Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012


07:10
 Thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng: Một ý tưởng kỳ quái

TT - Đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng dù mới chỉ trong ý tưởng đã vấp phải sự phản đối của các chuyên gia, người dân và doanh nghiệp. Tuổi Trẻ ghi lại một số ý kiến.

Ông Nguyễn Thành Long (chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN):

Không nên áp đặt thị trường
Thị trường vàng bị tác động bởi rất nhiều yếu tố khách quan như giá vàng thế giới, xu hướng của giới đầu tư, tình hình chính trị... Ngoài ra giá vàng còn bị ảnh hưởng bởi yếu tố nhập lậu. Những yếu tố đó cho thấy giá vàng trong nước không thể chủ động được và thị trường vàng bị chi phối rất nhiều từ các yếu tố khách quan và tâm lý người dân. Điều chỉnh một thị trường bị chi phối bởi yếu tố khách quan trong khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại dùng những yếu tố chủ quan để áp đặt thì không đúng.
Tôi cho rằng với vai trò là cơ quan quyền lực quan trọng, NHNN chỉ nên can thiệp bằng những chính sách, công cụ cần thiết ở một mức độ nhất định. Quan trọng nhất là phải tuân theo các quy luật khách quan cũng như tôn trọng quyền giữ vàng của người dân. Đó là những vấn đề cần xử lý. Ngoài ra, thời gian qua NHNN đã áp dụng hàng loạt chính sách để điều chỉnh thị trường vàng thì nay cần có những đánh giá lại hiệu quả của những chính sách đó để rút ra giải pháp thích hợp.
Tổng giám đốc một công ty vàng tại TP.HCM:
Không hợp lý
Tôi chưa thấy quốc gia nào đánh loại thuế tiêu thụ đặc biệt lên vàng, ngay cả những quốc gia tiêu thụ vàng nhiều như Trung Quốc, Ấn Độ... Vấn đề ở đây là cần nhìn nhận rằng thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ đánh vào những hàng hóa xa xỉ, không khuyến khích tiêu thụ trong khi vàng không phải hàng hóa xa xỉ. Vàng là phương tiện cất giữ, bảo toàn vốn thông dụng tại VN, phổ biến từ người dân nghèo đến công nhân viên chức.
Nếu loại trừ yếu tố đầu cơ thì người mua vàng chủ yếu là người dân, gom góp từ 5 phân, 1 chỉ... để phòng khi ốm đau mà lại phải chịu thuế thì không hợp lý. Mục tiêu không khuyến khích người dân nắm giữ vàng của NHNN chỉ đạt được khi NHNN giải quyết được các vấn đề tổng thể của nền kinh tế, chứ không thể dùng biện pháp hành chính để đối phó như cách mà NHNN vừa nêu. Muốn người dân không mặn mà với vàng thì phải giải quyết những vấn đề vĩ mô của nền kinh tế là ổn định giá trị đồng tiền, kiềm chế lạm phát. Một khi người dân còn lo ngại thì việc “ôm vàng” là tất nhiên.
Cần giải quyết căn cơ từ gốc của vấn đề thay vì chỉ giải quyết tình thế mà không có căn cơ. Tôi cho rằng giải pháp giúp giá vàng hạ nhiệt mà vẫn đảm bảo đúng nghị định 24 là NHNN đứng ra nhập vàng để bán cho ngân hàng thương mại với giá thấp hơn giá thị trường và ngân hàng thương mại thanh toán lại cho NHNN bằng ngoại tệ, tránh chuyện ngân hàng gom vàng trên thị trường như hiện nay. Với chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới như hiện nay, nếu nhập 20 tấn vàng NHNN đã lãi 60 triệu USD.
Ông Trương Cẩm Cường (chủ tiệm vàng Kim Nam, 392 Tùng Thiện Vương, Q.8, TP.HCM):
Dễ biến tướng
Thói quen giữ vàng của người dân đã tồn tại từ nhiều thế hệ. Đến nay tâm lý của người dân vẫn vậy, thích giữ vàng chứ không muốn giữ tiền. Để thay đổi tâm lý này không thể chỉ dùng một mệnh lệnh hành chính trong một sớm một chiều. Nhất là thực tế những năm gần đây giá vàng tăng theo chiều thẳng đứng, vượt cả kỳ vọng của người dân.
Kinh nghiệm mấy chục năm làm tiệm vàng của tôi cho thấy có cầu ắt có cung, khi đó sẽ dẫn đến những biến tướng khó quản lý hơn và càng thiệt cho người dân. Nếu can thiệp bằng cách đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng miếng, người dân sẽ chuyển sang mua nhẫn hoặc dưới hình thức khác. Chưa kể hiện nay nhu cầu giao dịch vàng miếng SJC đã giảm rất nhiều do hàng loạt chính sách thời gian qua. Do vậy tôi cho rằng cơ quan quản lý nên nghiên cứu một cách thấu đáo về đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho vàng miếng.
Cơ quan quản lý cũng cần tôn trọng thói quen của người dân. Nếu đi ngược lại quy luật này thì quản lý sẽ không đạt hiệu quả.
(Theo Tuổi trẻ)  ÁNH HỒNG
Mong ngành Ngân hàng đừng vì lúng túng, bất lực trước sự hỗn loạn của thị trường vàng mà đưa ra những “sáng kiến” mới làm thiệt hại cho người dân. “Sáng kiến” SJC đã là quá đủ. Không biết ngành NH đã tính toán được giá trị thiệt hại mà người dân đang gánh chịu hay chưa. Chỉ cần chi phí dập lại thương hiệu SJC thôi người dân đã mất lượng tiền không nhỏ chút nào. Chỉ có một điều, số tiền đó không mất đi, nó được chuyển vào túi DN SJC.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét