10:07
Đánh thức Bản Giốc
“Mọi
người đến với Cao Bằng hầu như ai cũng muốn tìm tới thác Bản Giốc” - bí thư
Tỉnh ủy Cao Bằng khẳng định. Thế nhưng, ngọn thác hùng vĩ và đầy cảm xúc ở
miền biên viễn này đã chìm trong giấc ngủ vùi quá lâu…
Một
khách sạn tiêu chuẩn 3 sao sẽ hiện diện ở khu vực thác Bản Giốc trong thời
gian tới. Cùng với đó, tỉnh Cao Bằng đang sửa sang lại đường sá và trải thảm
đỏ mời gọi các nhà đầu tư đến với địa danh này. “Bản Giốc sẽ sớm bừng tỉnh” -
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, ông Hà Văn Hiển, quả
quyết. Lúc này, đến Cao Bằng, chúng tôi nghe nhiều người nói tới “thời cơ của
Bản Giốc”.
Một
góc thác Bản Giốc kỳ vĩ
Thác
Bản Giốc cách thủ đô Hà Nội gần 400 km, cách TP Cao Bằng 90 km, được đánh giá
là thác nước đẹp và hùng vĩ nhất trong những ngọn thác của dải đất hình chữ S.
Đi
dọc Quốc lộ 3 qua Thái Nguyên rồi Bắc Kạn, khi đặt chân đến TP Cao Bằng,
chúng tôi cứ ngỡ vậy là đã được 3/4 cuộc hành trình. Thế nhưng, thử thách vẫn
ở trước mắt bởi chặng đường từ thủ phủ tỉnh Cao Bằng lên thác Bản Giốc mới
thực sự gian nan.
Phần
vì đèo dốc quanh co, phần vì Tỉnh lộ 206 của Cao Bằng đang trong thời gian
nâng cấp, sửa chữa nên quãng đường 90 km khiến du khách phải mất ít nhất 4
giờ chinh phục. Đáng ngại nhất là vào mùa mưa, những chặng đường đèo lên Bản
Giốc thường bị sạt lở, chia cắt “đệ nhất thác” với huyện lỵ Trùng Khánh và TP
Cao Bằng.
Điều
chúng tôi thắc mắc nhất là trong hành trình 400 km từ Hà Nội đến thác Bản
Giốc không hề nhìn thấy một tấm biển chỉ dẫn tới địa danh này. Ngay cả khi
tìm đường lên Bản Giốc ở TP Cao Bằng, giải pháp tốt nhất vẫn là phải hỏi
người dân địa phương.
Chúng
tôi gặp một nhóm du khách từ TPHCM lặn lội đường xa ngược lên biên giới phía
Bắc với khát khao được một lần diện kiến ngọn thác hùng vĩ mà họ mới chỉ được
đọc, được nghe và hình dung qua trí tưởng tượng. Họ cũng tỏ ra thất vọng bởi
cả đoàn đã mất hàng giờ hỏi thăm rồi mò mẫm tìm đường tới thác Bản Giốc.
Gần
đây, nhiều bạn trẻ trên các diễn đàn phượt cũng tổ chức những chuyến chinh
phục Bản Giốc bằng xe máy. Rất nhiều mỹ từ và những cảm xúc thiêng liêng khó
tả được người đi trước truyền lại cho người đi sau.
Tuy
nhiên, riêng chuyện đi đường thì họ đều khuyên nhau phải hỏi thăm cho kỹ nếu
không muốn đi lạc. Thác Bản Giốc không chỉ là một trong những đệ nhất danh
thắng của tỉnh Cao Bằng mà còn của cả nước. Vì thế, việc không có những biển
chỉ dẫn hay panô lớn đặt trên đường quảng bá cho địa danh này là điều đáng
tiếc.
Dịch vụ còn sơ sài
Đến
Bản Giốc, chúng tôi và nhiều người khác không khỏi chạnh lòng. Tại đây, Cao
Bằng gần như chưa xây dựng bất cứ cơ sở du lịch nào để giữ chân du khách.
Trước
đường vào thác có một trạm thu vé tham quan với giá khá rẻ, chỉ 15.000
đồng/người. Tuy nhiên, đôi khi vắng khách quá, trạm thu vé này cũng không hoạt
động. Vài lán bán hàng lưu niệm tạm bợ do người dân địa phương dựng lên đã
xuống cấp nhưng không hề được cải tạo, đầu tư.
Càng
buồn hơn khi những mặt hàng bày bán ở đây đều từ nước ngoài. Không ít khách
du lịch đến đây thở dài ngao ngán: “Chúng tôi muốn mua vài món đồ đặc trưng
của vùng này nhưng tìm đỏ mắt cũng không có”.
Huyện
Trùng Khánh có xây nhà khách Đình Văn nằm cách thác Bản Giốc chừng 1 km nhưng
hầu như khách đến đây không ai muốn ở lại vì dịch vụ hoàn toàn là con số
không. Theo ông Hà Văn Hiển, quá trình khảo sát xây dựng khách sạn 3 sao tại
khu vực thác Bản Giốc sắp hoàn tất.
Tỉnh
Cao Bằng đang chờ ngày khởi công công trình được đặt rất nhiều kỳ vọng này.
Thế nhưng, có khách sạn 3 sao không đồng nghĩa với việc Bản Giốc sẽ thức giấc
nếu không thực hiện những chiến lược quảng bá, cũng như đưa ngọn thác này vào
các tour, tuyến của vùng du lịch Đông
Bắc Bộ.
Mỗi
năm, chỉ có khoảng 30.000 du khách tới thác Bản Giốc. Tỉnh Cao Bằng là chủ
nhà của chương trình du lịch Qua những miền di sản Việt Bắc năm 2012 gồm các
tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Giang. Cùng
với việc Pác Pó vừa được công nhận là Di tích Đặc biệt Quốc gia, thác Bản
Giốc cần có được vị thế xứng đáng trên bản đồ du lịch Việt
Ông
Hà Ngọc Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, nhìn nhận: “Tỉnh lộ 256 được nâng cấp
sẽ rút ngắn thời gian đi lại từ TP Cao Bằng tới thác Bản Giốc và là điều kiện
để khu vực này phát triển”. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng
cho rằng các đơn vị thi công mở rộng tỉnh lộ đã quên mất việc đặt biển chỉ
dẫn cho khách, ngay cả khi đường tới Bản Giốc đang ngổn ngang vì sửa chữa.
Theo
quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch thác Bản Giốc đã được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, khu vực này sẽ được đầu tư tới 2.400 tỉ đồng
để phát triển du lịch, dịch vụ.
“Mọi
người đến với Cao Bằng hầu như ai cũng muốn tìm tới thác Bản Giốc. Chúng tôi
sẽ yêu cầu Sở GTVT rà soát lại việc đặt biển hướng dẫn tham quan từ TP Cao
Bằng lên thác Bản Giốc. Đây là việc phải khắc phục ngay” - ông Hà Ngọc Chiến
khẳng định.
Trên
hành trình trở về thủ đô Hà Nội, chúng tôi nhìn thấy nhiều nhóm thanh niên
mặc áo đỏ in hình sao vàng lên thăm thác Bản Giốc. Có lẽ, chính họ chứ không
ai khác sẽ là những người góp phần đánh thức Bản Giốc bằng tình yêu Tổ quốc
mãnh liệt của mình.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét