14:34
GS Hoàng Tụy:
"Giáo dục của
ta đang lạc điệu với thế giới văn minh"
(GDVN) - "Giáo dục đang đi lạc hướng, nếu không có bài thuốc nào chữa
thì có hết cải tiến rồi lại lùi, đổi mới liên tục nhưng vụn vặt, chắp vá, đổi
đi đổi lại chỉ thêm tốn kém tiền của, công sức của dân mà rốt cục lại quay về
điểm xuất phát".
Trước Hội nghị Trung ương lần 6 khóa XI
của Đảng sắp tới bàn về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam, nhiều
trí thức Thủ đô bày tỏ quan điểm riêng của mình cho sự nghiệp giáo dục
nước nhà. Đáng chú ý GS Hoàng Tụy – người dành cả đời cho sự nghiệp giáo dục
cũng phải thốt lên rằng, hiện đất nước đang đứng trước một thực trạng bi đát,
xã hội nhiễu nhương, văn hóa suy đồi… Cuộc sống bức bách như bây giờ đòi hỏi
phải cải cách giáo dục, coi đó là điều kiện sống còn của dân tộc. Cứu nước có
nhiều việc khẩn cấp phải làm, trong đó có chấn hưng giáo dục là một nhiệm vụ
khẩn cấp nhất.
Theo ý của GS
Hoàng Tụy, giáo dục đang đi lạc hướng, nếu không có bài thuốc nào chữa thì có
hết cải tiến rồi lại lùi, đổi mới liên tục nhưng vụn vặt, chắp vá, đổi đi đổi
lại chỉ thêm tốn kém tiền của, công sức của dân mà rốt cuộc lại quay về điểm xuất
phát (điển hình nhất là vòng xoay chống tiêu cực trong thi cử, chống bệnh
thành tích…).
Trong sự nghiệp
giáo dục nước nhà nếu tính khoảng 15 năm nay đã có nhiều người liên tục cảnh
báo: Giáo dục của ta không chỉ lạc hậu mà nguy hiểm hơn đang đi lạc hướng ra
xa con đường chung của nhân loại, đang phát triển lạc điệu với thế giới văn
minh. GS Hoàng Tụy cho biết, đã đi lạc hướng, đã phát triển lạc điệu thì làm
sao có thể đuổi kịp được người ta, cái lý hiển nhiên này ai cũng hiểu.
“Trong thế giới
hiện đại, với xu thế toàn cầu hóa không thể đảo ngược được cái lý trên, nước
nào không hội nhập, không thích nghi được tất sẽ bị cô lập, bị bỏ rơi, chết
lâm sàng rồi từ từ bị đào thải, nếu không sớm tỉnh ngộ”, GS Hoàng Tụy khẳng định.
Cũng theo GS
Hoàng Tụy, nguyên nhân sâu xa của “bước thụt lùi” trong giáo dục là do
“khuyết tật cấu trúc”, lỗi thiết kế
hệ thống của giáo dục, sự lạc hướng, lạc điệu không giống
ai, sự “không giống ai” này đôi khi chúng ta lại tự coi là bản sắc độc đáo để
tự hào và cố gìn giữ. Sự lạc hướng, lạc điệu này nhìn từ gốc vấn đề tức là
triết lý giáo dục, từ tư duy, quan niệm cơ bản về mục tiêu, đường lối, cung
cách làm giáo dục. Nói cách khác, nhà trường không thể chỉ dạy chữ, dạy kiến
thức mà còn phải dạy làm người.
Nhận định về
yếu tố cơ bản gây nên “lạc hướng” cho giáo dục, GS Hoàng Tụy cho rằng, tàn dư
ở chế độ bao cấp vẫn còn. Với chế độ đó, chúng ta thường ưa thích những mẫu
người chỉ biết ngoan ngoãn chấp hành, quen được dẫn dắt, bao cấp cả về tư duy
và hành động, làm gì, nghĩ gì cũng chỉ dựa dẫm vào trên, không dám nghĩ khác,
làm khác… Niềm tin mù quáng đó là "chân lý" bất di bất dịch bấy lâu
nay, khiến cho cả hệ thống giáo dục dẫm chân tại chỗ.
GS Hoàng Tụy
cũng nhấn mạnh: “Triết lý giáo dục cổ hủ trên chi phối, thịnh hành từ thời
phong kiến, lỗi này ngay từ thời phong kiến đã bị nhiều người phê phán gay
gắt, nhưng tiếc thay đến nay lại sống lại, dĩ nhiên với một hình thức khác
dưới chế độ bao cấp của xã hội ta. Tàn tích của chế độ bao cấp những năm 1980
vẫn còn ngự trị trong hầu hết mọi lĩnh vực hoạt động thiết yếu của xã hội, đặc
biệt là giáo dục.
Triết lý giáo dục bao cấp này hiển hiện ở hầu khắp các khâu giáo dục, từ chương trình, phương pháp giảng dạy, cách thức thi cử, cho đến tổ chức giáo dục, các chính sách tuyển chọn, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ…”.
Đóng góp ý kiến
cho Hội nghị Trung ương lần 6 sắp tới, GS Hoàng Tụy cho rằng, giáo dục Việt
Nam đang đứng ở ngã ba đường, giống như kinh tế những năm giữa thập kỷ 80.
Ngày nay, sau mấy chục năm giáo dục chìm đắm trong khủng hoảng triền miên bởi
các ràng buộc ý thức hệ cứng nhắc. Đã đến lúc chúng ta phải có sự lựa chọn dứt
khoát: Hoặc là tiếp tục con đường cũ, tiếp tục giam hãm đất nước trong nền
giáo dục ngày càng tụt hậu, hoặc là cương quyết thay đổi tư duy, thực hiện
bước ngoặt cơ bản, mở đường cho một giai đoạn giáo dục khai phóng phát triển.
“Vì trách nhiệm trước lịch sử, vì nghĩa
vụ đối với con cháu, thế hệ chúng ta cần vượt qua mọi trở lực tư tưởng, gạt
bỏ các định kiến lỗi thời, tiến lên với trào lưu tiến hóa chung của nhân
loại, đáp ứng tốt nhất mục tiêu tối thượng của dân tộc: Dân giàu, nước mạnh,
xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, GS Hoàng Tụy nhấn mạnh.
GS.TSKH.
Nguyễn Minh Đường – Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐ TB&XH):
“Khi nói đến sự khác biệt về giáo dục của một quốc gia so với các quốc gia khác, cái đầu tiên phải nói đến là Hệ thống giáo dục quốc dân (HTGDQD). Trên thế giới không có HTGDQD của nước nào giống nước nào, nhưng trong vài thập kỷ qua, nhiều nước đã tiến hành cải cách giáo dục và đều hướng tới việc xây dựng một HTGDQD mở, được phân luồng và liên thông để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có thể cần gì học nấy, học suốt đời và chuẩn bị cho việc xây dựng một xã hội học tập trong nền kinh tế tri thức. HTGDQD có 2 thành tố là Cơ cấu HTGDQD và Bộ máy quản lý HTGDQD.
Cơ cấu HTGDQD được coi là một trong
những yếu tố căn bản nhất về giáo dục của mỗi nước, bởi lẽ cơ cấu HTGDQD quy
định các trình độ giáo dục, các loại hình GD&ĐT, mối tương quan giữa
chúng được bố trí một cách khoa học, đảm bảo tính hệ thống và tính chỉnh thể
để mỗi trình độ giáo dục, mọi loại hình GD phối hợp với nhau tạo thành một
sức mạnh tổng thể mà bản thân mỗi thành tố của HTGDQD đứng độc lập riêng biệt
sẽ không thể có được. Cơ cấu HTGDQD cũng quy định hệ thống trình độm và văn bằng/chứng
chỉ quốc gia, cũng như mối quan hệ giữa giáo dục với xã hội, với thị trường
lao động và hội nhập quốc tế. Do vậy, cơ cấu HTGDQD được coi là cái gốc rễ,
là xương sống giáo dục của mỗi nước”.
(Theo GDVN) Xuân Trung
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét