Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012


 07:42

 Vẫn tư duy “công quyền” chứ không phải “công bộc”*


Chuyện cơ chế, chính sách bộc lộ bất cập khi triển khai trong thực tế không hiếm. Nhưng biết trước "có những điều chưa hợp lý", đặc biệt "những điều chưa hợp lý" này ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp mà vẫn cố tình áp dụng là điều không thể chấp nhận.

Ấy vậy mà việc này lại diễn ra công khai, thậm chí được chính lãnh đạo của cơ quan xây dựng và thực hiện chính sách thừa nhận.
Cụ thể, tại hội nghị triển khai thu phí bảo trì đường bộ tổ chức ngày 19.12 tại TP.HCM, trước những phân tích của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề về sự bất hợp lý trong việc lựa chọn phương án thu, cách thu, thời điểm thu..., Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường trả lời: "Tất nhiên có những điều chưa hợp lý. Sau 3 tháng, 6 tháng cho đến 1 năm thực hiện... sẽ chỉnh sửa bổ sung".
Điều đó cho thấy Bộ này biết rõ những bất hợp lý nhưng cứ thu tiền trước, mọi chuyện khác tính sau. Đáng nói hơn là, qua giải thích của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, dư luận mới ngã ngửa, lý do Bộ này không chọn phương án thu qua xăng dầu, phương án được đánh giá là tối ưu nhất chỉ vì gây vất vả cho cơ quan quản lý trong việc trả lại tiền cho các phương tiện không sử dụng đường bộ và khó trích ra khi phí này "hòa vào ngân sách". Vì thế, họ đã chọn phương án thu qua đầu phương tiện dù bất công (xe đi nhiều, đi ít cũng đóng như nhau), dù phí chồng phí (đã bị thu qua trạm thu phí); dù thiệt thòi cho dân chúng và doanh nghiệp (phải đóng phí trước cả năm).
Không chỉ đẩy khó cho dân trong việc chọn phương án thu thuận tiện, nhẹ nhàng cho mình như nói trên, quy định đóng phí trước cả năm còn chiếm dụng vốn của người dân, doanh nghiệp trong khi bản thân cơ quan quản lý chưa làm hết trách nhiệm của mình. Bởi theo Bộ GTVT, lý do thu phí gấp là do đường sá xuống cấp trong khi ngân sách chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu bảo trì. Nhưng trên thực tế, rất nhiều con đường được đầu tư xây dựng với kinh phí hàng trăm tỉ đồng; cả những tuyến đường huyết mạch, đường cao tốc có kinh phí xây dựng đến hàng trăm triệu USD nhưng chỉ sau vài tháng sử dụng đã… lún, nứt. Thậm chí, có những con đường chưa bàn giao, chưa đưa vào sử dụng đã xuống cấp, rồi lại đổ tiền vào cải tạo, rồi lại xuống cấp. Nếu cứ tiếp tục tình trạng làm đường kiểu này, có thể khẳng định, không có ngân sách, không có phí nào có thể cáng đáng nổi. Vậy thì trước khi thu phí của người dân, doanh nghiệp, Bộ GTVT và các đơn vị có liên quan phải làm tròn trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm chất lượng xây dựng, quản lý, giám sát đường sá chứ không chỉ chăm chăm thu phí của dân như cách làm hiện nay.
Đó là chưa kể, trong bối cảnh sức cầu yếu, tồn kho cao của nền kinh tế hiện nay, việc thu phí bảo trì đường bộ sẽ là "được con tép, mất con tôm". Bởi tăng phí, doanh nghiệp vận tải sẽ tăng cước, giá thành sản phẩm tăng theo, sức mua bị kéo xuống, bài toán giải quyết tồn kho càng bế tắc. Quan trọng hơn, đừng để mục tiêu "mọi quyết định của cơ quan nhà nước phải mang lại quyền lợi, sự thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đối tượng thụ hưởng chính sách" như chúng ta thường nói trở thành khẩu hiệu suông.
(Theo Thanh niên)  Nguyên Khanh
* Từ 01/01/2013 sẽ rất nhiều doanh nghiệp, người dân “được” đóng thuế 2 lần cho phương tiện của mình bởi mới chỉ có 13 trên 56 trạm thu phí của Nhà nước phải đóng cửa. Như vậy 43 trạm thu phí Nhà nước cộng với các trạm thu BOT, trạm thu đã bán quyền thu cho tư nhân vẫn thu phí bình thường (và dự kiến tăng giá 1.5-3,5 lần).
Theo ông Trường, thu phí qua xăng dầu thì tiền phí sẽ “hòa vào ngân sách”, khó rút ra chi tiêu! Không biết theo quan niệm của vị quan chức này, phí bảo trì có phải là ngân sách Nhà nước không?
Mong rằng, từ 01/01/2013, tiền phí-những giọt mồ hôi, nước mắt của người dân sẽ “trám kín” những hư hỏng, thất thoát của hệ thống giao thông Việt Nam. Những con đường “làm xong sẽ hỏng” từ đây làm xong sẽ có quỹ bảo trì gánh chịu!
Một chính sách với bất cập, bất hợp lý, không công bằng, không hợp tình nhưng vẫn thực hiện bằng được chỉ vì nó tiện và lợi cho cơ quan quản lý. Đúng là bây giờ chỉ còn tư duy “công quyền”, không còn khái niệm “công bộc”!
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét