Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012


07:23

  Khóc ròng với trạm thu phí


Trên nhiều tuyến quốc lộ trong cả nước, mật độ các trạm thu phí được xây dựng dày đặc nhằm mục đích tận thu. Hầu hết các trạm tiền thì thu đủ nhưng bỏ mặc đường sá xuống cấp.

Không đi cũng thu!

Bất chấp các phương tiện vận tải có lưu thông qua những tuyến đường đó hay không, các chủ đầu tư vẫn dựng trạm và thu tiền... mỏi tay!

Đó là các trạm thu phí trên tuyến đường tránh thị trấn Đức Phổ  (Quảng Ngãi), Sông Phan (Bình Thuận), Bàn Thạch (Phú Yên) và Ninh An (Khánh Hòa).
Thu lầm hơn bỏ sót
Ngày 8-4, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Thiên Tân tổ chức khánh thành giai đoạn I dự án BOT tuyến đường tránh thị trấn Đức Phổ - Quảng Ngãi. Đây là dự án BOT đầu tiên ở tỉnh này được đầu tư xây dựng. Dự án hoàn thành giai đoạn I có tổng chiều dài 9,7 km, tránh thị trấn Đức Phổ, tổng vốn đầu tư 600 tỉ đồng. Ngay sau khi hoàn thành dự án, ngày 18-4, chủ đầu tư đưa trạm thu phí vào hoạt động nhằm hoàn vốn cho dự án BOT trên, thời gian thu phí 25 năm.

Trạm thu phí Ninh An thu tiền xe mỗi ngày dù dự án “Hầm đường bộ qua đèo Cả” chưa được khởi công. Ảnh: KỲ NAM
Điều khiến nhiều người bức xúc là dù dự án chỉ xây dựng tuyến đường tránh thị trấn Đức Phổ nhưng trạm thu phí lại đặt trên Quốc lộ 1A, cách vị trí xây dựng tuyến đường tránh khoảng 5 km. Các doanh nghiệp vận tải cho rằng lẽ ra trạm phải được đặt trên tuyến đường tránh nhưng lại đặt trên Quốc lộ 1A, phải chăng chủ đầu tư muốn tận thu cả những phương tiện không qua tuyến đường tránh? Chẳng hạn, các tuyến xe chuyên chở học sinh tuyến Phổ Khánh - Phổ Châu, xe tải dưới 2,5 tấn… đều không hề đi trên tuyến đường tránh nhưng vẫn phải đóng phí.
Ông Hà Hoàng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi, lý giải: “Chúng tôi cũng đã nghiên cứu, lắng nghe chuyện đó. Tuy nhiên, Bộ GTVT và Bộ Tài chính đã cho phép đặt tại vị trí đó rồi thì phương tiện nào đi qua cũng phải thu phí”. Tuy nhiên, ông Phương thừa nhận: “Về nguyên tắc, có sử dụng đường mới phải đóng phí. Với trạm thu phí trên tuyến đường tránh thị trấn Đức Phổ, nhiều phương tiện không sử dụng đường nhưng đã phải đóng phí. Nhưng mà một trạm thu phí BOT, nếu đặt trên tuyến đường tránh và chỉ thu cho tuyến đường tránh thì chắc chắn sẽ không thu hút nhà đầu tư”.
Theo ông Huỳnh Kim Lập, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Thiên Tân, nếu đặt trạm thu phí trên tuyến đường tránh thì chẳng ai dám đầu tư bởi thu không đủ bù chi.
Giúp nhà đầu tư trả nợ
Dự án “Hầm đường bộ qua đèo Cả” (giữa 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa) chưa được triển khai nhưng chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Đèo Cả lại được thu phí tại 2 trạm Bàn Thạch (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa - Phú Yên) và Ninh An (thị xã Ninh Hòa - Khánh Hòa) để phục vụ dự án. Cách làm này đang gây bức xúc trong dư luận.
Ngày 21-6-2012, Bộ GTVT có quyết định chuyển giao Trạm thu phí Ninh An cho Công ty CP Đầu tư Đèo Cả thu, bắt đầu từ ngày 1-7. Ngày 27-8, Trạm thu phí Bàn Thạch cũng được giao cho công ty này để thực hiện dự án “Hầm đường bộ qua đèo Cả”. Thế nhưng, hiện dự án... vẫn chưa được khởi công!
Ông Nguyễn Thành Quang, nguyên bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, một trong những người đầu tiên kiến nghị xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cả, cho rằng lẽ ra khi dự án hoàn thành, nhà đầu tư mới được thu phí. Đó là chưa nói 2 trạm thu phí đều cách xa nơi dự án triển khai, nhiều người dân đi làm ruộng, không qua đèo, qua hầm nhưng cũng phải nộp phí.
Ông Đào Ngọc Thanh, đại diện Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, phân trần: “Do việc triển khai dự án hầm đèo Cả rất khó khăn nên Nhà nước có những cơ chế để hỗ trợ, trong đó cho nhà đầu tư thu phí 2 trạm Ninh An và Bàn Thạch. Chính nhờ 2 trạm thu phí này, công ty mới vay được ngân hàng 364 tỉ đồng để triển khai dự án vì đã yên tâm có 2 trạm thu phí để trả nợ. Hiện công ty thu phí chủ yếu là để trả nợ ngân hàng”.
Bị thu tiền oan
Trạm thu phí Sông Phan trên Quốc lộ 1A, thuộc địa phận xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam - Bình Thuận do Công ty CP Đầu tư Xây dựng cầu Đồng Nai quản lý. Theo hợp đồng BOT ban đầu, công ty này thực hiện thu phí hoàn vốn cho dự án cầu Đồng Nai mới trong thời gian 29 năm 11 tháng, bắt đầu từ tháng 1-2009.
Cánh tài xế dở khóc dở mếu bảo đây là trạm thu phí… oan vì cầu Đồng Nai cách Trạm thu phí Sông Phan đến 140 km. Ông Nguyễn Văn Minh, một tài xế xe tải nhỏ ở xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, bức xúc: “Mấy năm nay, xe của tôi chỉ hoạt động trong phạm vi địa phương, không hề biết “mặt mũi” cầu Đồng Nai thế nào nhưng hằng ngày vẫn bị thu phí”.
Do bị thu oan nên trước đây đã từng xảy ra vụ hàng loạt tài xế xe tải, xe ben, ô tô con đưa xe chiếm giữ làn đường trung tâm ở trạm thu phí này để phản đối. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn như cũ.
Ông Trần Trung Nguyên, Trạm trưởng Trạm thu phí Sông Phan, cho biết: “Theo kế hoạch, đến năm 2014, Trạm thu phí Sông Phan sẽ được dời về khu vực cầu Đồng Nai mới, thời điểm cụ thể thì chưa biết bởi còn tùy thuộc vào tiến độ xây dựng cầu Đồng Nai mới”.
Thống kê sơ bộ của các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận, mỗi ngày có hơn 5.000 lượt xe qua lại Trạm thu phí Sông Phan, ước tính số tiền phí thu được lên đến cả trăm triệu đồng/ngày. Với tình hình này, cánh nhà xe qua Trạm thu phí Sông Phan sẽ bị thu tiền oan dài dài!
 (Theo Người Lao động)  TỬ TRỰC - HỒNG ÁNH - QUỐC TRIỀU

Sẽ còn khóc ròng:
Từ 01/01/2013 bạn sẽ được “tham gia” nộp một khoản thuế mới mang tên Quỹ Bảo trì đường bộ nếu sở hữu xe (từ xe đạp điện đến xe container). Mức đóng thấp nhất 50.000 đ và cao nhất 12.480.000.đ/xe/năm. Bạn đừng hy vọng những trạm thu “thuế” đường trên sẽ đóng cửa, và sẽ còn khóc ròng!
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét