Quyết toán thuế thu nhập cá nhân 2011:
Miễn thuế cũng như không
Từ tháng 8 đến nay, nhiều người chỉ có thu nhập tính thuế từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống sẽ không được miễn thuế thu nhập cá nhân như cách hiểu lâu nay. Theo tính toán sẽ có rất nhiều người bị loại khỏi danh sách miễn thuế.
Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư hướng dẫn xác định thu nhập để làm căn cứ xác định miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm tháng cuối năm 2011. Điều bất ngờ là căn cứ để miễn thuế TNCN dựa trên bình quân thu nhập 12 tháng trong năm chứ không dựa vào thu nhập năm tháng cuối năm 2011, thời gian được miễn thuế theo nghị quyết của Quốc hội.
Theo tính toán, với cách tính trên sẽ có rất nhiều người bị loại khỏi danh sách miễn thuế.
Chỉ miễn cho thu nhập bậc 1
Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, chỉ những cá nhân, hộ kinh doanh có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh nhỏ hơn hoặc bằng 5 triệu đồng/tháng mới được miễn thuế TNCN. Nếu thu nhập tính thuế cao hơn 5 triệu đồng thì không được miễn.
Bộ Tài chính cũng nêu rõ cổ tức mà cá nhân thực nhận từ ngày 1-8-2011 đến hết ngày 31-12-2012 do đầu tư chứng khoán, góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp cũng được miễn thuế. Trước đây một số DN có quyết định chia cổ tức trước ngày 1-8-2011 nhưng cổ đông thực nhận sau 1-8 đã làm văn bản hỏi cục thuế địa phương thì được trả lời do việc chia cổ tức được thực hiện trước 1-8 nên không được miễn thuế. Ngoài ra, trường hợp cá nhân chuyển nhượng cổ phiếu (được trả thay cho cổ tức) từ ngày 1-8-2011 đến hết 31-12-2012 cũng được miễn thuế TNCN đối với thu nhập từ cổ tức.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng giảm 50% số thuế TNCN đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân trong giai đoạn từ ngày 1-8-2011 đến hết ngày 31-12-2012.
Với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công nhỏ hơn hoặc bằng 5 triệu đồng/tháng trong thời gian từ ngày 1-8 đến hết ngày 31-12, hằng tháng tổ chức, cá nhân trả thu nhập vẫn phải kê khai thuế nhưng tạm thời không khấu trừ thuế. Với cá nhân có thu nhập tính thuế lớn hơn 5 triệu đồng/tháng, tổ chức trả thu nhập phải khấu trừ thuế trên toàn bộ thu nhập chịu thuế.
Thiệt cho người lao động?
Bộ Tài chính cũng hướng dẫn cách xác định công thức tính số thuế được miễn đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công; từ kinh doanh của cá nhân có thu nhập tính thuế ở bậc 1 theo cách tính bình quân thu nhập 12 tháng trong năm 2011.
Nghị quyết quy định 5 tháng Nghị quyết Quốc hội quy định: miễn thuế thu nhập cá nhân từ ngày 1 tháng 8-2011 đến hết ngày 31 tháng 12-2011 đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 của biểu thuế lũy tiến từng phần quy định tại Luật thuế thu nhập cá nhân. Nghị định 101 của Chính phủ quy định thêm: thu nhập tính thuế làm căn cứ xác định việc miễn thuế là thu nhập tính thuế bình quân tháng của cá nhân thực nhận trong năm 2011. |
Do chỉ ưu đãi với cá nhân có thu nhập tính thuế ở bậc 1 biểu thuế lũy tiến từng phần, tức nhỏ hơn hoặc bằng 5 triệu đồng/tháng, nên theo các chuyên gia, cách tính dựa trên thu nhập trung bình các tháng trong năm không có lợi cho người nộp thuế bằng cách tính thu nhập trung bình năm tháng cuối năm.
Lý do là thu nhập của những tháng đầu năm, đặc biệt tháng 1, tháng 2, thường cao hơn những tháng cuối năm do đây là thời điểm đơn vị chi trả thu nhập thưởng tết cho người lao động. Do vậy, nếu căn cứ trên thu nhập bình quân các tháng trong năm để miễn thuế sẽ có nhiều trường hợp người lao động có thu nhập tính thuế bình quân năm tháng cuối năm nhỏ hơn hoặc bằng 5 triệu đồng/tháng nhưng lại bị loại khỏi danh sách miễn thuế.
Theo luật sư Trần Xoa - giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, theo tinh thần của nghị quyết 08 của Quốc hội và theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại công văn 10790 của Bộ Tài chính, cơ quan chi trả đã không thu thuế của các lao động có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công nhỏ hơn hoặc bằng 5 triệu đồng/tháng trong khoảng thời gian từ ngày 1-8 đến hết ngày 31-12-2011.
Do vậy, trong trường hợp trên, khi quyết toán năm, cá nhân trên sẽ bị truy thu thuế. Theo ông Xoa, như vậy là không công bằng vì tinh thần nghị quyết của Quốc hội là miễn thuế TNCN năm tháng cuối năm với người có thu nhập tính thuế ở bậc 1 biểu thuế lũy tiến từng phần do tình hình kinh tế cuối năm khó khăn. Hướng dẫn như nghị định 101 và thông tư 154 dẫn đến người lao động bị mất quyền lợi.
Trước kia theo dự thảo nghị định, người lao động được chọn lựa cách tính có lợi cho mình: thu nhập bình quân các tháng trong năm hoặc bình quân năm tháng cuối năm. Tuy nhiên khi ban hành nghị định chính thức chỉ còn một cách tính là lấy bình quân thu nhập 12 tháng trong năm, làm triệt tiêu quyền lợi chính đáng của người lao động đã được Quốc hội cho.
Hiện nay các cơ quan chi trả cũng rối với hướng dẫn mới. Trước đây, sau khi Quốc hội có nghị quyết về miễn thuế TNCN cho cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh ở bậc 1 của biểu thuế lũy tiến từng phần, Bộ Tài chính đã có công văn 10790 chỉ đạo các cục thuế địa phương thông báo cho các doanh nghiệp không được tạm thu trước của người lao động. Nay sắp phải quyết toán năm, nhiều lao động thuộc diện phải truy thu thuế năm tháng cuối năm đã nghỉ việc thì ai sẽ chịu trách nhiệm nộp số thuế truy thu?
So sánh cách tính thu nhập chịu thuế dựa trên bình quân thu nhập 12 tháng và thu nhập của 5 tháng cuối năm: Giả sử ông C có thu nhập bình quân bảy tháng đầu năm là 10 triệu đồng/tháng, năm tháng cuối năm 9 triệu đồng/tháng, không có người phụ thuộc. (*) Nếu tính riêng thu nhập bình quân năm tháng cuối năm thì năm 2011 ông C chỉ nộp thuế TNCN bảy tháng đầu năm: 350.000 đ x 7 = 2.450.000 đồng. Năm tháng cuối năm được miễn thuế. Nếu tính bình quân cả năm thì ông C phải nộp: 308.000 đ x 12 tháng = 3.696.000 đồng, tức tăng thuế phải nộp là 1.246.000 đồng. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét