Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

19:53

Quyền "đuổi đầy tớ” của dân

Khi nhân dân không thực quyền trong tuyển dụng và sa thải "đầy tớ" thì tính chịu trách nhiệm của các "đầy tớ" trước nhân dân của toàn bộ bộ máy nhà nước nói chung sẽ thấp. Tính chịu trách nhiệm thấp sẽ dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thấp, tham nhũng tăng.

"Ông chủ", "đầy tớ" và nạn nhân của tệ tham nhũng
Trong những lần khẳng định: ở nước Việt Nam, mọi quyền bính đều thuộc về nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định rõ mối quan hệ giữa Chính phủ và người dân. Người viết: "Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta"[1]. "Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa"[2]. Như vậy, Người đã luôn khẳng định: Dân là chủ, Chính phủ là "đầy tớ" của dân.
"Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ". Quyền "đuổi Chính phủ" này cũng được hiểu là quyền của người dân - "ông chủ" "đuổi đầy tớ". Nhưng từ "thời dân chủ cộng hòa" cho đến nay, đã hơn sáu mươi lăm năm qua, người dân vẫn chưa biết "đuổi đầy tớ" bằng cách nào, khi "đầy tớ" "không làm được việc cho dân".
Hiện nay, một doanh nghiệp dân doanh thì không cần áp dụng luật chống tham nhũng, cũng không cần đến các ban bệ phòng, chống tham nhũng, chỉ cần đến một tổ chức rất đơn giản là Ban kiểm soát, nhưng tham nhũng trong doanh nghiệp - cũng như trong khu vực dân doanh - rất thấp. Các cổ đông trong doanh nghiệp dân doanh không cần đưa ra lý lẽ, bằng chứng về những vi phạm của ban giám đốc, nhưng ban giám đốc vẫn rất sợ bị sa thải, bởi các cổ đông này có thể hành xử quyền "đuổi đầy tớ" một cách trực tiếp, nguyên vẹn, không bị cắt xén. Trong khu vực doanh nghiệp nhà nước thì lại có rất nhiều các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng "cùng nhau đan lưới", nhưng những vụ việc kiểu Vinasin vẫn dễ dàng "lọt lưới". Hiện tượng này có thể được lý giải bởi lý do: tất cả các "cơ quan đan lưới" này không phải là nạn nhân trực tiếp của tệ tham nhũng. Thậm chí, trong lòng "những con cá lọt lưới" có phần còn biết ơn "những bàn tay kéo lưới" thô vụng một cách đáng ngờ.
Ai mới là nạn nhân cuối cùng của tệ tham nhũng? Nạn nhân của tệ tham nhũng thì nhiều, không chỉ riêng người dân mà có cả công chức, thậm chí quan chức cấp cao trong một số trường hợp cũng có thể trở thành nạn nhân của tệ tham nhũng. Nhưng quan chức chỉ là số ít. Và họ ít khi là nạn nhân cuối cùng của tệ tham nhũng, vì có thể, ở chỗ này họ là nạn nhân, nhưng ở chỗ khác có thể họ lại được hưởng lợi từ tham nhũng. Chỉ có người dân mới là nạn nhân cuối cùng của tham nhũng, nạn nhân truyền kiếp nếu vẫn còn tệ tham nhũng. Họ có thể bị tác động trực tiếp khi phải đưa dấm dúi phong bì ở "cửa quan", có thể bị tác động gián tiếp khi tiền thuế mà họ đóng góp đã không quay lại phục vụ nhân dân mà chảy vào túi tư.
Các nạn nhân này, với tư cách là người chủ đất nước, đang tìm cách và luôn tìm cách khắc chế tham nhũng, nhưng phải thừa nhận là hiện tại, họ - ông chủ - đang thiếu công cụ của một người chủ thực thụ để thực hiện quyền "đuổi đầy tớ".
Tuyển "đầy tớ"
Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định nguyên tắc "các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân", "nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ" trong bối cảnh đất nước mới giành được độc lập, khoảng 80% dân chúng còn mù chữ và cuộc sống còn muôn vàn khó khăn khác, nhưng để đảm bảo quyền "đuổi đầy tớ" của nhân dân thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn dắt thông qua Hiến pháp 1946 với nhiều quyền dân chủ thực sự, đã tiến hành một cuộc bầu cử công bằng và kết quả là đã hình thành nên một Chính phủ chịu trách nhiệm trước nhân dân. Trong cuộc bầu cử 1946, chưa có cơ chế hiệp thương, các ứng viên được lựa chọn địa bàn ra ứng cử (đơn vị bầu cử nào), chứ không phải do Hội đồng bầu cử trung ương phân bổ như bây giờ[3]. Bởi vậy, các ứng viên đã lựa chọn nơi mình có nhiều mối quan hệ gắn bó nhất, và theo họ, là nơi cử tri có hiểu biết về họ nhiều nhất, để ra ứng cử. Chính vì vậy, sự hiểu biết của cử tri về ứng cử viên rất tốt, đặc biệt là mối quan hệ lợi ích giữa ứng viên và cử tri rất gắn bó, mặc cho phương tiện truyền thông thời đó rất lạc hậu. Một đơn vị bầu cử có thể có tới hàng chục ứng cử viên, nên tính cạnh tranh giữa các ứng cử viên rất cao. Tất cả các ứng cử viên này đều phải "thi đấu" hết mình trước nhân dân và hồi hộp chờ kết quả từ sự phán xét của cử tri.
Ứng cử viên ngày nay cũng hồi hộp trong bầu cử, nhưng đỉnh điểm của sự hồi hộp diễn ra trước kỳ bầu cử. Bởi vì trước khi bầu cử sẽ diễn ra quá trình hiệp thương. Hiệp thương hứa hẹn một kết quả bầu cử đẹp: mỗi đơn vị bầu cử không có quá nhiều hay quá ít ứng viên, tỷ lệ nam nữ, thành phần dân tộc, các ngành, vùng miền, thành phần dân cư... của đại biểu dân cử sẽ được cơ chế hiệp thương sàng lọc trước khi cuộc bầu cử thực sự diễn ra. Với cơ chế hiệp thương, việc cung cấp danh sách các ứng cử viên gần như được quy về duy nhất một "nhà cung cấp". Các ứng cử viên có thể được phân bổ về một địa phương xa lạ và một đối thủ cạnh tranh xa lạ. Việc Ủy ban thường vụ Quốc hội ấn định tỷ lệ, thành phần đại biểu Quốc hội (ĐBQH)[4] có thể ví với việc cấp quota xuất nhập khẩu.
Cơ chế cấp quota xuất nhập khẩu là một đặc điểm dẫn đến việc cộng đồng quốc tế chưa thừa nhận Việt Nam có một nền kinh tế thị trường tự do đầy đủ. Thì cũng như vậy đối với cơ chế "cấp quota ứng cử viên đại biểu nhân dân". Thị trường cung ứng "công bộc nhân dân" chỉ tự do cho bên mua (tự do cho cử tri), nhưng đối với bên cung ứng (các ứng cử viên) thì phải được cấp quota và trải qua ba vòng chọn lọc của cơ chế hiệp thương.
Trong khi đó, một thị trường cạnh tranh tự do thực sự chỉ tồn tại khi cả bên mua và bên cung ứng đều có quyền tự do thực thụ; thiếu tự do cho một trong hai bên thì thị trường chưa thể được xem là hoàn hảo. Vì thị trường thiếu hoàn hảo nên chưa cần cuộc bầu cử chính thức diễn ra thì người dân Việt Nam trước đó  đã có thể biết được cơ bản người "chăn dân" là ai, "đầy tớ" của mình là ai. Điều này dẫn đến một hệ quả tiếp theo, là người "chăn dân" sẽ đặt mối quan tâm và chú trọng hàng đầu đến việc làm hài lòng người có quyền "phân phối quota", sắp xếp cuộc bầu cử, sau đó mới đến dân nguyện, vì họ phải tìm cách làm sao mà chưa cần bầu cử thì thiên hạ đã tin là họ sẽ đắc cử. Vì những yếu tố trung gian này trong quá trình tuyển dụng "công bộc", nên ý chí của nhân dân sẽ bị khúc xạ, tán xạ khi đi qua các bộ lọc (filter) của cơ chế hiệp thương. Hay nói cách khác, quyền tuyển dụng "công bộc" của nhân dân bị suy giảm, nên các "công bộc" ngày nay sẽ được nhiều tự do hơn so với "công bộc" được nhân dân tuyển dụng vào năm 1946.
Sau khi Quốc hội khóa XIII thông qua nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm 4 Phó Thủ tướng và 22 Bộ trưởng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu nhậm chức. Người đứng đầu Chính phủ cam kết: "Chúng tôi nguyện sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, thường xuyên học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, thực sự là công bộc (tác giả nhấn mạnh) của dân, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước".
Chúng ta không hề nghi ngờ lời cam kết của Thủ tướng, nhưng vì những yếu tố gây khúc xạ, tán xạ này, nên Thủ tướng và Chính phủ sẽ rất khó để làm "công bộc" mẫu mực của dân khi toàn bộ hệ thống cán bộ, công chức còn lại đang được tuyển dụng và phục vụ nhân dân theo cách thức, cơ chế cũ.
Sa thải "đầy tớ"
Ấy là nói về việc thực hiện quyền lực của nhân dân trong việc tuyển dụng "công bộc", còn việc đuổi những "đầy tớ" "không làm được việc cho dân" - hay theo cách nói dân gian là các "đầy tớ hư" - lại càng khó hơn. Vì theo Điều 56 Luật Tổ chức Quốc hội thì khi "ĐBQH không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy theo mức độ phạm sai lầm mà bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm".
Như vậy, điều kiện đầu tiên để có thể bãi nhiệm là nhân dân phải chứng minh đại biểu phạm sai lầm, mà việc chứng minh phạm sai lầm của người đại biểu thì không dễ, vì họ thường không trực tiếp thực hiện công việc mà chỉ nắm vị trí lãnh đạo. Và "ông chủ" trong trường hợp này không thể "đuổi đầy tớ" chỉ vì không thích, không đạt được kỳ vọng; đặc biệt không thể đuổi "đầy tớ" khi họ không chịu làm gì cả, vì không làm gì cả thì sẽ không phạm sai lầm nào.
Và kể cả khi đại biểu phạm sai lầm rồi thì câu chuyện "đuổi đầy tớ" không phải là câu chuyện giữa "người chủ" và "đầy tớ" mà là câu chuyện giữa "đầy tớ to" và "đầy tớ bé", giữa "đầy tớ tập thể" và "đầy tớ cá nhân". Bởi vì, nhân dân chỉ được trực tiếp tiến hành bỏ phiếu bãi nhiệm ĐBQH khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định đưa vấn đề này ra trước dân. Và thực tiễn cho thấy, lịch sử Việt Nam chưa có lần nào xảy ra việc đưa ĐBQH ra cho cử tri trực tiếp bỏ phiếu bãi nhiệm. Mặt khác, tuy Điều 56 đoạn 1 Luật Tổ chức Quốc hội có nêu là đề nghị bãi miễn đại biểu có thể xuất phát từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc hoặc từ chính cử tri. Nhưng quyền khởi xướng đề nghị bãi miễn của cử tri trên thực tế bị vô hiệu hóa, bởi không có văn bản nào hướng dẫn tiếp theo về thủ tục hình thành đề nghị bãi miễn, số lượng cử tri cần thiết phải có cho một đề nghị bãi miễn...
Với hai bất cập về bãi miễn người đại biểu này thì dẫn đến "ông chủ" không có quyền trực tiếp hình thành nên đề xuất "đuổi đầy tớ" và cũng không có quyền tự mình trực tiếp "đuổi đầy tớ". Và khi nhân dân không thực quyền trong tuyển dụng và sa thải "đầy tớ" thì tính chịu trách nhiệm của các "đầy tớ" trước nhân dân của toàn bộ bộ máy nhà nước nói chung sẽ thấp. Tính chịu trách nhiệm thấp sẽ dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thấp, tham nhũng tăng.
Muốn khắc phục được hiện tượng này thì những vấn đề bầu cử, bãi nhiệm cần phải được quy định ở tầm hiến pháp, thay vì nằm rải rác ở Luật Bầu cử ĐBQH, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Quy chế hoạt của Hội đồng nhân dân...  vì đây là những vấn đề sống còn, gốc rễ của chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Khi được điều chỉnh ở tầm hiến pháp, thì cần cân nhắc bỏ cơ chế hiệp thương hoặc chí ít là chỉ hiệp thương một vòng thay vì ba vòng như hiện nay. Với trình độ dân trí năm 1946, chúng ta vẫn tiến hành thành công một cuộc bầu cử dân chủ, công bằng và tự do thì không có lý gì, dân trí Việt Nam 65 năm sau lại tụt lùi đến mức không đủ trình độ lựa chọn ai là người đại biểu đích thực của mình, dẫn đến cần phải có người định hướng, ấn định sẵn cơ cấu thành phần Quốc hội cho mình.
(Theo Tạp chí Nghiên cứu Luật pháp) TS Võ Trí Hảo
[1] Thư gửi Ủy ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, báo Cứu quốc số ra ngày 17/10/1945.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, NXB Sự Thật, trang 283.
[3] Điều 14 Khoản 7 Luật bầu cử ĐBQH
[4] Điều 30, 32, 43 Luật bầu cử ĐBQH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét