07:30
Rủi ro
ngân sách
Tuần này, Quốc hội (QH) sẽ có 2
phiên thảo luận quan trọng về tình hình kinh tế xã hội; dự toán ngân sách nhà
nước và phương án phân bổ ngân sách năm 2013.
Thâm hụt ngân sách hằng năm, được hiểu là sự chênh lệch
giữa tổng thu và tổng chi trong năm đó của Chính phủ, diễn ra liên tục trong
nhiều năm qua và có mức độ ngày càng gia tăng, đang đẩy nợ công (giá trị cộng
dồn của các khoản thâm hụt ngân sách qua các năm) lên ngưỡng nguy hiểm, chắc
chắn sẽ là thông tin không dễ chịu chút nào với các đại biểu QH, khi xem xét
vấn đề ngân sách. Thu tăng 1%, nhưng chi tới 13%, có nghĩa rằng, chúng ta
đang chi quá mức cho phép rất nhiều.
Cách đây 9 năm (năm tài khóa 2003), khi lần đầu tiên vấn
đề dự toán và phân bổ ngân sách được quyết ở QH, cũng là lần đầu tiên cử tri
được tiếp cận với các con số về bội chi, nợ công… Khi đó, không nhiều người hiểu
mức độ nghiêm trọng của việc cho phép vay quá mức để tiêu vì mục tiêu tăng
trưởng. Việc cho phép bội chi dưới 5% hay dưới 6% chỉ là tranh luận của mấy
nhà kinh tế, càng xa vời với mối quan tâm của người dân. Nhưng bây giờ thì
khác, việc nới lỏng quá mức chính sách tài khóa để duy trì mức bội chi ngân
sách vượt ngưỡng cho phép kéo dài, đã làm tăng lãi suất do Chính phủ phải
tăng cường vay nợ để bù đắp bội chi. Kết quả là đưa đến kích thích tiêu dùng.
Và khi kích cầu quá mức đã kéo theo đó là lạm phát cao. Điều đó thì có lẽ bất
kỳ ai cũng đều đã thấm trong suốt 3 năm qua, nó tác động trực tiếp đến túi
tiền teo tóp của mỗi người dân và đe dọa sự tồn tại của các doanh nghiệp
(DN).
Cần phải xác định, mục tiêu hiện nay không phải là vấn đề
tăng trưởng GDP, mà phải là ổn định kinh tế vĩ mô và tạo niềm tin của người
dân, DN và nhà đầu tư. Muốn lấy lại được niềm tin, không thể thực hiện bằng các
biện pháp chung chung, mà phải bằng những biện pháp cụ thể để DN định hướng
đầu tư, xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh. Đây là thách thức với QH khi
đưa ra quyết sách. Ổn định kinh tế vĩ mô bằng nhiều biện pháp nhưng cốt lõi
và căn bản phải là giảm bội chi ngân sách, tăng hiệu quả đầu tư ngân sách nhà
nước. Đã có những khuyến nghị rằng, trong bối cảnh này, bội chi của VN cần
phải giảm xuống chỉ 3-3,5% mới đủ lớn để tạo dựng lòng tin.
Bộ Tài chính lý giải, bội chi tăng là vì thu giảm. Về mặt
nguyên tắc điều này không sai, nhưng sẽ nguy hiểm trong thực tế VN. Giảm bội
chi ngân sách cần phải được hiểu là giảm
chi chứ không tăng thu. Bởi lẽ, hiện thu ngân sách đã lên đến 24% GDP là
mức rất cao với mức độ tăng trưởng VN.
Biện pháp giảm chi đầu tư từ ngân sách phải là giám sát
đầu tư các DN nhà nước. Bởi vì việc chi ngân sách để làm cơ sở hạ tầng, đường
sá cho dân là những khoản đầu tư đúng đắn. Song, trên thực tế, số đầu tư cho một
số lĩnh vực công lãng phí, thất thoát nguồn ngân sách lại không nhỏ và thường
do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gây ra. Chính thế, không phải không có
lý khi người dân bức xúc về những bê bối của các tập đoàn kinh tế, DN nhà
nước gây ra.
Cử tri trông chờ vào các quyết sách cụ thể từ QH để
vãn hồi kinh tế, hơn là những phát biểu thừa sự hiểu biết nhưng thiếu quyết
tâm.
(Theo
Thanh niên) An Nguyên
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét