Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

 09:06

 Rối bời trước ngày thu phí



Đại diện các sở GTVT và hiệp hội vận tải ô tô “kêu” còn nhiều bất hợp lý trong chính sách thu phí bảo trì đường bộ nhưng Bộ GTVT khẳng định vẫn thực hiện từ ngày 1-1-2013


Ngày 17-12, Bộ GTVT đã tổ chức họp triển khai thực hiện thu phí bảo trì đường bộ (BTĐB) với đại diện các sở GTVT phía Bắc, hiệp hội vận tải và đơn vị liên quan. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết đã nhận được nhiều kiến nghị của các hiệp hội vận tải đề nghị Chính phủ lùi tiếp thời điểm thu phí BTĐB thêm 6 tháng nữa. Tuy nhiên, sẽ không có chuyện lùi thêm một lần nữa bởi Chính phủ đã từng cho lùi 6 tháng so với quy định.

Sát ngày thu vẫn nhì nhằng

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết trong suốt quá trình xây dựng các văn bản liên quan đến việc thu phí BTĐB, hiệp hội đều có văn bản tham gia đóng góp ý kiến. “Chúng tôi đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp vận tải ô tô - đối tượng chính và chịu ảnh hưởng trực tiếp - đóng góp ý kiến về những bất hợp lý trong đề án thu phí này nhưng lại không được Bộ GTVT và Bộ Tài chính chấp nhận.

Việc thu phí qua đầu phương tiện khiến xe đi ít, đi nhiều hoặc không đi mấy trên đường bộ cũng phải đóng phí như nhau sẽ gia tăng bức xúc trong dư luận so với việc thu phí qua xăng dầu. Hơn nữa, đã thu phí đối với đầu kéo lại thu phí với cả rơ-moóc thì có phải một chiếc xe đã bị phí đè phí hay không?”.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết trước đây đã thu qua xăng dầu rồi nhưng không thành công do giá xăng dầu thay đổi liên tục; hơn nữa, việc “hòa” phí BTĐB vào giá xăng dầu nộp ngân sách Nhà nước rồi lại trích ra để bảo trì, duy tu đường bộ là hết sức khó khăn, bị động và không công bằng với những đối tượng không sử dụng xăng dầu đi trên đường bộ. 

Có khoảng 16% số xăng và  4% dầu được các phương tiện không đi trên đường bộ tiêu thụ nên việc trích lại rất phức tạp.

“Về lâu dài, chúng tôi sẽ coi phí xăng dầu là phí giao thông như các nước đang làm. Đi nhiều nước, chúng tôi thấy họ đóng phí BTĐB vào xăng dầu và coi đó là phí giao thông nên thực hiện rất đơn giản. Mình chưa làm được điều đó nên trước mắt vẫn phải thu qua đầu phương tiện như New Zealand, Brazil… đang làm” - ông Trường cho hay.

Liên quan đến thắc mắc của đại diện Sở GTVT tỉnh Lào Cai về việc hiệp định đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc quy định không thu phí BTĐB của nhau trong phạm vi nhất định, ông Trường cho biết sẽ họp với cơ quan hải quan, cửa khẩu giáp ranh giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào, Campuchia để xác định việc này. Những xe thường xuyên lưu thông qua lại giữa hai nước sẽ phải đăng ký để không phải đóng phí BTĐB.


Đoạn đường qua xã An Dân, huyện Tuy An - Phú Yên nát bét đang được "bảo trì"
nhưng các phương tiện vận tải qua lại tuyến này không thể không đóng phí. Ảnh: HỒNG ÁNH

Còn tù mù thông tin

Ông Trường cũng nói thêm là sắp tới, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tập huấn cho lực lượng đăng kiểm cả nước thực hiện thu phí đối với ô tô mỗi khi đăng kiểm lại. Tại các địa phương thì HĐND tỉnh, TP sẽ họp và quyết định mức thu đối với xe máy; lực lượng trực tiếp đôn đốc, kiểm tra thu là cán bộ xã, phường, thị trấn và thôn, xóm, khu dân cư.

“Chúng tôi sẽ có văn bản gửi lãnh đạo sở GTVT các địa phương đề nghị thành lập ngay hội đồng quỹ địa phương, có tài khoản riêng để khi có tiền thì đưa vào tài khoản đó; tham mưu cho Sở Tài chính và Sở GTVT quản lý, chi tiền hợp lý, đúng nguyên tắc. Riêng Hội đồng Quỹ Trung ương cũng sẽ có mặt một số thành viên quan trọng, trong đó có đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tham gia giám sát quỹ này cho công khai, minh bạch” - ông Trường nói.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Bộ GTVT cần sớm công bố danh sách các trạm thu phí sẽ bị xóa bỏ để người dân, doanh nghiệp được biết. Hơn nữa, các trạm thu phí BOT đã bán thương quyền thì xử lý thế nào, bởi trong giá phí qua trạm đã có cả tiền BTĐB; nếu tiếp tục để các trạm này thu phí cao như thế, doanh nghiệp và người dân vẫn phải đóng tiếp cả phí BTĐB nữa là không công bằng.

Ông Trường cho biết Bộ GTVT đang rà soát và sẽ gửi danh sách các trạm thu phí dừng hoạt động từ ngày 1-1-2013 tới các địa phương để thông báo cho nhân dân được biết. Tuy nhiên, ngoài trạm thu phí Nhà nước sẽ xóa bỏ thì vẫn tồn tại trạm thu phí BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và trạm thu phí Nhà nước bán quyền thu phí.

Đến nay, Bộ GTVT đã bán 5 trạm thu phí theo hình thức đấu giá để lấy tiền đầu tư cho hạ tầng giao thông nên không thể dừng thu hay giảm phí được. Trong số này, trạm thu lâu nhất  là đến tháng 6-2015 (trạm Bãi Cháy - Quảng Ninh), còn lại đều kết thúc vào năm 2013-2014.

Theo ông Trường, bất cứ một nghị định, thông tư nào tác động tới đại bộ phận người dân chắc chắn sẽ gây ra nhiều ý kiến khác nhau. “Mức phí mà Bộ Tài chính tính toán đã thấp nhất và rất hợp lý rồi. Khi thực hiện, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi trên tinh thần bảo đảm lợi ích cho doanh nghiệp và người dân. Sau 6 tháng thực hiện nếu gặp khó khăn, kinh tế vẫn trì trệ thì việc điều chỉnh có thể sẽ được xem xét” - ông Trường nói.

Không đóng phí, bị phạt nặng

Ông Nguyễn Hồng Trường nói ô tô sẽ đóng phí theo chu kỳ đăng kiểm 3-6-9-12 tháng; doanh nghiệp vận tải có số lượng xe lớn, đóng một lúc tốn kém nhiều tiền thì có thể được xem xét làm hợp đồng cam kết dãn thời gian đóng phí. Để bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả số tiền phí thu được, Bộ Tài chính và Bộ GTVT sẽ ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý và sử dụng Quỹ BTĐB. Theo đó, số tiền phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện tuy nộp vào Quỹ BTĐB nhưng cũng được quản lý, sử dụng chặt chẽ như đối với khoản thu ngân sách Nhà nước và kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước. Những doanh nghiệp chây ì đóng phí BTĐB có thể sẽ bị lực lượng CSGT xử phạt nặng theo quy định (xe máy: 800.000-1,2 triệu đồng; ô tô: 6-10 triệu đồng).

(Theo Người Lao động) ĐỖ DU

Thu thuế đường của 30 triệu dân liệu luôn dễ hơn thu từ nguồn thất thoát mang tên Chuyển Giá:
Thu Quỹ bảo trì đường bộ của hơn 30 triệu chủ xe máy (cứ tạm gọi là hơn 30 triệu dân) cùng lượng đầu phương tiện vận tải sẽ mang lại nguồn thu chừng 6000 tỷ đồng mỗi năm. Đây là nguồn “hy vọng” lớn lao của Bộ GTVT nhằm trám vá, bảo trì những con đường “làm xong sẽ hỏng”, tỷ dụ như tuyến cao tốc HCM-Trung Lương, Cầu Giẽ-Ninh Bình... Có lẽ VN ta cũng là nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nghịch giữa giá thành xây dựng đường giao thông với chất lượng của nó. Cũng như truyền thống vốn có của người Việt từ những năm chiến tranh: “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, dù gì khi Nhà nước đã có chủ trương người dân sẽ chấp hành. Chỉ có điều, người đóng phí sẽ không còn cái khí thế hào hển như gánh thóc nhập kho thuế xưa kia. Không biết sự “bóp bụng” đóng góp giữa lúc kinh tế đình đốn, thu nhập khó khăn này của người dân, doanh nghiệp có bằng một phần nhỏ thất thoát do những Doanh nghiệp Đại gia FDI gây nên mang tên Chuyển Giá? Chỉ giám chắc một điều là thu tiền của người Dân bao giờ cũng dễ hơn thu tiền của các nhà Tư Bản.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét