng với đội tuyển VN hiện nay, vấn đề không nằm ở chỗ đoàn kết hay
mất đoàn kết. Nó nằm ở chỗ đội tuyển đã mất động lực thi đấu, đã “hụt chân”.
Và kết quả là tất yếu. Về mặt tinh thần, đội tuyển VN đã thua đội tuyển của
những cầu thủ trẻ Myanmar, đặc biệt là thua đội tuyển Philippines - đội đã
chơi bóng với sự tự tin cao độ.
Nhưng không chỉ tinh thần, tuyển VN thua các đối thủ còn vì cầu
thủ thiếu cố gắng trong thi đấu, thậm chí ở hai trận đầu, có cảm giác nhiều
cầu thủ “không muốn đá”. Lý do không khó hiểu. Đã có những cuộc “tháo chạy”
của các ông bầu tại V-League - giải đấu luôn được quan chức VFF tán dương là
“hấp dẫn nhất Đông Nam Á”. Hai đội bóng của bầu Kiên cùng một lúc bị giải
thể. Một số đội bóng khác bị bán tống bán tháo. Và cầu thủ, kể cả những cầu
thủ được coi là “sao” cũng đang hoang mang chưa biết sẽ về đâu. V-League đang
có nguy cơ “vỡ bong bóng”, và kéo theo nó những hệ lụy khó lường. Trong tình
cảnh ấy, mà VFF vẫn đặt những kỳ vọng vô lối vào thành tích của đội tuyển tại
AFF Cup, mà một số bình luận viên trên truyền hình vẫn nhắc đi nhắc lại về
lần đăng quang duy nhất trong suốt 20 năm tại AFF Cup 2008. Đã có cái nhìn
coi thường một cách thiếu hiểu biết trước hai đối thủ Myanmar và Philippines,
trong khi đội tuyển VN không cho thấy sự tiến bộ, còn hai đối thủ của mình
lại đang hứa hẹn sự lột xác. Trong khi đó, cầu thủ VN gần như không có một
động lực cụ thể nào để thi đấu. Ngay cái “động lực” tiền thưởng được “treo
trước”, cũng không có.
Về mặt chuyên môn, những cuộc “thi tiền” của các ông bầu tại
V-League mấy năm qua đã khiến một số cầu thủ Việt có khả năng rơi vào tình
trạng vừa tự kiêu vừa tự ti. Tự kiêu vì những hợp đồng, những món tiền lót
tay “khủng” so với khả năng thật của họ, và tự ti khi so về hiệu suất ghi bàn
với các cầu thủ ngoại. Khi tâm lý ấy được bưng nguyên vào đội tuyển quốc gia,
thì điều gì xảy ra, mọi người đều đã biết.
Người hâm mộ VN không hề sốc hay buồn khổ sau thất bại ê chề này
của đội tuyển quốc gia. Vì họ đã dự đoán trước kết cục này, chứ không hề nghe
những “lời có cánh” của BHL và VFF là “đội tuyển sẽ vào tới trận cuối cùng,
còn vào bán kết là đương nhiên”. Đã xuất hiện một tâm lý thờ ơ, vô cảm với
đội tuyển quốc gia từ phía người hâm mộ, sau những thất vọng não nề. Sự quay
lưng của người hâm mộ VN với bóng đá VN là điều đáng lo nhất, sau nỗi lo về chuyện
“thiếu tầm nhìn, thiếu hiểu biết” của dàn lãnh đạo VFF.
Có thể khẳng định, bóng đá VN đã “xuống đáy”. Và đó là một cơ hội
để có thể “dỡ ra làm lại” một cách rốt ráo nhất. Nhưng làm lại từ đâu? Và làm
như thế nào? Hay vẫn theo cách cũ, với những con người cũ?
(Theo Thanh niên) Thanh
Thảo
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét