Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

14:02

Chứng chỉ vàng: Không trả lãi thì không ai gửi


Nếu chỉ dừng lại ở việc giữ hộ, đề án phát hành chứng chỉ vàng sẽ khó thành công.

Những ngày gần đây, báo chí có đề cập đến đề án phát hành chứng chỉ vàng của Ngân hàng Nhà nước. Chưa rõ định hướng của Ngân hàng Nhà nước đối với việc phát hành chứng chỉ vàng như thế nào, nhưng một điều có thể thấy rõ là nếu chứng chỉ vàng không mang lại lợi ích kinh tế cho người gửi thì sẽ rất khó thành công.

Chỉ là giữ hộ vàng?
Cái lợi đối với Ngân hàng Nhà nước là có thể đa dạng hóa dự trữ quốc gia, tăng lượng vàng dự trữ.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chứng chỉ vàng là một loại giấy xác nhận của Nhà nước cho người có vàng gửi Nhà nước giữ hộ. Khi nào cần thì báo với Nhà nước (hoặc đơn vị được Nhà nước ủy quyền) để lấy lại. Lúc đó, người dân có thể nhận về bằng vàng hoặc quy ra nội tệ tương đương với giá vàng tại thời điểm rút ra. Như thế, Nhà nước sẽ tăng được lượng vàng dự trữ quốc gia, có thể chủ động can thiệp thị trường vàng khi cần.

Còn theo Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, việc giữ hộ vàng phải đảm bảo một số điều kiện tối thiểu. Đó là lúc cần, người dân có thể rút ra dễ dàng, đầy đủ và đúng loại vàng. Thêm nữa, chứng chỉ đó phải có tính thanh khoản như được đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán, có thể chuyển nhượng dễ dàng hoặc thế chấp để vay ngân hàng.

Những điều trên cũng có nghĩa là số vàng sẽ phải được niêm phong, không được lưu hành, không chuyển đổi thành tiền để kinh doanh và người dân có thể rút ra bất cứ lúc nào. Và nếu chỉ dừng lại ở việc giữ hộ như thế, ông Vũ Minh Châu, Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu, tỏ ra nghi ngờ về khả năng thành công của chứng chỉ vàng. Bởi lẽ, nếu gửi vàng mà không sinh lời, người dân sẽ sử dụng để cho người thân, bạn bè vay lấy lãi hoặc lướt sóng vàng, tức việc tự giữ vàng sẽ linh hoạt hơn là gửi vàng vào một nơi khác.

Thế nhưng, dưới góc nhìn của một nhà lập pháp, ông Kiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, lại đồng tình với việc Nhà nước chỉ nên đóng vai trò giữ hộ vàng cho người dân. Chuyện người có vàng muốn gửi hay không, muốn kinh doanh lướt sóng hoặc cho vay… đều là quyền của người có vàng. Nhà nước chỉ ban hành các chính sách để kiểm soát việc sử dụng vàng đó theo đúng pháp luật, không gây tổn hại đến nền kinh tế. Trong trường hợp muốn huy động vàng, Nhà nước có thể đề ra cơ chế để các ngân hàng thương mại thỏa thuận với người có vàng để huy động, sử dụng và trả lãi cho người dân.

Nên trả lãi cho người gửi vàng

Nếu phải trả lãi cho người gửi vàng thì một câu hỏi được đặt ra là ngân hàng thương mại hay Ngân hàng Nhà nước sẽ đứng ra trả khoản lãi này. Ông Châu, Công ty Bảo Tín Minh Châu, cho rằng nếu ngân hàng thương mại là người trả lãi thì họ phải được kinh doanh số vàng đó để kiếm lời. Tuy nhiên, cách này lại quay trở về với bản chất của tín dụng vàng trước đây, trong khi Ngân hàng Nhà nước đã cấm nghiệp vụ này từ ngày 1/5 vừa qua.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà, cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể cho phép các ngân hàng thương mại huy động vàng, nhưng đưa ra những quy định khắt khe về quản trị, tỉ lệ vốn tiền mặt/vàng huy động, hệ số rủi ro đối với những ngân hàng muốn phát hành chứng chỉ huy động vàng. Tương ứng với các mức đáp ứng điều kiện khác nhau, tỉ lệ vàng huy động sẽ khác nhau. Thậm chí có thể cấm huy động vàng đối với những ngân hàng chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro. Việc lập ra các tiêu chí quản trị rủi ro gắn với phát hành chứng chỉ vàng sẽ có thể tránh được tình trạng các ngân hàng đua nhau huy động một cách không lành mạnh.
Cũng coi việc trả một phần lãi cho người gửi vàng là cách để huy động vàng, nhưng ông Kiêm cho rằng không nên đi theo kiểu tín dụng vàng trước đây. Ngân hàng Nhà nước có thể giao cho ngân hàng thương mại phát hành chứng chỉ, đồng thời trả cho người dân gửi vàng một phần lãi nhất định, trả cho ngân hàng thương mại chi phí phát hành chứng chỉ và huy động vàng.
Cái lợi đối với Ngân hàng Nhà nước là có thể đa dạng hóa dự trữ quốc gia, tăng lượng vàng dự trữ. Bên cạnh đó, có thể quay vòng qua các nghiệp vụ thị trường vàng thế giới để sinh lời, trả lãi cho người gửi vàng và phí cho các ngân hàng thương mại. Như vậy, bằng cách này, cả hệ thống ngân hàng, nền kinh tế và người dân đều có lợi.

VŨ DŨNG - NCĐT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét