Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012


13:54
Tàu sân bay Mỹ đến biển Hoa Đông


Ba đội tàu tấn công của Mỹ tập trung bất thường ở Tây Thái Bình Dương.
Sau khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc (TQ) ngày 27-9 xác nhận tàu chiến TQ đang hoạt động ở biển Hoa Đông, báo Time (Mỹ) ngày 30-9 (giờ địa phương) đưa tin đội hình tấn công của hai tàu sân bay Mỹ USS John C. Stennis và USS George Washington đã có mặt ở Tây Thái Bình Dương.
Báo dẫn nguồn từ các quan chức hải quân Mỹ xác nhận đội hình tấn công của tàu USS George Washington hoạt động trên biển Hoa Đông gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Trong khi đó, đội hình tấn công của tàu USS John C. Stennis hoạt động gần biển Đông.
Mỗi tàu sân bay chở hơn 80 máy bay, được hộ tống bằng các tàu khu trục, tàu ngầm, tàu tiếp tế, tàu tuần tiễu trang bị tên lửa định hướng.
Báo Time cho biết trên đảo Guam (Mỹ) cũng đã có mặt khoảng 2.000 lính thủy đánh bộ với tàu tấn công đổ bộ USS Bonhomme Richard và hai tàu hộ tống. Dự kiến lực lượng này sẽ di chuyển từ đảo Guam đến Philippines tham gia tập luyện với binh sĩ Philippines theo kế hoạch định trước.
Báo nhận định sự kiện ba đội hình tấn công của tàu sân bay và lính thủy đánh bộ cùng có mặt tại một khu vực tương đối nhỏ trên Thái Bình Dương là hiện tượng tập trung hỏa lực bất thường.
Lý do: Đội hình tấn công tàu sân bay và đội hình tàu tấn công của lính thủy đánh bộ thường hoạt động độc lập ở xa nhau. Hơn nữa, ba đội hình tấn công nêu trên vừa mới hoàn tất tập trận ở đảo Guam (Mỹ).
Người phát ngôn Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ tuyên bố tập trận và triển khai các đội hình tấn công tàu sân bay không nhất thiết liên quan đến căng thẳng tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Người phát ngôn cho biết hoạt động của hai đội hình tấn công tàu sân bay USS George Washington và USS John C. Stennis ở Tây Thái Bình Dương là một phần trong cam kết của Mỹ bảo đảm hòa bình, ổn định đối với khu vực. Tuy nhiên, người phát ngôn không bình luận về hướng di chuyển tiếp theo của hai đội hình trên.
Theo báo Time, sự kiện quân đội Mỹ tập hợp các đội hình tấn công tàu sân bay ở Tây Thái Bình Dương có thể nhằm cảnh báo TQ không leo thang xung đột ở quần đảo Sankaku/Điếu Ngư nhưng cũng có thể chỉ là sự kiện trùng hợp ngẫu nhiên.
Trong khi đó, hãng tin CNA (Singapore) cho biết ngày 30-9, khoảng 1.000 người đã tuần hành ở thị trấn Đầu Thành thuộc huyện Nghi Lan (đông bắc lãnh thổ Đài Loan) để phản đối Nhật và kêu gọi bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Cùng ngày, báo Focus Taiwan (Đài Loan) đưa tin cơ quan ngoại giao Đài Loan thông báo trong vòng một tuần nữa, đại diện chính quyền Đài Loan tại Nhật Thẩm Tư Thuần sẽ trở lại Nhật. Cách đây 19 ngày, ông được triệu hồi về Đài Loan để phản đối Nhật quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Báo Japan Times (Nhật) ghi nhận 100 sự kiện trong tổng số gần 250 sự kiện kỷ niệm 40 năm ngày bình thường hóa quan hệ bang giao Nhật-Trung dự định tổ chức từ nay đến cuối năm ở Nhật đã bị hủy. Hơn phân nửa sự kiện bị hủy do phía TQ yêu cầu.
Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không chính thức đã diễn ra ngày 27-9 (giờ địa phương) bên lề hội nghị thường niên Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ). Đài truyền hình Channel News Asia (Singapore) cho biết các bộ trưởng ghi nhận hai vòng tham vấn ASEAN-TQ về Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông là yếu tố tích cực và nhất trí đưa tham vấn thành hội nghị chính thức, đồng thời mời Thái Lan tổ chức hội nghị. Thái Lan đang ấn định thời điểm tổ chức cụ thể.
ĐĂNG KHOA
(Theo PL TPHCM) THẠCH ANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét