Đừng né tránh vấn đề nhạy cảm
Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên thường trực Ban Bí thư Phan Diễn đặt vấn đề: Nước ta không thiếu hiền tài, tại sao chúng ta lại để đội ngũ cán bộ ở vào tình trạng bất cập như vậy?
Nhiều năm giữ cương vị ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư, ông Phan Diễn tự đúc kết một bài học tâm đắc trong công tác xây dựng Đảng, đó là: “Tất cả những vấn đề gay cấn trong hoạt động lãnh đạo của Đảng thì chúng ta tuyệt đối không bao giờ nên tránh né”. Ông Phan Diễn nói:
- Kinh nghiệm công tác của tôi cho thấy nếu cơ quan lãnh đạo biết chỉ đạo, hướng dẫn cho cơ quan tham mưu đưa những vấn đề gay cấn ra bàn ở cấp cao nhất, không né tránh, trên tinh thần xây dựng thì bao giờ vấn đề cũng được giải quyết một cách tốt đẹp. Những ý kiến đúng bao giờ cũng thắng thế và chúng ta cũng có thể đi đến những quyết định, những giải pháp tốt. Nếu cứ dĩ hòa vi quý thì chỉ làm hỏng việc. Khả năng đi đến quyết định đúng, đi đến làm sáng tỏ vấn đề nào đó là rất lớn nếu được lãnh đạo đặt ra một cách thẳng thắn.
* Trở lại vấn đề thời sự hiện nay, ông có suy nghĩ gì về một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng tại Hội nghị trung ương 4 đang diễn ra?
"Không nên cứ lo trước lo sau, cứ bảo nhạy cảm rồi không dám đặt ra. Tất nhiên khi đặt vấn đề thì phải có phương pháp, có lý có tình, nhưng nói chung những vấn đề càng gay cấn càng phải đặt lên bàn nghị sự" Ông Phan Diễn |
- Tôi nghĩ rằng khi đề cập việc có những cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, yếu kém về năng lực, đó là nói về công tác cán bộ. Bởi vì chắc chắn rằng đất nước ta không thiếu hiền tài, tại sao chúng ta lại để đội ngũ cán bộ ở vào tình trạng bất cập như vậy? Trước hết, Đảng cần kiểm điểm thấu đáo về đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ. Hiện nay, trong đội ngũ cán bộ có những trường hợp xem ra chưa chọn được người có đức, có tài để đảm nhiệm các vị trí công tác như chúng ta mong muốn. Vậy cần sửa đổi cái gì? Tôi nghĩ rằng phải cụ thể hóa tiêu chuẩn từng chức danh, định rõ tiêu chuẩn về đức, về tài một cách cụ thể đối với chức danh cán bộ các cấp.
* Bên cạnh việc xây dựng mới tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cụ thể đối với từng chức danh, từng đối tượng cán bộ, theo ông, còn vấn đề quan trọng nào khác trong bối cảnh hiện nay?
- Trong các tiêu chí, tiêu chuẩn để bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo trong bộ máy nhà nước, theo tôi, không nên có tiêu chuẩn phải là đảng viên. Vì mặc dù hiện nay chúng ta không có quy định, nhưng trong xã hội thật sự đang có quan niệm, tập quán không thành lời văn nhưng được thực hiện một cách rất phổ biến, đó là nếu không phải đảng viên thì rất khó hoặc gần như không thể được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo. Chúng ta hiểu rằng người tài không chỉ có ở trong Đảng mà còn có ở ngoài xã hội. Nếu đặt vấn đề phải là đảng viên mới được làm lãnh đạo thì rất dễ làm cho ai đó muốn vào Đảng vì động cơ không đúng. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho họ tha hóa.
* Để xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp trung ương, đáp ứng được yêu cầu, một trong những yếu tố quan trọng là phải thực hiện được cơ chế “có vào có ra, có lên có xuống” một cách bình thường?
- Theo tôi, trong công tác cán bộ của ta hiện nay vẫn có chuyện chỉ cần anh không phạm khuyết điểm, sai lầm lớn và chưa đến tuổi về hưu thì rất khó thay thế. Nếu có thay đổi thì anh cũng giữ chức vụ tương đương hoặc đi lên. Nếu xác định rằng chất lượng đội ngũ cán bộ còn những mặt chưa đáp ứng yêu cầu, theo tôi, không nên đợi hết nhiệm kỳ mà nên rà soát, đánh giá lại tình hình cán bộ các cấp để thay đổi, điều chuyển những trường hợp cần thiết một cách kịp thời, đáp ứng đòi hỏi của tình hình.
* Như vậy cần phải xây dựng và thực hiện tốt chế độ miễn nhiệm, từ chức, cho thôi việc... để thay thế cán bộ kém phẩm chất và năng lực?
- Trong công tác nhân sự có thể có những trường hợp không đánh giá đúng cán bộ ngay từ đầu, cho nên nếu có cán bộ nào đó đã được đề bạt vào các cấp lãnh đạo nhưng qua thực tế làm không tốt hoặc không xuất sắc thì phải có cơ chế thích ứng để thay thế nhanh hơn. Công tác cán bộ đụng đến con người nên không thể tùy tiện, nhưng nếu thấy rằng người nào đó không còn xứng đáng chẳng lẽ chúng ta cứ để tiếp tục? Tất nhiên sẽ có chuyện quan hệ, nhưng chúng ta phải đặt tất cả xuống dưới lợi ích chung.
Để cho nhân tố mới dễ được phát hiện hơn và sớm được bố trí vào vị trí cần thiết, phải suy nghĩ về cách làm thế nào để những người có năng lực, có tâm huyết dám ra ứng cử và người dân, người đảng viên mạnh dạn đề cử, nghĩa là mở rộng quyền đề cử, tự ứng cử... Tất cả những việc đó đối với nước ta còn chưa quen, chúng ta vẫn quen theo nếp lâu nay.
* Thưa ông, phải xử lý nghiêm đối với những cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống?
- Theo tôi, vừa rồi làm chưa đủ nghiêm, chính cái không nghiêm này đã dẫn đến xói mòn lòng tin của người dân. Có thời kỳ chúng ta tương đối nghiêm, xử nhiều vụ án lớn, kể cả cán bộ cấp cao nên tình hình kỷ cương của xã hội được chấn chỉnh. Đã đến lúc phải tạo ra được bước tiến mới trong công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, cơ hội...
Tôi muốn nêu hai vấn đề. Thứ nhất, đánh giá lại cách lãnh đạo của Đảng đối với công tác nội chính, từ đó xem chỗ nào cần điều chỉnh, chỗ nào cần hoàn thiện thêm. Thứ hai, về mô hình ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, không nên để bên cơ quan hành pháp, vì đây là cơ quan phải điều hành hằng ngày về kinh tế - xã hội. Ví dụ như chủ tịch tỉnh tốt hay không tốt, mà khi đã là người đá bóng thì không thể khách quan bằng anh thổi còi. Nếu hỏi để cơ quan này ở đâu thì theo tôi có thể để ở Quốc hội.
Hiện nay mỗi cấp đều có các vụ án, vụ việc lớn mà dư luận quan tâm. Nếu công tác điều tra, truy tố, xét xử được đôn đốc kịp thời về thời gian và không để “chìm” xuồng, xử lý nghiêm khắc đúng pháp luật thì chắc rằng khí thế cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực sẽ lên cao.
Phải giám sát cán bộ lãnh đạo Theo ông Phan Diễn, Phải thực hiện công tác giám sát đối với những người có chức vụ quyền hạn một cách thường xuyên và có hiệu lực. Không cho phép ai đó khi đã trở thành cán bộ lãnh đạo thì dễ dàng thao túng. “Ở đây, tôi muốn nói rằng công tác nhân sự của ta đã đạt được nhiều thành tựu, chúng ta có rất nhiều cán bộ tốt, gương mẫu, nhưng không thể không có những biện pháp giám sát, tạo cơ chế để quần chúng, đảng viên giám sát người lãnh đạo. Lĩnh vực nào đó, vấn đề nào đó còn yếu kém, khuyết điểm thì phải có người chịu trách nhiệm chính. Ở ta việc thực hiện văn hóa từ chức còn ít lắm” - ông Diễn nói. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét