Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012


09:15
Vụ 2 doanh nghiệp lớn nhập xăng “bẩn”:

 “Quả bóng trách nhiệm” bị đá qua đá lại  


Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 10 do Bộ Công Thương tổ chức chiều 29-10, các vấn đề nóng liên quan đến vấn đề giá điện, giá xăng dầu tiếp tục là mối quan tâm lớn của báo chí.

Hàng ngàn tấn xăng "bẩn” thẩm lậu trót lọt

Lợi dụng hình thức tạm nhập tái xuất, mới đây, hai "đại gia” lớn ngành xăng dầu là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) và Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ đã nhập về gần 8.000 tấn xăng không đạt chất lượng. Vụ việc đã sớm được phát giác và hai doanh nghiệp (DN) này đã bị buộc phải tái xuất số xăng không đạt chuẩn trên.

Cụ thể, theo thông tin từ Bộ Khoa học - Công nghệ, vừa qua, Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ (Thalexim) đã nhập 7.602,252 tấn xăng A92 không chì từ Singapore. Lô hàng này được đăng ký tại tờ khai hải quan ngày 8-10. Ngay sau đó, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, qua kiểm tra, đã thông báo kết luận, lô xăng này có chất lượng không đạt chuẩn của Việt Nam vì có chứa một số phụ gia dung môi sec-butyl acetate với hàm lượng 3% thể tích. Đây là phụ gia không thông dụng, chưa được đăng ký và chưa được chấp thuận của Bộ Khoa học - Công nghệ. Trước đó, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Bộ Khoa học - Công nghệ) cũng đã phát hiện trường hợp tương tự là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) nhập khẩu xăng A95 có pha dung môi sec-butyl acetate.

PVOil đã đề nghị được tái chế lô xăng trên để có thể tiêu thụ tại Việt Nam. Tuy nhiên, các thông tin liên quan đến dung môi sec-butyl acetate mà PVOil đưa ra chỉ mang tính tham khảo. Bộ Khoa học - Công nghệ cho hay, PVOil không cung cấp được các bằng chứng khoa học, tài liệu chứng minh độ an toàn, đảm bảo sức khỏe, môi trường, bảo vệ động cơ xe khi sử dụng xăng pha sec-butyl acetate.

Như vậy, hình thức tạm nhập – tái xuất tiếp tục bộc lộ những lỗ hổng để nhiều doanh nghiệp tận dụng trục lợi. Và việc để hai doanh nghiệp lớn thẩm thấu trót lọt một lượng lớn xăng dầu "bẩn” vào trong nước một lần nữa cho thấy sự nhẹ tay trong quản lý, thậm chí là buông lỏng của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, tại buổi họp báo, "quả bóng trách nhiệm” lại bị các Bộ đá sang cho nhau. Ông Nguyễn Xuân Chiến – Vụ Phó Vụ Thị trường trong nước đã khẳng định rằng: "Bộ Công thương chỉ có tránh nhiệm kiểm tra hàng hóa đang lưu thông trên thị trường. Còn khi sản phẩm xăng dầu nhập vào trong nước, Bộ Khoa học - Công nghệ là cơ quan chịu trách nhiệm lấy mẫu kiểm tra chất lượng để lưu thông trên thị trường hay không”. Phải chăng Bộ Công thương hoàn toàn đứng ngoài cuộc?

Giá xăng vẫn "neo”, giá điện chưa có lý do để tăng

Liên quan đến vấn đề giá xăng thế giới đã giảm, tại sao xăng trong nước vẫn "neo” giá, không chịu giảm? Ông Chiến cho rằng, liên Bộ Công thương – Bộ Tài chính vẫn đang bám rất sát thị trường thế giới. Giá xăng dầu thế giới giảm nhưng không giảm theo xu hướng liên tục và ổn định, lúc giảm, lúc lại tăng một cách thất thường. Do đó, đây chưa phải là cơ sở để giảm giá xăng dầu trong nước. Bên cạnh đó, liên Bộ vẫn đang sử dụng Quỹ bình ổn để hỗ trợ thêm cho giá của mặt hàng này. "Liên Bộ sẽ tiếp tục theo sát giá thế giới, và khi thấy đủ điều kiện sẽ tiến hành điều chỉnh giảm giá xăng dầu theo đúng tinh thần Nghị định 84”.

Về giá điện, trả lời câu hỏi: Liệu giá điện có điều chỉnh tăng trong thời gian tới? Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) khẳng định: Về cơ cấu hình thành giá điện, Bộ Công thương đã rà soát chi phí sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong cả 3 tháng 7, 8 và 9. Kết quả rà soát cho thấy chi phí thực tế vẫn thấp hơn chi phí theo kế hoạch đề ra. Do vậy, trong tháng 10 và cả tháng 11, Bộ Công thương vẫn chưa có chủ trương điều chỉnh giá điện”.
(Theo Đại đoàn kết)  Duy Phương

Gần đây, người dân bỗng thấy thị trường xăng dầu “bình lặng” quá. Thường thì hơn chục ngày là thấy họ nhấp nhổm trình xin tăng giá. Thì ra đã hơn chục ngày qua giá xăng dầu thế giới sụt giảm quá sâu. Ngay cả khi có bão sandy ở Mỹ, giá xăng vẫn giảm (thường thì giá xăng dầu sẽ tăng khi nước Mỹ gặp bão lớn). Do vậy chẳng còn lý do gì để tăng giá (mà lẽ ra phải xin giảm giá). Giá điện cũng vậy, xăng chưa tăng thêm, than chưa tăng giá theo đề nghị thì điện chưa tìm thấy cớ để điều chỉnh (tăng) giá. Lúc này, người dân mới thấm thía thế nào là “LỢI ÍCH NHÓM”.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét