Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

13:15

Trách nhiệm xã hội - văn hóa doanh nhân  

Doanh nghiệp với cộng đồng, cộng đồng với doanh nghiệp có mối quan hệ mật thiết không thể tách rời. Về đạo đức, triết lý doanh thương của doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Đem vốn vào làm những công cuộc ích nước lợi dân".

Đây chính là triết lý kinh doanh của doanh nhân chân chính. Đối với doanh nhân Việt Nam, triết lý ấy còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc bởi được thấm đẫm trong truyền thống dân tộc. Đất nước qua bao năm chiến tranh, những vết thương vẫn đau nhức nhối, nhiều mảnh đời vẫn còn lam lũ, đất nước vẫn còn nghèo nên vươn tới mục tiêu "dân giàu, nước mạnh" chính là khát vọng thiêng liêng, cháy bỏng. Khát vọng đó đang đặt trách nhiệm lên vai tất cả những ai mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, trong đó đội ngũ doanh nhân nước Việt có vai trò quan trọng.

Mới đây, trong cuộc tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh một vấn đề rất sâu sắc: Khác với các nước khác, ở nước ta phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển. Bởi vậy, doanh nhân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh cần có ý chí, quyết tâm làm giàu chính đáng, đồng thời tích cực tham gia xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng...

Cũng trong tuần qua, cả nước tổ chức kỷ niệm 67 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 22 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân. Tặng quà thương binh, gia đình liệt sỹ, giao lưu, gặp gỡ truyền thống, không chỉ để tri ân những người đã ngã xuống, những người đã mất một phần xương máu trong cuộc trường chinh bi tráng và hào hùng để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, để mỗi người dân được sống trong hòa bình, độc lập, mà còn nhân lên đạo lý uống nước nhớ nguồn trường tồn trong lòng dân tộc.

Những năm tháng không thể nguôi quên ấy đang nhắc nhở chúng ta phải sống xứng đáng với cha anh. Và hôm nay đây, vẫn có những người lính đang tiếp tục đổ mồ hôi, xương máu nơi đảo xa đầu sóng, nơi biên cương mù mây cho sự bình yên cho Tổ quốc. Và nữa, rất nhiều cựu chiến binh đang từng ngày sống hết mình để cuộc sống có thêm những nụ cười...

Nhưng một thực tế đang hiện hữu trong đời sống kinh tế xã hội hôm nay là không ít doanh nghiệp đã bất chấp tất cả để đạt cho bằng được lợi nhuận cao. Họ không cần biết và cũng không muốn biết ở vùng sâu, vùng xa, còn rất nhiều cựu chiến binh đã đi qua lửa đạn với những vết thương không thể lành theo năm tháng, những gia đình liệt sĩ, những đứa trẻ đau đớn trong nghiệt ngã của di chứng chất độc da cam... đang cần được sự giúp đỡ và sẻ chia trong cuộc sống hằng ngày. Không đếm xỉa đến trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng, họ đầu tư, bạt mạng chi tiêu để rồi khi mất vốn thì kêu ca, phàn nàn, đổ cho Nhà nước, cho người dân gánh chịu. Đáng buồn hơn, một số cơ quan quản lý đã cho phép, nếu không nói tiếp tay cho những hành động vô trách nhiệm ấy. Những điều này đang gây bức xúc trong xã hội và đang đặt đội ngũ doanh nhân chân chính trước nhiều câu hỏi.

Doanh nhân - anh là ai? Doanh nhân Việt Nam khác doanh nhân thế giới như thế nào? Ai đã mang lại hòa bình, độc lập; ai đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển?... Giới doanh nhân phải nghĩ, phải tự nhìn lại chính mình để tìm ra câu trả lời thành thật nhất, sâu sắc nhất.

Không có doanh nghiệp sẽ không có nền kinh tế và không có nền kinh tế, đất nước không phát triển. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nước nhà đóng góp trên 70% nguồn thu ngân sách, thu hút 7,4 triệu lao động. Những con số nói được khá nhiều điều. Trên thực tế, vai trò, vị trí của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân ngày càng được khẳng định trong xã hội. Ngày 13-10 hằng năm đã được lấy làm "Ngày doanh nhân Việt Nam". Cùng với đó, hàng loạt hoạt động tôn vinh vị thế của doanh nhân, doanh nghiệp trong tiến trình phát triển. Đảng, Nhà nước đã tạo mọi điều kiện có thể cho doanh nghiệp hoạt động. Gần đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TƯ về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về cơ chế, chính sách; tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng hơn nữa để doanh nghiệp trưởng thành cùng đất nước.

Trong một thế giới hội nhập nhưng cũng đầy biến động hiện nay, đất nước chỉ có thể phát triển khi có nền chính trị ổn định và một nền kinh tế vững mạnh. Do vậy, Đảng, Nhà nước, các thế hệ người dân đã dành trọn tình cảm, niềm tin, thậm chí đã "thắt lưng buộc bụng" cho doanh nghiệp, cho những hạt nhân của nền kinh tế. Nhưng như vậy không có nghĩa là khi đã được ưu ái, họ có thể bất chấp tất cả để chạy theo lợi ích cục bộ, lợi ích bản thân. Doanh nghiệp không thể " bịt mắt", trước những khó khăn của Chính phủ, của đất nước, không thể không biết đến những mong mỏi của người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa, nơi biên cương, hải đảo, trong đó có những thương binh, con em liệt sĩ, nạn nhân chất độc da cam...

Kinh doanh có thể sòng phẳng nhưng không thể tài trợ tiền tỷ cho các hoạt động từ thiện (khoan nói những khoản tài trợ mà đằng sau đó là các kiểu đánh bóng thương hiệu) có nghĩa là xong. Bởi một lẽ đơn giản và hiển nhiên, không phải những đồng tiền đấy doanh nghiệp tự nhiên mà có. Một môi trường kinh doanh thuận lợi hôm nay được tạo ra bằng máu và nước mắt của các thế hệ người Việt. Cũng chính vì vậy, chúng ta không thể chấp nhận những doanh nghiệp núp bóng các chương trình giàu tính cộng đồng của Nhà nước (Người Việt dùng hàng Việt, đưa hàng bình ổn giá về nông thôn...) để thanh lý hàng tồn kho, thậm chí tung ra những loại hàng kém chất lượng (ở mức độ nào đó có thể xem là hàng giả).

Trong chiến tranh, người chiến sĩ đi tiên phong trên mặt trận chống quân thù. Trong thời bình, doanh nhân - doanh nghiệp là những người lính tiên phong trên thương trường hội nhập. Tiên phong không có nghĩa là muốn làm gì thì làm. Không ai có quyền tách khỏi đội hình, những người lính tiên phong trong thời bình cũng phải tuân thủ nguyên tắc, trên hết là nguyên tắc của trái tim, là cái "tâm" được kết tinh và biểu hiện trong cụm từ "văn hóa doanh nhân", "văn hóa doanh nghiệp"... Cũng vì vậy có rất nhiều người là doanh nhân, có rất nhiều doanh nghiệp làm ăn thành đạt nhưng không phải doanh nhân, doanh nghiệp nào cũng có văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp.

Nhưng cùng với những điều kiện chung về nguyên tắc kinh doanh trên thế giới nhưng doanh nhân Việt Nam phải có bản sắc dân tộc, yêu nước, vì mình, vì mọi người... Doanh nhân Việt Nam có phẩm chất không thể chỉ tìm lợi nhuận bằng bất cứ giá nào.

Thể hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội là chuẩn mực văn hóa doanh nhân. Ngược lại điều đó là phi văn hóa, phản nhân văn, và không thể có chỗ trong một xã hội giàu truyền thống nhân ái, đang hội nhập phát triển cùng thế giới.

(HNM) Cù Xuân Trường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét