Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

01:10

Đình chỉ tuyển sinh ba trường đại học, cao đẳng

Theo kết luận thanh tra Bộ GD&ĐT về việc thực hiện cam kết thành lập trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2011, ba trường bị đình chỉ tuyển sinh là ĐH Văn Hiến, ĐH Đông Đô và CĐ CNTT TPHCM.

Cụ thể, trường ĐH Văn Hiến bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012 với lý do chưa có đất, tỷ lệ sinh viên trên giảng viên cơ hữu quá cao (4947 sinh viên/52 giảng viên, đạt 95,1%); Trường ĐH Đông Đô bị đình chỉ tuyển sinh với như ĐH Văn Hiến, tỷ lệ sinh viên 4276/77 giảng viên (55%).
Trường CĐ CNTT TPHCM bị đình chỉ tuyển sinh với lý do diện tích đất quá nhỏ, tỷ lệ sinh viên trên giảng viên cơ hữu quá cao (6420 sinh viên/76 giảng viên, đạt 84,5%).
Cũng trong năm 2012, Bộ GD&ĐT đình chỉ tuyển sinh đối với 12 ngành thuộc bốn trường đại học. Theo đó, ĐH Chu Văn An bị đình chỉ tuyển sinh bốn ngành (Kỹ thuật xây dựng công trình, Tiếng Anh, tiếng Trung, Việt Nam học) do chưa có giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sỹ và tiến sỹ. Trường ĐH Nguyễn Trãi không được tuyển sinh hai ngành Kế toán và Quản trị kinh doanh do chưa có giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sỹ, tỉ lệ sinh viên/giảng viên cao. Trường ĐH Lương Thế Vinh không được tuyển bốn ngành (Công nghệ Kỹ thuật điện – điện tử; Công nghệ thực phẩm, Bảo vệ thực vật, Khoa học Thư viện) do chưa có giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sỹ và tiến sỹ.
Có ngành không có giảng viên cơ hữu
Theo kết luận thanh tra của Bộ GD&ĐT, qua kiểm tra, hầu hết các trường chưa thực hiện cam kết. Các chỉ tiêu theo văn bản cam kết khi thành lập trường hầu hết đều cao, nhiều chỉ tiêu quá cao, khó thực hiện được. Có trường chưa định hình được hướng phát triển như trường ĐH Hà Hoa Tiên.
Bộ GD&ĐT cho biết, tại thời điểm kiểm tra, số lượng giảng viên cơ hữu ở nhiều trường không đảm bảo. Trong số 24 trường đã kiểm tra, 10 trường dưới 100 giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn. Ba trường có số giảng viên cơ hữu chưa đến 60 người như ĐH Nguyễn Trãi có 55 giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn; trường ĐH Hà Hoa Tiên có 59 giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn; trường ĐH Văn Hiến có 52 giáo viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn.
Một số trường công lập tuyển sinh vượt quá quy mô cam kết như trường ĐH Kinh tế - Quản trị Kinh doanh – ĐH Thái Nguyên vượt 126% cam kết. Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội vừa tuyển sinh đại học, vừa tuyển sinh CĐ, THCN, dạy nghề.
Một số trường tư thục có xu hướng tuyển sinh ngày càng ít như ĐH Hòa Bình, ĐH Chu Văn An, ĐH Nguyễn Trãi, đặc biệt trường ĐH Hà Hoa Tiên chỉ đạt 4,2% cam kết.
Kết luận thanh tra của Bộ GD&ĐT cho biết, một số trường chưa xây dựng được cơ sở vật chất độc lập, ba trường chưa có đất như ĐH Văn Hiến, ĐH Nguyễn Trãi, ĐH Đông Đô; ba trường có diện tích đất dưới một ha là CĐ CNTT TPHCM, ĐH Kiến trúc Đà Nẵn, ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu. Trường ĐH Hòa Bình đã có đất nhưng khó xây dựng được cơ sở trong vài năm tới.
Bộ GD&ĐT cũng cho biết, đến năm 2013, nếu các trường này không khắc phục được các điều kiện bảo đảm chất lượng, sẽ xem xét đình chỉ hoạt động giáo dục.
(TPO) Đỗ Hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét