Món Việt qua gu ẩm thực của Đại sứ Mỹ
Tôi thích món ăn Việt vì vừa cay, vừa nhiều gia vị. Tôi thích phở, bún chả và bánh xèo nhất. Nhưng, nói chung, món ăn Việt nào đối với tôi cũng ngon. Các món ăn vỉa hè bao giờ cũng là những món ngon nhất. - Đại sứ David Shear
Trước bữa ăn trưa, ông đã uống thử nước vối. Ông thấy vị nó thế nào?
Đây là lần đầu tiên tôi uống nước vối. Về Hà Nội tôi sẽ ra chợ xem có bán không? Liệu tôi có mua được ở Hà Nội không?
Có chứ, nước vối đã trở nên khá phổ biến ở Hà Nội trong những năm gần đây. Thậm chí ông có thể uống nước vối trong một số quán cà phê. Uống miễn phí.
(Cười) Ồ, thế thì càng hay.
Ông có thích bữa trưa hôm nay không?
Toàn đồ biển. Tôi rất thích đồ biển, nên cũng thích đi những tỉnh duyên hải.
Ông thấy điều gì hay nhất trong văn hoá Việt Nam ?
Tôi quan tâm nhiều đến văn hoá ẩm thực. Tôi thích ăn các món ăn Việt, tôi thích uống cà phê Việt. Thú nhất đối với tôi là, vào buổi chiều, ngồi ở một quán cà phê ven đường. Hai vợ chồng vừa uống cà phê, vừa nói chuyện.
Còn đối với món ăn Việt, thì bất kể vào nhà hàng sang trọng, hay ghé quán ăn bên đường, chúng tôi vẫn luôn được thưởng thức những món ăn Việt rất ngon.
Ông đã biết nấu món Việt chưa?
Mới bắt đầu học thôi.
Tôi biết một chuyên gia ẩm thực Việt Nam . Ông xuất bản một cuốn sách ảnh về các món ăn Việt khắp mọi miền tên là "Culinary Vietnam " (Bếp Việt).
Ồ, có thể tôi cũng có cuốn sách đó, nhưng tôi không nhớ tên tác giả. Tên ông ta là gì?
Tên của ông ta là Daniel Hoyer, tôi đã phỏng vấn ông cho báo Sài Gòn Tiếp Thị. Nếu ông muốn nói chuyện với ông ta về ẩm thực Việt Nam, tôi sẽ tìm số phone cho ông.
Có chứ. Xin cám ơn anh.
Cuốn sách của ông Hoyer đặc biệt ở chỗ nó không chỉ giới thiệu cách nấu các món ăn của các vùng miền của Việt Nam, mà ông còn giới thiệu về những vùng miền đó nữa. Cho nên, nó giống như một cuốn Atlas về văn hoá, lịch sử và ẩm thực, hơn là một cuốn sách dạy nấu ăn thuần tuý.
Tuyệt vời. Tôi nhất định phải gặp ông ấy. Tôi thích món ăn Việt vì vừa cay, vừa nhiều gia vị. Tôi thích phở, bún chả và bánh xèo nhất. Nhưng, nói chung, món ăn Việt nào đối với tôi cũng ngon.
Ông hay ăn ở nhà hàng, hay tại các quán vỉa hè, hơn?
Cả hai. Các món ăn vỉa hè bao giờ cũng là những món ngon nhất.
Thế khi ông bà ngồi ăn ở vỉa hè, có ai nhận ra đây là ông bà đại sứ không?
Đôi khi. Cũng do tôi làm cái video trước khi sang Hà Nội. Mọi người xem và nhận ra tôi.
Hà Nội với tôi rất duyên dáng. Tôi thích kiến trúc Hà Nội, nhất là những toà nhà mang tính lịch sử, thích con người Hà Nội.
Hai vợ chồng tôi thường đi dạo trong thành phố, sau đó đi ăn. Chúng tôi thường đi ô tô đến hồ Hoàn Kiếm, rồi xuống đi bộ quanh hồ. Hoặc đi khám phá phố cổ.
Tôi dự định sẽ ăn Tết (Nguyên Đán) ở Hà Nội. Lúc đó, tôi sẽ cưỡi chiếc xe đạp lượn quanh các con phố vắng tanh, để khám phá thêm về thành phố này.
Xe đạp của ông là xe của Mỹ, hay của Trung Quốc?
Mỹ chứ.
Ông luôn mang theo khi ra nước ngoài?
Đúng vậy.
Nó bao nhiêu tuổi rồi?
12 tuổi.
Nó cùng ông đi bao nhiêu nơi?
Thế còn hồi ở Bắc Kinh?
Hồi ở Bắc Kinh, tôi có một chiếc xe Trung Quốc hiệu "Flying Pegeon". Nặng lắm.
Ông đi một mình hay chở vợ ông sau lưng?
Không. Vợ tôi cũng có một chiếc.
Sở thích của ông là gì?
Nghe nhạc. Nhạc gì cũng được.
Tôi thích đọc sách, nhất là đọc sách, khi ngồi trong quán cà phê.
Tôi cũng thích chơi tennis, và đạp xe.
Và thích nhất là ăn, và nấu ăn.
Ông có biết nấu những món Nhật, hay món Tàu không?
Món ăn Á do vợ tôi nấu. Tôi nấu các món ăn Mỹ.
Trong Lễ Tạ ơn (Thanksgiving) hồi tháng trước, tôi đã làm món gà tây bỏ lò.
Còn trong các bữa ăn Giáng Sinh, tôi luôn làm món bít tết.
Anh có biết nấu ăn không?
Hồi sinh viên tôi nấu ăn cũng khá. Ít nhất bạn bè tôi nói như vậy. Nhưng khi lập gia đình, vợ tôi đã huỷ hoại cái khả năng đó của tôi.
À, tôi hiểu. Có vợ khiến anh trở nên lười biếng hơn.
Quan trọng hơn là vợ tôi nấu ăn rất giỏi.
Anh chỉ có một cậu con trai mà anh đã kể?
Không. Một con trai và một con gái.
Đẹp đấy.
Đúng hơn là bình đẳng, bình đẳng giới.
(Cười) À, đúng vậy.
Vợ tôi làm ở Trung ương Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam mà. Cách Khách sạn ông đang ở (49 Hàng Chuối) có mấy nhà thôi. Chiều nào tôi cũng đi ngang qua chỗ ông, khi đến đón vợ tôi.
Chỗ đó tôi đang ở tạm vì toà biệt thự dành cho Đại sứ Mỹ đang phải sửa chữa.
Toà biệt thự ở Tông Đản? Ông biết không, ngày xưa tôi từng làm việc ở đó đấy. Chỗ đó trước là Trung tâm Báo chí Nước ngoài, Bộ Ngoại giao.
Thế thì khi toà nhà sửa xong, nhất định tôi sẽ mời anh tới chơi.
Đọc trong bản giới thiệu về ông, thấy ông có tập môn võ Kendo của Nhật Bản. Tại sao ông lại thích Kendo?
Bởi nó có ích không chỉ cho cơ thể bạn, mà còn tốt cho tinh thần nữa. Tính kỷ luật và khả năng tập trung cao là những đòi hỏi để có thể giỏi về Kendo. Tập Kendo là cách tốt nhất để có được khả năng tự kiểm soát bản thân và khả năng tập trung cao.
Tôi tập Kendo với vợ tôi. Vợ tôi còn giỏi hơn tôi, nên khi tập tôi luôn phải cảnh giác bà ấy.
Tại sao ông không tìm câu lạc bộ ở Hà Nội để tiếp tục tập Kendo?
Tôi không biết là có câu lạc bộ nào hay không nữa.
Năm ngoái, khi tôi tới tư gia của Đại sứ Nhật Yasuaki Tanizaki, tôi đã được gặp chủ tịch một CLB Kendo ở đó. Bản thân ông Đại sứ cũng là người từng tập Kendo.
Thế à? Chắc ông ấy giỏi hơn tôi.
Ông có nghĩ ông sẽ học môn võ gì đó của Việt Nam không?
Tôi rất thích xem biểu diễn võ thuật truyền thống ở Việt Nam với nhiều người tham gia. Nhưng, bây giờ, có lẽ tôi đã hơi già để lại bắt đầu tập võ.
Không. Chúng tôi có những môn võ rất nhẹ nhàng, thoải mái (nhu quyền).
Tôi có thể giới thiệu với ông câu lạc bộ võ cổ truyền Nhất Nam .
Anh nhắc lại tên đi?
Nhất Nam . Ông chưởng môn (Võ sư Ngô Xuân Bính) là người đã phát triển môn võ này ở nước Nga. Chính ông là người dạy võ thuật cho đội cận vệ của ông Putin.
Nhất định tôi phải đi xem thế nào. Nhưng mà có lẽ tôi vẫn phải dành thời gian để cải thiện khả năng đánh golf.
À, golf là môn thể thao ưu thích của các nhà ngoại giao mà.
Tôi nghĩ ở Việt Nam rất nhiều người chơi golf, chứ đâu chỉ riêng dân ngoại giao.
Ông đã đánh ở những sân nào?
Tôi mới tới đánh thử ở hai sân.
Ông có nhớ câu nói của ông Vũ Khoan, người đã cùng bà Barshefski ký BTA, tại hội thảo hôm đó, không? Ông ấy nói rằng bây giờ hỏi ông ấy là sân golf nào chơi tốt hơn, thì ông ấy dễ trả lời hơn là Việt Nam nên tham gian sân chơi TPP như thế nào?
(Cười) Ông ấy nói cho vui thôi mà, tôi biết.
Hôm nay anh có thấy thú vị không? Một ngày trong đời một đại sứ Mỹ.
Đúng vậy. Có lẽ, ngày mai tôi sẽ post một phóng sự ảnh lên Vietnamnet, với tiêu đề "Một ngày đi tỉnh của Đại sứ David Shear".
Ý tưởng hay lắm.
Còn bài viết, thay vì theo kiểu "blog phóng viên" như đã trao đổi với Beau, có lẽ tôi nên để nguyên là cuộc trò chuyện thì tự nhiên hơn. Quả thực tôi thấy trò chuyện với ông rất thoải mái và thú vị.
Cũng hay. Này, tôi có nói gì sai, Chris?
Christopher W. Hodges (Tham tán Thông tin - Văn hoá, người ngồi ở ghế trước): Không hề, thưa Ngài.
Vậy thì tốt thôi.
Anh đã từng phỏng vấn những người tiền nhiệm của tôi?
Tôi chỉ phỏng vấn Đại sứ "Pete" Peterson và Đại sứ Michael Marine. Riêng Đại sứ Peterson ông Sếp người Nhật của tôi và tôi đã phỏng vấn ông tại toà nhà ở Láng Hạ, ngay sau khi BTA được ký kết.
Trong phòng làm việc của Đại sứ?
Vâng.
Đó vẫn là phòng làm việc của tôi. Toà nhà đó cũ kỹ quá rồi, và còn quá chật chội nữa.
Anh biết không, chúng tôi có khá đông nhân viên, nên phải chia ra làm ba chỗ làm mới đủ. Dở nhất là chúng tôi không thể tổ chức Giáng sinh cho nhân viên đại sứ quán và gia đình của họ cùng tại một địa điểm cho vui vẻ, ấm cúng.
Vì vậy, một ưu tiên quan trọng nữa trong nhiệm kỳ của tôi là cố gắng trước khi về Washington sẽ thoả thuận với chính quyền Hà Nội một địa điểm mới để xây dựng toà đại sứ mới. Tất nhiên, đổi lại, chính quyền Washington sẽ phải tìm một địa điểm mới cho Việt Nam xây toà đại sứ mới.
Hy vọng là mọi chuyện sẽ suôn sẻ. Giá đất ở cả hai thủ đô đang rớt mạnh do khủng hoảng mà.
(Cười) Tôi cũng hy vọng như vậy.
Ông có dự định gì với kỳ nghỉ Giáng sinh và Năm mới sắp tới?
Hai vợ chồng tôi có kế hoạch đi nghỉ ở Đà Lạt.
Tại sao lại là Đà Lạt mà không phải nơi khác trong kỳ nghỉ Giáng Sinh?
Bởi vì đó là địa danh mà bất cứ ai cũng muốn đến và phải đến, cùng với Sa Pa , Vịnh Hạ Long, Đồng bằng Sông Cửu Long, hay Sơn La. Vậy tại sao không đến Đà Lạt vào kỳ nghĩ lễ Giáng sinh cơ chứ?
Xin cám ơn ông, và chúc một kỳ Giáng sinh vui vẻ.
(Vietnamnet) Huỳnh Phan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét