Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

18:57
“Hậu” tái cơ cấu Vinashin nhìn từ vụ người lao động kiện đòi trợ cấp
SGTT.VN - Phải nghỉ việc vì “môi trường làm việc không phù hợp”, ông Lê Văn Thuyến, người chủ trì viết các đề án phát triển Vinashin, đề án xin cơ chế vay tiền ưu đãi trả nợ lương, bảo hiểm xã hội cho người lao động khi Vinashin tái cơ cấu… mới đây buộc phải “đáo tụng đình” để đòi tiền trợ cấp sau khi chấm dứt hợp đồng lao động tại đơn vị này.


Ông Thuyến từng có thời gian 16 năm làm việc tại nhà máy đóng tàu Bạch Đằng thuộc Vinashin sau đó chuyển lên tập đoàn. Ảnh: TL
Sự việc hy hữu này là minh chứng sống động cho thấy “hậu” tái cơ cấu, “con tàu Vinashin” đang có quá nhiều rối ren và lại cần phải được “tái cơ cấu” lần 2 với những phương án hiệu quả hơn.
Tòa án nhân dân quận Ba Đình, Hà Nội vừa đưa ra xét xử vụ án lao động về việc “trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động” giữa nguyên đơn là ông Lê Văn Thuyến, sinh năm 1961 và bị đơn là tập đoàn Vinashin.
Ông Lê Văn Thuyến đã có thâm niên công tác gần 30 năm trong ngành đóng tàu, trong đó thời gian công tác tại Vinashin là gần 16 năm. Ông Thuyến từng giữ cương vị tham mưu cho lãnh đạo Vinashin, là trưởng ban đổi mới doanh nghiệp. Đặc biệt, ông cũng là người chắp bút viết hàng loạt các đề án của Vinashin như đề án phát triển Vinashin đến năm 2010, đề án chuyển mô hình hoạt động Vinashin sang mô hình công ty mẹ - công ty con năm 2003, đề án xin cơ chế vay tiền ưu đãi trả nợ lương, bảo hiểm xã hội cho người lao động khi tái cơ cấu Vinashin…
Tại tòa, ông Thuyến trình bày, sau khi tái cơ cấu Vinashin, lãnh đạo mới từ nơi khác về điều hành đã “thay máu” toàn bộ, bao gồm cả việc xáo trộn nhân sự. Ông Thuyến đang ở vị trí công tác liên quan đến nhân sự bị thuyên chuyển sang vị trí khác không phù hợp với chuyên môn được đào tạo dẫn tới hiệu quả công việc không được phát huy. Mỏi mòn trong vị trí mới, ông Thuyến đã quyết định xin chấm dứt hợp đồng lao động vào tháng 8.2011.
Ngày 12.10.2011 Tập đoàn Vinashin đã có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với ông Thuyến và sau đó chi trả trợ cấp thôi việc cho ông với thời gian là 10 năm 6 tháng, trong khi tổng thời gian ông làm việc tại Vinashin là 29 năm.
Nhận thấy việc chi trả trợ cấp không đúng các quy định của pháp luật, ông Thuyến đã tiến hành khởi kiện tập đoàn Vinashin, yêu cầu Vinashin phải chi trả trợ cấp cho ông trong thời gian 16 năm còn lại.
Trước tòa, đại diện Vinashin trình bày, ông Thuyến có 16 năm công tác tại nhà máy đóng tàu Bạch Đằng trước khi chuyển lên tập đoàn vì vậy nhà máy đóng tàu Bạch Đằng mới là nơi phải có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho ông Thuyến.
Hội đồng xét xử nhận định, ông Thuyến làm việc tại nhà máy đóng tàu Bạch Đằng thuộc Vinashin sau đó chuyển lên tập đoàn. Trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho ông Thuyến thuộc về tập đoàn Vinashin (theo quy định tại Điều 42, Bộ Luật lao động và điểm c, khoản 3, Điều 14, Nghị định 44/2003/NĐ-CP quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về hợp đồng lao động).
Hội đồng xét xử quyết định: buộc tập đoàn Vinashin trả trợ cấp thôi việc cho ông Lê Văn Thuyến. Tổng công ty Bạch Đằng có trách nhiệm chuyển trả cho tập đoàn Vinashin số tiền tập đoàn đã trả cho ông Thuyến.
Ông Thuyến đã thắng kiện.
Nhưng cùng với việc thắng kiện, sự ra đi của một cán bộ gạo cội với lý do “môi trường làm việc không phù hợp” rồi lại phải “đáo tụng đình” để được chi trả vài đồng trợ cấp là một bài học thực sự xót xa.
Nó làm cho dư luận phải bật lên câu hỏi phải chăng sau hơn 2 năm “thay máu”, con tàu Vinashin vẫn còn quá nhiều rối ren nhất là câu chuyện nhân sự và chính sách “dụng nhân tài”, “dụng con người”?
Được biết, Chính phủ đã sớm nhìn thấy những bất cập này và việc tái cơ cấu Vinashin lần thứ 2 đang được thực hiện với những quyết sách quyết liệt hơn. Vinashin đang cần thêm “thuyền trưởng mới”, một vị thuyền trưởng hiểu rõ nhất những vấn đề nội tại của Vinashin, biết “định vị” để đưa con tàu Vinashin về một bến đỗ an toàn.
(Theo Sài Gòn tiếp thị) QUẾ HÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét