Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

06:50

Nói và làm:
Độc quyền, minh bạch và giá thị trường  

Thực hiện giá cả thị trường trong khi sự minh bạch thông tin và môi trường cạnh tranh chưa được thực thi sẽ gây ra nhiều lo ngại và tiềm ẩn những rủi ro không mong muốn.

Bộ Tài chính đã một lần nữa khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình giá cả thị trường và chậm nhất đến 2013, tất cả các mặt hàng quan trọng như đều phải theo agiá thị trường. Đi kèm đó, Bộ Tài chính cũng cho biết, cơ quan chức năng sẽ thanh tra, kiểm toán toàn diện Petrolimex và EVN để đảm bảo điều hành giá minh bạch. Đây là điều cần thiết để đảm bạo mọi quyết định tăng giá theo thị trường được chính xác và khách quan. Tuy nhiên, lộ trình giá thị trường đã được đặt ra nhưng những lo ngại về độc quyền, thiếu minh bạch vẫn còn nên chưa thể giải tỏa hết mọi bức xúc.

Trong tuần qua, giá điện đã bất ngờ được điều chỉnh tăng thêm 5%. Một thông báo ngắn gọn được ban ra trước 1 ngày khiến nhiều người giật mình và càng bức xúc hơn thời gian thực hiện điều chỉnh này chỉ có 1 ngày. Đi kèm theo đó không có bất cứ một thông tin giải thích nào ngoài lời dẫn được sự đồng ý của Bộ Công thương.

Điều này thực sự gây sốc và bức xúc cho nhiều người không chỉ vì mức độ và thời điểm tăng giá. Mà hơn thế, cách thức và những thông tin trong quyết định đầu tiên mà EVN được tự quyết giá trong giới hạn 5% đã thể hiện vị thế và phong cách độc quyền của DN.
Vì thế, không có gì khó hiểu khi rất nhiều chuyên gia và người dân đặt vấn đề lo ngại về việc giao quyền tự quyết giá cho EVN trong khi đơn vị này vẫn giữ vị thế độc quyền sẽ chưa đựng nhiều nguy cơ bất lợi cho thị trường, người dân và nền kinh tế.

Dù tăng giá 5% nhưng nếu tăng cao hơn thì người dân vẫn không có một lựa chọn nào khác người EVN để sử dụng điện. Và một suy luận đã được đặt ra, dù hạn chế 5% nhưng EVN sẽ tăng giá đến bao nhiêu cũng được nếu đơn vị này tăng giá thành nhiều lần trong 1 năm. Và khi, 2011 đã trở thành một tiền lệ tăng giá điện hai lần trong một năm thì lo ngại trên không phải là thiếu cơ sở.

Cùng với tăng giá điện, một bản kiểm toán đã được đưa ra với rất nhiều lo ngại về hoạt động của EVN từ thua lỗ, nợ nần cho đến những thông tin lương quá cao, đầu tư ngoài ngành thua lỗ, quản lý tài chính yếu kém... Tất cả những điều này, một lần nữa gây ra lo ngại về sự hiệu quả hoạt động và tính hợp lý của việc tăng giá điện.

Đặc biệt, từ câu chuyện lương cao trong thua lỗ, một lần nữa vẫn đề chi phí hoạt động, giá thành điện... lại được đặt ra. Đây là yếu tố quan trọng nhất để thuyết minh cho sự hợp lý của việc tăng giá bất kỳ mặt hàng nào. Tuy nhiên, điều này chưa bao giờ được công khai và minh bạch.

Vì thế, trước quyết định tăng giá và lộ trình giá thị trường đã đặt ra nhưng vẫn chưa thấy những điều kiện rõ ràng về minh bạch thông tin và kiểm soát độc quyền trong lĩnh vực này. Sự bất cân xứng đó hẳn là điều lo ngại không còn phải chứng minh.

Cùng với điện, trong tuần qua, những thông tin từ việc kiểm tra 4 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cũng một lần nữa cho thấy một sự sai lệch lớn giữa những phát ngôn về thua lỗ và đòi hỏi tăng giá của DN với thực chất hoạt động kiếm lãi, chia chác của các đơn vị này với những thành viên trong hệ thống của mình.

Kiểm tra đã cho thấy, đa số các DN không lỗ như họ kêu ca mà thậm chí còn có lãi lớn. Không chỉ các công ty mẹ lãi mà các DN con, các đại lý cũng được "chia phần" khi được cắt lại phần hoa hồng rất cao. Từ đó, một nghi vấn về chuyển lãi thành lỗ của các đơn vị kinh doanh xăng dầu đã được đặt ra.

Thông tin từ kết luận kiểm tra đã bóc lộ một phần vốn đã bị nghi ngờ của các DN kinh doanh xăng dầu. Và điều đáng nói là rất nhiều thông tin trước đây được công bố bởi chính DN hay cả những cơ quan quản lý đã không hoàn toàn chính xác. Và tất nhiên, những quyết định tăng giá được đưa ra dựa trên những thông tin này luôn bị nghi ngờ và bức xúc là điều dễ hiểu.

Trong khi, sự minh bạch chưa được thực hiện, sự kiểm soát còn hạn chế thì những quyết định tăng giá luôn tiềm ẩn những bất hợp lý và bất lợi cho người tiêu dùng, nền kinh tế.

Có thể nói, từ EVN, Petrolimex cho đến nhiều DNNN nhà nước khác đang giữ thế độc quyền đối với các lạo hàng hóa, dịch vụ khác thì sự minh bạch thông tin luôn là một điều chưa bao giờ được thực hiện một cách đầy đủ. Và thật đáng tiếc, khi minh bạch là một trong những điều kiện cần thiết để thực thi giá cả thị trường, cùng với sự đảm bảo từ một môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng.

Lộ trình giá thị trường đã được đặt ra và thực thi một cách không dễ dàng trong những năm qua. Tuy nhiên, đây là điều cần thiết phải được thực hiện để thực thi nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như đã đề ra. Mục tiêu để điện, xăng dầu, than... theo giá thị trường là điều ai cũng hiểu là phải làm. Tuy nhiên, để làm được thì cần những điều kiện đảm bảo thực thị để có giá cả một cách phù hợp nhất.

Trong đó có sự cần thiết trước tiên về minh bạch thông tin, về phát triển một thị trường cạnh tranh và cũng như một sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý... Tuy nhiên, thật đáng tiếc là những điều đó chưa được thực hiện đầy đủ, và đáng lo ngại hơn, khi lộ trình giá thị trường được đẩy mạnh hơn thì vẫn chưa có nhiều báo hiệu cho thấy những điều kiện còn lại sẽ được thực thi tốt. Đó có thể là rủi ro lớn nhất trong quá trình thực thi giá cả thị trường.
(Theo VEF.VN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét