Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

10:38

 Chấn chỉnh tập đoàn vẫn chưa có lối ra

Có vẻ như Chính phủ đã rất quyết tâm chấn chỉnh hoạt động của tập đoàn kinh tế nhà nước khi tổ chức một phiên họp quan trọng hôm 9-12 nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động của các “đại doanh nghiệp” này, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phụ trách mảng tài chính và Hoàng Trung Hải phụ trách mảng công thương chủ trì hội nghị.

Tập đoàn kinh tế là mô hình tổ chức trong khu vực kinh tế nhà nước được thí điểm từ năm 2005, theo đó các doanh nghiệp có quan hệ về vốn hoặc hợp tác tập hợp lại tạo thành những doanh nghiệp khổng lồ chi phối cả ngành công nghiệp mà tập đoàn đó đang hoạt động.
Các tập đoàn này nắm vai trò thống lĩnh trong các ngành công nghiệp chủ chốt của kinh tế Việt Nam bao gồm: cao su, tàu thủy, than - khoáng sản, dầu khí, điện lực, dệt may, bảo hiểm, hóa chất, xây dựng, phát triển nhà và đô thị.
Theo báo cáo tổng kết của Bộ Kế hoạch Đầu tư, cho đến nay, đã có 12 tập đoàn kinh tế được thí điểm thành lập, trong đó có 11 tập đoàn kinh tế do Thủ tướng quyết định thành lập và một tập đoàn kinh tế được Thủ tướng phê duyệt.
Hiện nay, 11 tập đoàn kinh tế đang nắm giữ tới 30% tổng giá trị tài sản, 51% tổng vốn chủ sở hữu và gần 40% lao động của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Nếu tính tổng số doanh nghiệp của toàn bộ nền kinh tế thì 11 tập đoàn kinh tế này cũng chiếm tới 10% tổng giá trị tài sản, trên 14% tổng số vốn chủ sở hữu và 7,6% lao động hợp đồng dài hạn.
Báo cáo này cũng cho biết tổng vốn đầu tư ngoài ngành của 11 tập đoàn lên tới trên 19.500 tỉ đồng đổ vào chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng...; vừa gây thất thoát vốn nhà nước vừa tạo hỗn loạn cho môi trường kinh doanh. Có thể nói các tập đoàn đã góp phần đáng kể vào tình trạng nợ nần của khu vực quốc doanh, được phản ánh là cao gấp 12 lần so với khu vực ngoài nhà nước. Số liệu thống kê sau đây cho thấy rõ tình hình này. Năm 2009, nợ của 81/91 tập đoàn, tổng công ty nhà nước (chưa tính Vinashin) đã là 813.435 tỉ đồng. Nếu tính cả nợ của Vinashin, theo báo cáo của Bộ Tài chính là 86.000 tỉ đồng, thì nợ của khu vực doanh nghiệp nhà nước đến năm 2009 đã lên tới 54,2% GDP của năm 2009.
Cả những doanh nghiệp được quá nhiều ưu đãi về cơ chế kinh doanh như Tập đoàn Điện lực và Tổng công ty Xăng dầu cũng luôn gánh trên mình những món nợ khổng lồ nhưng đầy nghi vấn về nguồn gốc.
Gánh nặng nợ nần như vậy, nhưng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư, quy mô các tập đoàn ngày càng tăng là do vốn vay. Những tập đoàn được đánh giá làm ăn có lãi thì mức lời không cao, chưa tương xứng với những ưu ái và hỗ trợ mà Chính phủ dành cho. Đặc biệt, lợi nhuận của các tập đoàn đang có xu hướng giảm dần.
Ngay cả những trường hợp có lợi nhuận cao thì tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu cũng chỉ đạt khoảng 12 - 13% như trường hợp của PetroVietnam và Viettel, tức là thấp hơn cả lãi suất ngân hàng.
Vậy thì đâu là những vướng mắc của tập đoàn kinh tế nhà nước hiện nay? Vướng mắc lớn nhất, theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, là chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh đối với hoạt động của các tập đoàn, mà nguyên nhân là do vẫn chưa có sự tách bạch rõ ràng chức năng chủ sở hữu và chức năng quản lý về mặt nhà nước, cũng như chưa có cơ quan nào là đầu mối giám sát và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của các tập đoàn.
Đứng trước thực tế này, Bộ Kế hoạch Đầu tư đề xuất các tập đoàn phải niêm yết trên thị trường chứng khoán để cải thiện tính minh bạch và khả năng quản trị và kiến nghị Quốc hội thực hiện vai trò giám sát quyền chủ sở hữu của Nhà nước tại các tập đoàn.
Vướng mắc thứ hai là tình trạng đầu tư tràn lan ngoài ngành, đến nay vẫn chưa khắc phục được hậu quả nợ nần. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phiên họp chấn chỉnh các tập đoàn hôm 9-12 đã kiên quyết yêu cầu các tập đoàn phải thoái vốn ra khỏi những ngành kinh doanh không phải trọng tâm, phải xây dựng quy chế tài chính, điều mà Vinashin vì không thực hiện nên đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế.
Ông yêu cầu ngay trong quý I năm 2012, các bộ liên quan phải hoàn thành sắp xếp lại các tập đoàn kinh tế nhà nước theo hướng rà soát lại các tập đoàn mà nhà nước cần nắm 100% vốn, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các tập đoàn nhà nước không cần nắm 100% vốn.
Thế nhưng phía các tập đoàn, đứng dưới giác độ kinh doanh lại có suy nghĩ khác. Lãnh đạo nhiều tập đoàn cho rằng họ cần một cơ chế tổ chức linh hoạt hơn là quản lý cứng nhắc khiến có thể bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh. "Cơ hội" ở đây được hiểu là tranh thủ kinh doanh ngoài ngành nghề chính mà theo các tập đoàn là khó tránh khỏi, khi doanh nghiệp đã khai thác hết khả năng phát triển của ngành nghề chính.
Phản ứng và cách lý giải của lãnh đạo các tập đoàn không có tính thuyết phục với nhiều cơ quan chức năng. Hiện nay, tổng đầu tư ngoài ngành của 11 tập đoàn lên đến hơn 19.500 tỉ đồng, tức gần 1 tỉ USD, trong đó dẫn đầu là Tập đoàn Dầu khí (6.708 tỉ đồng), Tập đoàn Công nghiệp Cao su (3.848 tỉ đồng), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (2.107 tỉ đồng). Đó là chưa kể trong tình hình công cuộc phát triển còn quá nhiều chương trình, kế hoạch tầm cỡ phải làm mà ưu thế thuộc về các doanh nghiệp lớn được Nhà nước giao vai trò chủ đạo, thì việc sử dụng lượng tiền lớn đầu tư ngoài ngành chẳng qua là vì lợi ích cục bộ.
Thực tế việc chấn chỉnh, tổ chức lại các tập đoàn hiện nay vẫn chưa có lối ra vì bị trì kéo bởi khái niệm quyền lợi. Phát biểu tại hội nghị hôm 9-12 của Thủ tướng: "Phải tổng kết sâu hơn mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước, mới dừng ở mức này là chưa thật rõ" đã là một minh họa cho tình trạng này.
Rõ ràng qua những tranh cãi về mô hình tập đoàn kinh tế nhiều năm qua, chúng ta thấy rằng Nhà nước bị lúng túng giữa hai sự lựa chọn. Một là tập đoàn được hình thành theo mô hình quản lý kinh tế của Liên Xô trước đây, trong đó Nhà nước chi phối những lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế nhằm nắm giữ nguồn lực quốc gia. Việc nắm giữ các tổng công ty trong các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế giúp Nhà nước đảm bảo một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai là chúng ta hình thành tập đoàn theo mô hình phát triển kinh tế của các nền kinh tế thành công ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, trong đó Nhà nước được coi là đại diện cho lợi ích lâu dài của cả quốc gia, có vai trò định hướng và thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa đất nước.
Cả hai mô hình phát triển kinh tế trên đây đều thể hiện vai trò định hướng và sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế quốc gia, thế nhưng bản chất lại hoàn toàn khác nhau.
Mô hình quản lý kinh tế của Liên Xô trước đây chú trọng đến mục tiêu chính trị và gắn với việc bảo tồn thể chế. Quyền lực nhà nước dựa chủ yếu vào việc nắm giữ các ngành kinh tế và mối quan hệ gần gũi giữa các cá nhân trong Chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước. Trong mô hình này, chính sách đầu tư của Nhà nước bị chi phối bởi một số nhóm lợi ích đặc quyền trong khi các lợi ích khác bị gạt ra ngoài quá trình hoạch định chính sách.
Còn ở các nước châu Á thành công, nền kinh tế nằm dưới sự giám sát của những cơ quan nhà nước có quyền lực lớn và trong đó chính sách của Nhà nước không bị chi phối nhiều bởi những mối quan hệ cá nhân hay tham nhũng mà dựa vào năng lực quản lý của các cơ quan này. Can thiệp của Nhà nước đóng vai trò định hướng cho sự thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa và tăng hàm lượng công nghệ trong sản phẩm quốc nội. Cụ thể là các chính sách kinh tế của Chính phủ thường hướng các khoản đầu tư vào lĩnh vực ưu tiên mà Chính phủ đặt ra nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, tăng năng suất lao động, và năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp và của nền kinh tế nói chung.
Một khác biệt cơ bản nữa là trong mô hình của Liên Xô trước đây, Nhà nước không thể và không sẵn sàng kỷ luật những tập đoàn nói riêng và doanh nghiệp nhà nước nói chung khi các đơn vị này làm ăn thua lỗ. Trong khi đó, mô hình các nước châu Á phát triển là bắt buộc các doanh nghiệp phải làm ăn có hiệu quả, nếu không sẽ phải chấp nhận phá sản. Cạnh tranh là động lực quan trọng nhất cho đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, và hiệu suất sử dụng nguồn lực.
Nghiên cứu sự khác biệt của các mô hình kinh tế này dưới nhiều góc cạnh khác nhau sẽ giúp tìm ra một mô hình tổ chức tập đoàn kinh tế phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của chúng ta.
(Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần) Phạm Thành Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét