Việt Nam
tiếp tục tụt hạng về môi trường kinh doanh
Đã có một số cải tiến về thể
chế, nhưng môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn bị hạ một bậc và rớt xuống
mức thấp nhất 6 năm qua, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới.
Ngân hàng Thế giới ngày 23/10 công bố
báo cáo Môi trường Kinh doanh 2013. Năm nay, Việt Nam tụt hạng một bậc, xuống đứng vị
trí 99 trên tổng số 183 nước được xếp hạng. Đây là thứ hạng thấp nhất của
Việt Nam
kể từ năm 2006.
Trong 10 hạng mục để đánh giá môi
trường kinh doanh, Việt Nam chỉ cải thiện được 3 so với năm ngoái là thành
lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng và nộp thuế. Một số lĩnh vực khác kém xa
thế giới như bảo vệ nhà đầu tư (xếp hạng 169 trên 183 nước), hay Xử lý doanh nghiệp
mất khả năng thanh toán (xếp hạng 149).
Mặc dù vậy, Ngân hàng Thế giới đánh giá
rằng Việt Nam cũng đã có nhiều tiến bộ, thực hiện tổng cộng 18 cải cách về
thể chế hoặc pháp lý ở 8 trên 10 lĩnh vực trong 8 năm qua. Gần đây nhất, Việt
Nam
đã tạo thuận lợi trong thủ tục thành lập doanh nghiệp bằng việc cho phép
doanh nghiệp trong nước sử dụng hóa đơn thuế giá trị gia tăng tự in.
Ngoài ra, nếu như hồi 2009, tính toán
của World Bank cho thấy mỗi năm doanh nghiệp Việt tốn hơn 1.000 giờ chỉ riêng
cho việc đi nộp thuế thì năm nay con số trên giảm còn hơn 870 giờ. Tuy nhiên,
các doanh nghiệp khác tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ mất trung bình
hơn 200 giờ đồng hồ cho việc đóng thuế mỗi năm, và ở các nước OECD thì con số
này là 176 giờ.
“Một trong những ưu tiên hàng đầu của
Nhóm Ngân hàng Thế giới là hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam,” bà
Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định, “Kết
quả báo cáo thể hiện rằng cần nỗ lực nhiều hơn để đưa Việt Nam sánh ngang với
các nền kinh tế trong khu vực.”
Tính trên phạm vi toàn cầu, Singapore
năm thứ 7 liên tiếp có môi trường pháp lý thuận lợi nhất thế giới cho kinh
doanh, đứng thứ hai vẫn là Đặc khu Hành chính Hong Kong. Các quốc gia khác có
mặt trong Top 10 là New Zealand, Mỹ, Đan Mạch, Na Uy, Anh, Hàn Quốc, Gruzia,
và Australia.
Cũng theo báo cáo, các quốc gia khác
trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương có sự cải thiện môi trường kinh doanh
mạnh mẽ hơn so với Việt Nam.
Trong tám năm qua, Trung Quốc là nền kinh tế có nhiều tiến bộ nhất khu vực về
cải cách các quy định kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước.
Báo cáo Môi trường Kinh doanh phân
tích các quy định áp dụng cho các doanh nghiệp trong một nền kinh tế trong
vòng đời của doanh nghiệp, trong đó có các quy định về thành lập và hoạt
động của doanh nghiệp, thương mại quốc tế, nộp thuế và bảo vệ nhà đầu tư.
Thứ hạng chung về mức độ thuận lợi kinh doanh được đánh giá dựa trên 10 chỉ
số của 185 nền kinh tế. Báo cáo Môi trường Kinh doanh không đánh giá toàn
bộ các lĩnh vực của môi trường kinh doanh có ảnh hưởng đến doanh nghiệp và
nhà đầu tư. Chẳng hạn, báo cáo không phân tích chất lượng quản trị tài
chính, các mặt của sự ổn định kinh tế vĩ mô, trình độ kỹ năng của lực lượng
lao động hay sự ổn định của hệ thống tài chính. Các kết quả trong báo cáo
đã thúc đẩy quá trình thảo luận về chính sách trên toàn thế giới và tạo
điều kiện tăng cường nghiên cứu về ảnh hưởng của các quy định ở cấp doanh
nghiệp tới kết quả hoạt động chung của các nền kinh tế. Đây là năm thứ 10
liên tiếp World Bank thực hiện báo cáo này.
|
(Theo
VnExpress) Thanh Bình
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét