Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

12:34
 Hà Nội 12 ngày đêm - Bản Anh hùng ca Máu và Hoa:
Hà Nội đau thương

Cha khóc con bằng máu trái tim/ Sao nó lại giết con/ Hà ơi! Sao thế?Dấu hỏi lớn xoáy vào lòng cha, đau xé!” Đó là những lời thống thiết trong bài thơ khóc con của ông Đặng Văn Phúc - bố em Đặng Thị Hà (16 tuổi, học sinh lớp 10 ở Gia Lâm) bị bom Mỹ giết hại ngay trong đêm 18-12-1972, đêm đầu tiên máy bay B-52 đánh phá, hòng đưa Hà Nội về "thời kỳ đồ đá”. 


Bệnh viện Bạch Mai bị bom B52 Mỹ hủy diệt 
ảnh: Tư Liệu 
 Cho đến nay, bài thơ khóc con của ông Đặng Văn Phúc đã trở thành bản cáo trạng dành cho Níchxơn - kẻ đích thân ra lệnh tiến hành cuộc ném bom lớn nhất xuống các mục tiêu ở Hà Nội, Hải Phòng, hòng đem ưu thế của sức mạnh không quân, giội đau thương tang tóc lên đầu biết bao người dân vô tội của một dân tộc anh hùng.

Từ đêm 18-12-1972, đế quốc Mỹ bắt đầu tiến hành cuộc ném bom hủy diệt vô cùng man rợ bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi khác trên miền Bắc nước ta. Hà Nội - trái tim của cả nước suýt bị biến thành một "Hirôsima không cần bom nguyên tử”. Chỉ trong đêm 26-12-1972, tốp B52 đã rải gần 90 tấn bom xuống Khâm Thiên - một trong những khu phố sầm uất và trù phú nhất Hà Nội - biến nơi đây thành bình địa dài hàng kilômét khiến 2.265 ngôi nhà bị phá sập, 287 người chết và 290 người bị thương, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Trong nháy mắt, nhà trẻ, trạm y tế, cửa hàng lương thực, đình Tương Thuận và nhà hàng ngàn hộ dân đã bị bom B52 tàn phá thành đống tro tàn và những "ngôi mộ phố”.
Sau ngày Mỹ ngừng ném bom Miền Bắc, ông Romesh Chandra - Tổng Thư ký Hội đồng Hòa bình thế giới đã đến thăm Việt Nam. Chứng kiến cảnh tượng hoang tàn của bệnh viện Bạch Mai, ông Romesh Chandra đã phát biểu: "Chúng ta bày tỏ lòng biết ơn của chúng ta về những gì mà họ đã cống hiến cho thế giới. Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã trở thành cuộc chiến tranh mới trong lịch sử, trong từ điển của tất cả các thứ tiếng và nó có nghĩa là lòng dũng cảm vô song, lòng quyết tâm và chủ quyền của một dân tộc…”.

Nữ diễn viên điện ảnh Hollywood Jane Fonda (người đoạt giải Oscar 1971) đã từng khóc như mưa trước tội ác của Mỹ ở Việt Nam: "Tôi đau cho nỗi đau mất mát của nhân dân Việt Nam, cho nỗi đau mất mát của chính đất nước tôi, một nước tự cho là văn minh giờ đây có nguy cơ trở lại thời kỳ hoang dã
Văn Úc (TH)
Có mặt tại Khâm Thiên vào buổi chiều hôm sau (19-12), đại tá Lưu Trọng Lân - khi đó là Phó Trưởng Phòng Tác huấn, Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân kể rằng: Ở phía ngoài, con đường lớn chỉ bị nứt nẻ vài đoạn với ba căn nhà bị sập. Nhưng ở bên trong, đằng sau dãy phố chính ấy là cả một vùng trải dài hàng cây số đổ nát tan hoang. Những hình ảnh thương đau đập vào mắt tôi, nhức nhối. Khu phố đông dân gốm phần lớn là nhà ở của bà con lao động nghèo, đã bị một loạt bom rải thảm của B52 Mỹ biến thành bình địa. Hố bom chi chít, cùng với gỗ, đá, gạch, ngói vụn nát ngổn ngang. Một cụ già tóc bạc trắng, hai tay ôm đầu, ngồi yên lặng trước ngôi nhà thân yêu, kết quả của một đời chắt chiu, dành dụm, giờ dây chỉ còn mấy cây cột gãy đổ. Một bà mẹ, đôi mắt mọng sưng, lôi ra từ trong đống đổ nát những vật kỷ niệm còn sót lại của đứa con trai vừa bị bom Mỹ cướp đi mạng sống. Trong khói lửa chưa tan, nhiều nhóm người hối hả đào bới, tìm kiếm thi thể người thân. Đây đó vang lên những tiếng than khóc não ruột, xé lòng.

Căn nhà số 22 Khâm Thiên bị biến thành một hố sâu, không còn gì hết ngoài một tập sách cháy dở và một vài mảnh áo bông thấm máu của hai chị em Lan và Phượng - 2 nữ sinh viên ở lại Hà Nội khi cả gia đình đã đi sơ tán.

Gia đình ông Đoan (số 49 Khâm Thiên) có 4 người, khi bom B52 nổ, ông bà bị chết vùi ngay dưới chân cầu thang. Hai cô con gái của ông bà kịp chạy xuống hầm, nhưng cửa hầm sập và một ống nước gần đó bị vỡ. Nước tuôn như xối vào căn hầm nhỏ. Hai chị em thét lên kinh hãi và bằng đôi tay nhỏ yếu của mình, cuống cuồng đào bới. Nhưng khối nước vô tình cứ dâng lên, dâng lên mãi cho đến khi toàn bộ căn hầm bị nước ngập đầy.

Ở ngôi nhà số 47 Khâm Thiên, có hai mẹ con không may bị sức ép của bom B52 cướp đi sinh mạng. Người mẹ ấy đã chết nhưng vẫn giữ nguyên tư thế đứng ôm chặt đứa con, che chở cho con. Và người con của bà tuy không còn sống nhưng tấm thân còn mềm, cánh tay vẫn bám chặt vào chân mẹ như muốn bấu víu vào cuộc sống mỏng manh. Đó là nguyên mẫu của "Tượng Khâm Thiên” của họa sĩ Nguyễn Tự được đặt tại khu tưởng niệm Khâm Thiên, nơi trước đó có ba ngôi nhà số 47, 49 và 51 bị bom Mỹ phá hủy hoàn toàn.

Những chùm bom ác nghiệt không chỉ gieo tai ương thảm khốc xuống "phố vắng 3 số nhà” Khâm Thiên mà còn xuống các khu dân cư yên lành như Yên Viên, Gia Lâm, Uy Nỗ... và Bệnh viện Bạch Mai. Ở thôn Gia Thụy (Gia Lâm) có gia đình bác Hiển, chỉ trong một trận bom, cả nhà có 10 người thì có tới 9 người thiệt mạng. Gia đình bác Quốc bị một quả bom cướp đi sinh mạng của bà mẹ già cùng đàn cháu thơ.

Xót xa nhất là câu chuyện ở thị trấn Yên Viên. Bom B52 đã biến một chiếc xe ca đang chở khách thành một đống sắt bẹp dúm. Những người chết và bị thương nặng lần lượt được đưa ra khỏi xe. Chỉ còn một cô gái trẻ bị thương ở cánh tay, máu chảy lênh láng, trong khi đôi chân thì bị kẹp cứng giữa hai chân ghế, không sao rút ra được. Nhiều chiến sĩ công an, dân phòng đã tìm mọi cách nhưng lực bất tòng tâm, vẫn không thể cứu được cô gái. Để rồi, giữa cảnh đêm khuya rùng rợn ấy, tiếng kêu la đau đớn, tuyệt vọng của cô gái trẻ còn kẹt lại trong xe, cứ vang lên não nuột từng hồi cho đến khi hoàn toàn lịm tắt.

Trước đó 4 hôm, đêm 21 rạng sáng 22-12-1972, hơn 100 quả bom từ máy bay B52 của không quân Mỹ được ném xuống bệnh viện Bạch Mai làm 28 y, bác sĩ của bệnh viện thiệt mạng. GS Đỗ Doãn Đại - Giám đốc bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 1969 - 1982 cho biết: Toàn bộ Bệnh viện Bạch Mai như một bãi hoang tàn. Nhà sập, cây đổ, gạch nát, nhiều người đã phải hy sinh. Tòa nhà chính của bệnh viện đổ sập, đè lên những căn hầm, trong đó có rất nhiều bệnh nhân và nhân viên y tế đang ẩn nấp. Ban lãnh đạo bệnh viện đã làm đủ mọi cách mà đành bất lực. Không có chiếc xe cẩu nào đủ sức nhấc nổi khối bê tông và gạch đá khổng lồ ấy. Tiếng kêu khóc từ trong lòng đất vang lên yếu ớt, nghe như từ cõi xa xăm vọng về. Các bác sĩ, y tá đã phải dùng những ống cao su nhỏ, luồn qua những khe nứt để bơm sữa xuống cho những người bị nạn. Sau đó nhiều người đã chết vì ngạt, vì đói hoặc vì chấn thương. 

Tại Khu nhà B, các mảng bê tông chặn cửa xuống hầm, các y, bác sĩ của khoa Da liễu bị kẹt bên trong. Có những lối vào hầm quá nhỏ hẹp, các bác sĩ phải bò vào hầm để xem xét tình hình. Ở đoạn đầu ngách hầm một tấm bê tông đè chết hộ lý Hoàn Kim Thoa (39 tuổi). Thi thể của chị chắn ngang lối vào hầm, những người bị kẹt trong hầm kêu gào: "Các anh ơi, cứu chúng em với, cứu chúng em với”. Để nhanh chóng cứu được những người phía trong, các bác sĩ và những cứu hộ đành nén đau thương chọn phương sách cắt thi thể người hộ lý làm ba phần rồi dùng dây thừng kéo ra ngoài sau đó khâu lại. Cô Đỗ Thị Thanh Nhàn, điều dưỡng ở khoa Nhi cho biết: Trong số các nạn nhân còn có chị Diên đang mang bầu ba tháng, em Liên, em Thạch mới có người yêu. Đêm ấy, em của Liên vào bệnh viện cùng chị và cũng gặp nạn”. Tất cả những thi thể tìm thấy được đặt cạnh nhau trên cáng và chuyển xuống nhà xác để khâm liệm. Lễ khâm liệm cũng diễn ra đơn giản, chóng vánh vì lo sợ sẽ lại có những đợt đánh bom mới. 

Đại tá Lưu Trọng Lân cho biết: Có một câu chuyện đau lòng mà báo chí hồi đó đã đưa tin. Một đôi trai gái, đều là bác sĩ của bệnh viện Bạch Mai, đã chuẩn bị ngày hôn lễ. Thiếp mời dự tiệc cưới đã gửi đến tất cả bè bạn. Vậy mà, đêm nay, những quả bom độc ác của Nichxơn đã cướp đi mạng sống và hạnh phúc của hai người.

Và còn biết bao chuyện thương tâm khác nữa. Nhưng, trái ngược với ý đồ đen tối của đế quốc Mỹ, cầm đầu là "kẻ mất trí” R.Nixon, những tổn thất, thương vong lớn về sinh mạng không hề làm cho tinh thần dân ta khiếp đảm, lòng dân ta hoang mang, nao núng, mà chỉ làm tăng thêm lòng căm thù và quyết tâm chiến đấu của quân dân ta mà thôi. Không chỉ có "Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ” mà tấm "Bia căm thù” đã được dựng lên trong tâm trí hơn 30 triệu con dân đất Việt đương thời. Thực tế diễn ra trong chiến dịch 12 ngày đêm đã chứng minh điều đó.
(Theo Đại đoàn kết) Ngô Quang Chính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét