Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012


 09:18

Vòng cung bất ổn Đông Á


Tồn tại từ nhiều năm qua, vòng cung bất ổn tại Đông Á tác động mạnh đến tình hình biển Đông, nhất là khi Trung Quốc đang trỗi dậy.

Trong Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 4 tại Hà Nội vào cuối tháng 11, GS-TSKH Kolotov Vladimir Nikolaevich có bài tham luận “Vấn đề biển Đông trong bối cảnh hệ thống an ninh khu vực tại Đông Á”. Thanh Niên trân trọng giới thiệu nội dung chính của tham luận này.
Đồ họa: GS Kolotov
Tồn tại từ nhiều năm qua, vòng cung bất ổn tại Đông Á tác động mạnh đến tình hình biển Đông, nhất là khi Trung Quốc đang trỗi dậy.
Nối tiếp quá khứ
Vòng cung bất ổn Đông Á là hiện tượng địa chính trị có tính cơ bản trong hệ thống an ninh khu vực, được hình thành ngay sau Thế chiến 2. Thời chiến tranh lạnh, vòng cung bất ổn Đông Á chạy từ đông - bắc sang tây - nam qua quần đảo Kuril mà Nhật gọi là “lãnh thổ phương Bắc”, qua bán đảo Triều Tiên bị phân chia (Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc), qua Trung Quốc bị phân chia (Trung Quốc và Đài Loan), Việt Nam bị phân chia (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa). Mặc dù “chiến tranh lạnh” đã kết thúc nhưng tại “mặt trận” này vẫn không có nhiều thay đổi, nguy cơ bất ổn vẫn giữ nguyên như trước đây.
Vòng cung bất ổn Đông Á là một hệ thống khối và đối trọng phức tạp. Các căn cứ quân sự của Mỹ đóng trên lãnh thổ của những đối tác an ninh châu Á bao quanh vòng cung bất ổn từ hướng đông nam. Từ mạn đông - bắc của vòng cung bất ổn này là Nga và Trung Quốc, hai nước phối hợp hành động chủ yếu tại Trung Á và trong khuôn khổ Tổ chức hợp tác Thượng Hải. Hai nước tiến hành chính sách đối ngoại nhưng không chú ý phối hợp tại hướng đông - nam, dọc theo vòng cung bất ổn Đông Á thuộc biên giới của Nga và Trung Quốc.
Như vậy, vòng cung bất ổn Đông Á phản ánh những tuyến hay “phao tiêu” đã được hình thành trong lịch sử. Nếu chủ thể địa chính trị nào dám vượt qua “đường đỏ” đều bị xem là đối thủ và ngay lập tức hứng chịu sự phản đối. Hiển nhiên, một bên là việc tăng cường vị thế kinh tế và chính trị của Trung Quốc. Bên khác là nỗ lực của Mỹ cố duy trì ảnh hưởng tại khu vực này sẽ tạo nên một áp lực lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc gia tăng áp lực từ bên ngoài (Mỹ) và bên trong (Trung Quốc) lên khu vực cũng đang đẩy mạnh những tranh chấp lãnh thổ. Những nguy cơ bất ổn chính của khu vực Đông Á là do áp lực ngày càng tăng của Bắc Kinh tại hướng nam và của Washington ở hướng bắc. Cả hai trung tâm sức mạnh ở những mức độ khác nhau đều cố lôi kéo các đồng minh trong khu vực.
Vai trò Việt Nam
Từ nửa sau thế kỷ 19 và hầu như suốt cả thế kỷ 20 tại khu vực này, luôn diễn ra các cuộc chạy đua tranh thủ. Điều này chủ yếu liên quan đến vị trí địa chính trị của Việt Nam trong khu vực. Những nỗ lực xây dựng hệ thống an ninh khu vực mà thiếu sự tham gia của Việt Nam sẽ đều không thể thành công, số phận của khối SEATO (*) là một ví dụ chứng minh điều này. Từ đó có thể rút ra kết luận quan trọng mà đại diện nhiều cường quốc đã nhận ra là nếu không có sự ủng hộ của Việt Nam thì chẳng thể kiểm soát nguồn lực Đông Nam Á. Việt Nam đóng vai trò then chốt trong việc ngăn chặn hoặc làm gia tăng sự bành trướng chiến lược của Trung Quốc tại hướng nam. Vì thế, các cường quốc đều muốn có sự ủng hộ của Việt Nam.



“... nhiều cường quốc đã nhận ra là nếu không có sự ủng hộ của Việt Nam thì chẳng thể kiểm soát nguồn lực Đông Nam Á”


GS-TSKH
Kolotov Vladimir Nikolaevich

Tình trạng này tạo ra áp lực về đối ngoại cho Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng như thế cũng chẳng có gì mới đối với Việt Nam, vốn có nhiều kinh nghiệm biết cách đối xử linh hoạt với các cường quốc. Đồng thời, đất nước này còn nổi tiếng vì có truyền thống đấu tranh bảo vệ chủ quyền đến cùng trước mỗi cuộc ngoại xâm. Việt Nam là quốc gia buộc lực lượng ngoại xâm phải chấp nhận luật chơi: “Bước chân vào mất một đồng, ra khỏi mất hai đồng”.
Hiện tại, Mỹ đang củng cố vị thế của nước này tại đây khi Washington thông qua chính sách “Trở lại châu Á”. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gần đây thực hiện chuyến công du đến các nước trong khu vực. Theo nhiều chính trị gia, chuyến công du là nỗ lực kiềm chế Trung Quốc nhằm đáp lại việc Bắc Kinh gia tăng áp lực lên Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác tại biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc đang trỗi dậy và gia tăng áp lực xuống phía nam. Lịch sử đã nhắc nhở rằng: “Sự trỗi dậy của Trung Quốc luôn là nguy cơ đối với an ninh của Việt Nam”. Lịch sử cũng nhắc nhở Việt Nam cần thận trọng, đặc biệt đối với chiến lược “tằm ăn dâu” của Trung Quốc.
Nhiều bất ổn
Khi phân tích những yêu sách lãnh thổ hiện nay của Trung Quốc tại biển Đông có thể đưa ra nhận xét: Trung Quốc quá tự tin tại biển Đông nên đang tăng cường áp lực đối với Việt Nam. Việt Nam lựa chọn chiến lược khiến Trung Quốc hiểu rằng: Việc gia tăng áp lực đối với Việt Nam hoàn toàn phản tác dụng. Trung Quốc càng đơn phương áp đặt quyền kiểm soát biển Đông bao nhiêu, thì phản ứng quốc tế càng mạnh bấy nhiêu. Đồng thời, Washington càng tăng ảnh hưởng tại “sườn” Hoa Nam của Trung Quốc. Vì thế, tương lai của toàn bộ kế hoạch chung của Bắc Kinh tại biển Đông lẫn Đông Nam Á càng khó khăn hơn.
Mặt khác, nếu phân tích sâu hơn tình hình trong khu vực, đặc biệt tình hình tại Trung Quốc, thì chúng ta có thể rút ra kết luận rằng: Xung quanh Trung Quốc có nhiều điểm nóng tiềm năng và những điểm nóng này có thể sẽ gia tăng nếu Bắc Kinh bắt đầu thay đổi không gian xung quanh lãnh thổ của mình. Trước hết là không gian ở phía nam. Trung Quốc chỉ có một biên giới yên bình là mạn bắc với Liên bang Nga.
Hiện tại, không chỉ có Việt Nam mà toàn bộ Đông Nam Á đang là mục tiêu mà cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều muốn tranh thủ. Theo đó, Washington cũng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các sự kiện diễn ra trong khu vực. Năm 2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhấn mạnh rằng: “Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện tại châu Á - Thái Bình Dương và việc cắt giảm ngân sách sẽ không ảnh hưởng tới những chi phí tại khu vực rất quan trọng này”. Thời gian gần đây xuất hiện thông tin về những kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. Quyết định này gây ra cuộc chạy đua vũ trang ngày một tăng tại Đông Á.
Cuối cùng, tình hình khu vực có thể được đánh giá như sau: Cuộc đấu tranh giành giật nguồn tài nguyên mỗi năm một gia tăng và các đối thủ chính của cuộc chơi tăng cường tác động chính trị lên nhau. Ngoài ra, cũng phải kể đến nguy cơ của các cuộc xung đột vũ trang từ Bắc Phi đến Đông Nam Á cũng ngày một gia tăng. Đồng thời, một cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra tại Đông Á.  

Ảnh: Nhân vật cung cấp
GS-TSKH Kolotov Vladimir Nikolaevich (ảnh), 43 tuổi, sinh tại Leningrad, nay là St.Petersburg, Liên bang Nga. Ông hiện là Giám đốc Viện Hồ Chí Minh tại Trường đại học Tổng hợp quốc gia St.Petersburg, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt vùng St.Petersburg, đại diện ngành Việt Nam học Liên bang Nga tại Hiệp hội Châu Âu nghiên cứu Việt Nam (EuroViet), đại diện ngành Đông phương học Nga tại Hiệp hội Châu Âu nghiên cứu Đông Nam Á. Ông còn là thành viên của nhiều Hội đồng khoa học, Ủy ban, Hội đồng Hợp tác an ninh của Nga tại vùng châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2012, GS Kolotov được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị.

GS-TSKH Kolotov Vladimir Nikolaevich (TNO)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét