12:01
Lãi suất
và sự im lặng của Ngân hàng Nhà nước
► Đã hai tuần kể từ khi thông tin dự tính Ngân hàng Nhà
nước giảm lãi suất xuất hiện rầm rộ...
Chính phủ
có thông cáo nêu định hướng. Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) kiến
nghị và lãnh đạo phụ trách cho là chắc chắn. Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính
phủ cũng đã nêu các cơ sở để hạ lãi suất.
Còn Ngân hàng Nhà nước vẫn đang im lặng. Hai tuần trước, Chính phủ ra thông cáo về phiên họp thường kỳ tháng 11/2012, trong đó nêu định hướng “xem xét việc áp dụng trần lãi suất cho vay và giảm lãi suất cho vay giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn”. Trong báo cáo tình hình kinh tế tháng 11 và 11 tháng năm 2012, NFSC kiến nghị “mạnh dạn hạ lãi suất huy động và lãi suất cơ bản khoảng 1% so với lãi suất quy định hiện nay, đồng thời khống chế trần lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh”. Phát biểu với báo giới, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch NFSC, nhấn mạnh rằng: “Xu hướng giảm lãi suất là chắc chắn. Ngân hàng Nhà nước sẽ căn cứ điều kiện cụ thể để quyết định thời điểm giảm. Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố, muốn hỗ trợ doanh nghiệp, phải mở rộng thị trường tiêu thụ và giảm chi phí, tức là phải giảm lãi suất”. Phát biểu tại một hội thảo ngày 30/11/2012, ông Phạm Viết Muôn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng có nhiều cơ sở để hạ lãi suất trong bối cảnh CPI đi xuống như những tháng vừa qua, cũng như gợi mở ngay tuần đầu tháng 12/2012 Chính phủ sẽ họp bàn để điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm. Xuyên suốt chuỗi thông tin đó cho đến nay, cơ quan trực tiếp điều hành lãi suất là Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa đưa ra ý kiến chính thức nào. Về xu hướng, có chăng là dự tính của Thống đốc Nguyễn Văn Bình từ hồi tháng 7/2012, tại cuộc đối thoại với doanh nghiệp, nếu lạm phát cả năm nay được khống chế ở khoảng 7% thì lãi suất huy động VND có thể giảm tiếp xuống còn 8%/năm. Liên tiếp và dồn dập các thông tin định hướng, kiến nghị và gần như khẳng định như vậy, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang im lặng. Liệu có phải cơ quan này thiếu độc lập và thiếu chủ động trong điều hành lãi suất với bối cảnh trên? Dĩ nhiên, nhà điều hành chính sách tiền tệ đã cùng tham gia họp bàn, có tiếng nói của mình trong các quyết sách thuộc lĩnh vực. Nhưng ít nhất, họ đang thiếu chủ động về thông tin. Có thể, Ngân hàng Nhà nước đang chờ đợi dữ liệu CPI tháng 12 và cả năm để đi đến quyết định cuối cùng (?). Nhưng, giả thiết và chỉ là giả thiết, nếu Ngân hàng Nhà nước chưa muốn giảm lãi suất thời điểm này thì sao? Bởi họ phải cân nhắc, tính toán và phải dự báo trên cơ sở thực tế hoạt động của hệ thống, gắn với yếu tố thời điểm. Thanh khoản hệ thống hiện tương đối tốt nhưng theo Thống đốc nói trước Quốc hội vừa qua là vẫn bấp bênh và chưa bền vững. Lạm phát đã giảm, vốn huy động tăng trưởng cao nhưng hệ thống đang bước vào mùa cao điểm cuối năm. Và dòng tiền gửi luôn nhạy cảm với các điều chỉnh lãi suất. Tính đến ngày 20/11/2012, tổng số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đã tăng 15,98% so với cuối năm 2011. Song, mùa cao điểm chi trả cuối 2012 đầu 2013 có thể sẽ hạn chế sự thuận lợi đó; thanh khoản hệ thống sắp tới vẫn phải dè chừng. Thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn thường chịu áp lực từ các kênh đầu tư khác. Tiền gửi tăng mạnh năm nay một phần phản ánh sự bế tắc trong đầu tư sản xuất kinh doanh, ở kênh chứng khoán, vàng, bất động sản, ngoại tệ… Một sự hồi phục và sôi động nếu được gợi mở đều có thể nhanh chóng lôi kéo dòng vốn trú ẩn ra khỏi ngân hàng và khiến việc hạ lãi suất huy động trở nên “việt vị”. Ở một mối quan hệ khác, dư địa để thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa VND với USD sẽ càng hạn hẹp. Chênh lệch bớt hấp dẫn có thể tác động đến tỷ giá USD/VND - một trong những điểm lo ngại nhất vài năm về trước. Trong khi đó, có quan điểm cho rằng không nhất thiết phải định hướng, đề nghị hay yêu cầu Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất huy động để tạo cơ sở hạ lãi suất cho vay. Thay vào đó, nhiệm vụ mặc nhiên của cơ quan này là điều tiết quy mô vốn trong hệ thống, qua đó gián tiếp tác động đến lãi suất. Đó mới là sự chủ động thực sự, lãi suất cũng sẽ mang nhiều hơi thở của thị trường hơn. Như những ngày qua, vốn khả dụng dư thừa, đầu ra khó khăn, nhiều ngân hàng thương mại đã chủ động giảm lãi suất ở các kỳ hạn dài chứ không cần sự can thiệp hành chính hay kiến nghị nào đó. Diễn biến này do cung - cầu tác động, gắn với quy mô vốn mà Ngân hàng Nhà nước điều tiết. Trạng thái vốn hiện nay mà Ngân hàng Nhà nước đang điều tiết là một cơ sở để tạo khả năng lãi suất tiếp tục “tự” giảm. Vốn huy động tăng cao, tín dụng tăng trưởng cả năm rất thấp, các địa chỉ tài sản đầu tư hạn chế…; bí đầu ra, vốn dồn lại thì phản ứng thường thấy là các ngân hàng giảm lãi suất. Nhưng, hướng vận động trên đã bị hạn chế. Sự điều tiết của Ngân hàng Nhà nước theo đó dường như bị thụ động. Bởi trước trạng thái vốn khả dụng dư thừa, trái phiếu Chính phủ lại được đà phát hành dồn dập. Các nhà băng lại có một đầu ra, nhồi mạnh vốn vào kênh này thay vì tập trung cho tín dụng. Nếu chỉ tập trung cho tín dụng, cung vốn lớn thì lãi suất sẽ giảm, cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận vốn sẽ mở rộng hơn. Dĩ nhiên vốn chảy vào trái phiếu cũng là một cách cho vay gián tiếp, tạo nguồn thúc đẩy đầu tư công. Song, hiệu quả đầu tư công so với tín dụng cho doanh nghiệp như thế nào là một tham chiếu. Còn khi phải đẩy nhiều vốn vào kênh trái phiếu mà không thúc đẩy được tín dụng thì các ngân hàng thương mại chưa làm tốt vai trò, nhiệm vụ trung gian dẫn vốn, dù nguyên nhân không hẳn chỉ từ họ.
(Theo VnEconomy) MINH ĐỨC
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét