13:10
“Gãy cổ” vì vàng thật, lận đận vì vàng “nhái”
TVNN- Một tuần
"ngập" tin tức liên quan đến vàng: một cô dâu đeo đến 5 kg vàng, cô
dâu khác nhận sính lễ vàng rởm, rồi chuyện vàng nhái SJC...
1. Những bức ảnh
chụp một đám cưới diễn ra ở "nước lạ" cách đây đã ba năm vẫn đủ sức
hâm nóng cộng đồng mạng Việt
Như cách nói có phần tự an ủi của đại bộ phận chưa thành
đại gia trong chúng ta, vàng - cũng như tiền - không mang lại hạnh phúc (vậy nhiều
vàng thì sao?). Tuy nhiên, vàng giả thì rõ ràng chẳng đem lại niềm vui cho
bất cứ cô dâu nào. Chẳng hạn, trường hợp sính lễ toàn vàng giả vừa mới xảy ra
với một cô dâu tỉnh Vĩnh Long, gây xôn xao dư luận.
Không ít người giờ đây có thể phần nào chia sẻ tâm trạng
của cô dâu trong đám cưới "hi hữu" đó. Tuần qua, một số tờ báo đồng
loạt đưa tin về hiện tượng gia tăng vàng nhái thương hiệu SJC (đã được lựa
chọn làm vàng miếng thương hiệu quốc gia).
Nhưng khác với trường hợp cô dâu Vĩnh Long kia, cơn khốn
đốn này của người trữ vàng không phải bởi vàng của họ giả. Vấn đề là
"cái áo" SJC của vàng đã bị những kẻ cơ hội làm giả để đẩy giá
chúng lên so với vàng phi SJC (mà mức chênh lệch cao điểm có thể lên tới 4
triệu đồng/1 lượng).
Vậy là một cơn hoang mang lại dấy lên trong cộng đồng mà
người dân vốn nổi tiếng thích cất giữ vàng hàng đầu thế giới. Hàng loạt người
dân đổ xô đến thẩm định và ép lại bao bì tại công ty SJC.
Nếu không may vàng đó là phi SJC, số phận của nó sẽ là bị
cắt ra, sau đó được bán với giá vàng nguyên liệu, tất nhiên là thiệt mất đến
2-3 triệu một lượng. Trường hợp xấu hơn nữa, chủ nhân sẽ phải giao nộp vàng cho
cơ quan công an giải quyết.
Khi hiện tượng vàng nhái manh nha xuất hiện, người dân đã
được khuyên nên giao dịch tại các cơ sở uy tín, trong đó có ngân hàng. Trái
khoáy là, theo thông tin từ một lãnh đạo Cty SJC miền Bắc thì đến nay,
đa phần lượng vàng SJC nhái mà đơn vị này phát hiện đến từ... các ngân hàng[1].
Đến các ngân hàng cũng còn "chưa có nghiệp vụ kiểm
định vàng", thì người dân "mắt thịt" lấy đâu ra cái khả năng
siêu phàm để nhận diện nhái - phi nhái. Nhưng cũng giống như trường hợp
"rước" phải chồng rởm, mọi hậu quả sẽ rơi vào người mua phải vàng
nhái.
Giờ thì chúng ta đừng quá tự tin khi nói câu "Chiếc
áo không làm nên thầy tu". Cứ xem trong trường hợp này, "chiếc
áo" SJC sẽ làm nên rất nhiều thứ. Không có cái áo đó (hoặc áo nhái),
những miếng vàng dù chất lượng, tuổi vàng không hề "thua chị kém
em" cũng sẽ bỗng dưng trở thành một loại "con ghẻ" bị hờ hững,
xua đuổi.
Chỗ dựa cho quyền lực của chiếc áo là các chính sách cho
phép sự độc quyền "toàn tập" - độc quyền nhập khẩu, độc quyền sản
xuất, độc quyền thương hiệu và giờ là độc quyền kiểm định vàng. Nhiều chuyên
gia đã chỉ ra cơ chế độc quyền này không giúp loại bỏ sự chênh lệch vô lý
giữa giá vàng Việt
Không chỉ có thế, vị lãnh đạo đứng đầu doanh nghiệp SJC,
cách đây vài hôm còn chia sẻ sự phức tạp trong quy trình xin NHNN dập lại
vàng SJC móp méo. "Nếu cứ tiếp tục "xin - cho" thế này, chúng
tôi sẽ ngưng mua vàng móp méo!", vị lãnh đạo này cho biết[2].
Nếu cả cái cửa "xin - cho" này cũng đóng lại với
người dân, thì tình hình sẽ còn rối loạn đến mức nào? Dẫu sao, như mọi khi,
người dân vẫn được khuyên "bình tĩnh", "không hoang mang".
Đến động đất rầm rầm dưới chân còn phải "bình
tĩnh" thì một đợt "dư chấn" vàng nhái có thấm vào đâu. Chưa
kể, vàng thật, vàng nhái, vàng giả chỉ là một trong số ít những thứ thật -
giả mà chúng ta đang phải đối phó từng ngày. Còn có những thứ thật giả trìu tượng
khó đo lường hơn nhiều, như sự thành thực, lòng tự trọng chẳng hạn.
2. Không chỉ
vàng, suốt vài tuần qua, tiền cũng trở thành đề tài sốt nóng. "Cơn
sốt" xuất phát từ thông tin Chính phủ cho biết chưa thể cân đối đủ nguồn
để bố trí tăng lương tối thiểu trong năm 2013.
Một tờ báo cho hay, cụm từ "thông tin gây choáng
váng"[3] đã được một thầy giáo dạy môn phụ dùng để nói lên tâm
trạng của những người chỉ sống bằng lương. Với con số 22 triệu công chức và
người làm việc trong khu vực Nhà nước hiện nay, hẳn không thiếu những người
đồng cảm giác "choáng váng" này.
Trước nguy cơ thiết thân đó, nhiều chuyên gia, đại biểu
Quốc hội, và đông nhất là những thường dân luôn phải quay quắt chuyện cơm áo
gạo tiền, đã nhiệt tình "hiến kế". Chung quy lại có hai kế sách lớn
đưa ra nhằm đẽo "chân" - tức danh sách vô số các khoản cần tiêu -
cho vừa "giày" - tức nguồn ngân quỹ có hạn.
"Đệ nhất" kế là cắt giảm các khoản chi tiêu công
dàn trải, lãng phí, "vô tội vạ". Các ý kiến chỉ ra, những khoản này
không hề ít, từ các khoản chi tiêu hành chính, những chuyến tham quan học tập
nước ngoài mà chủ yếu nhằm giải ngân, v.v... cho đến các chương trình mục
tiêu quốc gia.
Như các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra, trong khi kinh tế khó
khăn, ngân sách eo hẹp thì vẫn phổ biến tình trạng như một dự án có tên trong
cả ba hạng mục chi. Hay chuyện các khoản chi được trình lên, lãnh đạo ung dung
phân bổ theo địa chỉ có sẵn, mà không rà soát cái gì cần, cái gì không cần[4].
"Kế sách" lớn thứ 2 được nêu ra là chỉ nên tăng
lương cho những người đáng tăng lương, nghĩa là những người làm việc thật sự.
Một nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã chỉ ra con
số này chỉ chiếm 50%[5].
Dễ thấy những kế sách này là hết sức hợp lý, nhưng xem ra
lại là "nhiệm vụ bất khả thi". Bởi sẽ có mấy ai đủ dũng cảm tự
"đẽo chân" mình cho "vừa giày"?
Chẳng hạn đối với các chương trình mục tiêu quốc gia. Mới
đây, tại một phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đa số các ý kiến đều
cho rằng: việc bố trí các dự án quá dàn trải.
Vậy mà, theo vị bộ trưởng phụ trách lĩnh vực này, trước đó
ông cũng đã phải "liều" cắt bớt một số dự án. "Như 61 dự án
Chính phủ duyệt, khi trình lên thì chương trình nào cũng quan trọng, bộ nào
cũng bảo vệ đến cùng... Tôi liều mới cắt được chứ hội thảo mấy lần không bộ
nào đồng tình"![6]
Còn với "kế" cắt giảm nhân sự không hiệu quả,
lại cũng bất khả thi. Vì một lẽ dễ thấy là trong số 50% nhân sự không đáng
được tăng lương kia, có biết bao nhiêu người thuộc thành phần "con ông
cháu cha". Có "đẽo" thì trước hết là những người "trên
răng dưới dép" không tiền, chẳng quan hệ, chứ ai dám "liều mình như
chẳng có" cắt giảm các thành phần khó bề động tới kia.
Với chuyện lương là thế, mà nhiều lĩnh vực cũng không mấy
khác biệt. Ví dụ, lý giải nguyên nhân công tác phòng chống tham nhũng
"giậm chân tại chỗ", mới đây một vị đại biểu Quốc hội đã chỉ ra,
hiện tượng những người chức quyền cao tham nhũng là thực tế được Trung ương
công nhận, nhưng chẳng ai lại đi... tự xử mình cả[7].
Tự dưng liên hệ vẩn vơ, lại đâm khâm phục mẹ con cô Cám
dám "dũng cảm" chịu đau để tự gọt chân mình cho vừa giày, dù rằng
nhằm mục đích tư lợi là lấy được hoàng tử. Sao không đề thi, kiểm tra văn nào
để ý đến lòng "dũng cảm" này nhỉ?
(Theo
VietNamnet) Hải Tâm
[2] Vàng rối loạn vì... độc quyền, Người Lao động, 25/10/2012. [3] Thông tin gây choáng váng, Tuổi trẻ, 21/10/2012. [4] Tiêu xài dàn trải, lấy gì tăng lương, VietNamNet, 24/10/2012. [5] Góc nhìn khác về điều chỉnh tiền lương, VOV online, 19/10/2012 [6] Dự án mục tiêu quốc gia: Không địa phương, bộ nào chịu bỏ, Sài Gòn tiếp thị, 19/10/2012. [7] Phòng chống tham nhũng: "Chẳng ai tự xử cả", Dân Việt, 25/10/2012. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét