LIỀU THUỐC MẠNH TRỊ THAM NHŨNG
Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình và cùng với đó phải là quá trình nhìn lại những thành tựu cũng như nhận diện những thách thức mới. Cũng giống như một vận động viên với sức chịu đựng dẻo dai, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc giảm nghèo và duy trì tăng trưởng kinh tế, thậm chí qua cả thời kỳ suy thoái toàn cầu. Nhưng Việt Nam vẫn đang tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn, trong đó có vấn đề tham nhũng.
Tham nhũng không phải là vấn đề riêng của Việt Nam , cũng không phải là một vấn đề mới. Thật vậy, nền kinh tế của Việt Nam đã tăng trưởng rất tốt trong những năm gần đây bất chấp tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ tham nhũng. Có ý kiến rằng, nếu tham nhũng có thể bôi trơn bánh xe tăng trưởng thì “tại sao phải tập trung chống tham nhũng khi tăng trưởng mạnh như vậy?". Nhưng đây là một câu hỏi sai. Đúng ra phải hỏi: "Liệu tốc độ tăng trưởng sẽ cao như thế nào và nền kinh tế sẽ công bằng hơn đến mức nào nếu tham nhũng được kiểm soát tốt hơn?".
Hiện nay đã có khá nhiều bằng chứng từ khắp nơi trên thế giới về tác động của tham nhũng đối với các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng. Những nhà đầu tư muốn tìm kiếm địa điểm hoạt động an toàn và hiệu quả có thể sẽ ngần ngại vì nạn tham nhũng, thậm chí dù chỉ tham nhũng "vặt". Một số khác có thể vẫn chọn đầu tư, do bị lôi kéo bởi nguồn lao động chăm chỉ hay nền kinh tế năng động, nhưng họ sẽ phải đối mặt với chi phí và rủi ro cao hơn. Các công ty ít do dự hơn, muốn đi đường tắt, sẽ có được lợi thế cạnh tranh. Cho dù sẵn sàng trả tiền hay không, việc phải trả các khoản thanh toán không chính thức sẽ làm tăng chi phí của công ty.
Không chỉ có các công ty trung thực bị ảnh hưởng mà cả người dân, khi các công trình của nhà nước được xây dựng với chất lượng thấp hơn và chi phí cao hơn. Nếu quyết định đầu tư được đưa ra mà có dính líu đến tham nhũng, thì thay vì có những dự án hiệu quả, ta sẽ có các dự án hiệu quả kém, được xây dựng không đúng chỗ với mức chi phí không phù hợp. Thực tế, các chuyên gia kinh tế Việt Nam đã lưu ý rằng tại Việt Nam , phải mất nhiều vốn hơn để tạo ra cùng lượng GDP so với hầu hết các quốc gia khác. Đây là hậu quả của đầu tư công kém hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiệu quả đầu tư kém, trong đó chắc chắn có tác động tham nhũng. Và khi một số công chức, công ty được hưởng lợi ích cá nhân với chi phí do xã hội gánh chịu, nạn tham nhũng sẽ làm giảm công bằng cũng như hiệu quả. Đây không phải là một phép tính có tổng bằng không. Những tổn thất đối với xã hội, khi mà người bệnh chưa được chăm sóc tới nơi tới chốn, trẻ em chưa có được điều kiện học tập đầy đủ, và chi phí làm đường quá đắt, lại là lợi ích cho những kẻ vô đạo đức, những kẻ đã xúc phạm niềm tin của cả hệ thống vì lợi ích của riêng mình. Việt Nam xứng đáng được hưởng điều tốt hơn như thế.
Để chống tham nhũng có hiệu quả, không chỉ cần việc thực thi pháp luật mạnh mẽ, mà còn phải tăng tính minh bạch. Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc cải thiện tính minh bạch đối với nhiều lĩnh vực, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Như đã được nhấn mạnh trong Báo cáo Phát triển Việt Nam 2010, do Ngân hàng Thế giới cùng với các đối tác khác biên soạn, mặc dù có rất nhiều văn bản pháp luật yêu cầu công khai những thông tin nhất định, trong thực tế rất khó có được thông tin. Một nghiên cứu gần đây về tính minh bạch trong quản lý đất đai cung cấp thêm bằng chứng cho việc này: mặc dù các tài liệu phải được công bố trực tuyến, chỉ có một nửa trong số các trang web của các tỉnh thực sự có đưa thông tin như báo cáo sử dụng đất, và chỉ 9% số tỉnh có bản đồ về hiện trạng sử dụng đất trên mạng. Các quy định về tính minh bạch không được thực hiện đầy đủ. Và Báo cáo Phát triển Việt Nam 2012, được phát hành mới đây tại hội nghị tư vấn các nhà tài trợ, đã đưa ra một bức tranh hoàn chỉnh hơn - xét về trung bình, những chuyển động thực hiện minh bạch tốt hơn có mức độ tham nhũng thấp hơn một cách đáng kể.
Cho dù là các khoản chi không chính thức đang bám theo người dân và các công ty, hay là việc phân bổ sai nguồn lực trong doanh nghiệp nhà nước, tham nhũng buộc những người dân Việt Nam lương thiện và chăm chỉ phải rất mất sức khi đóng góp vào sự phát triển; và sự thiếu minh bạch khiến họ phải sa sút những niềm tin cụ thể. Với một Quốc hội khóa mới và sự khởi đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội mới, đây chính là thời điểm để thổi một sức sống mới cho việc xây dựng tính minh bạch và thúc đẩy việc phòng, chống tham nhũng. Những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được thật đáng khen ngợi, và chúng ta hãy cùng nghĩ đến một Việt Nam có thể vươn xa thế nào nếu những liều thuốc phòng, chống tham nhũng ấy phát huy tác dụng mạnh mẽ.
(TNO) Victoria Kwakwa
Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại ViệtNam
Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét