Vì sao thưởng Tết tới hơn 1 tỷ đồng?
Ngày 20.12, từ mức công bố tiền thưởng tết ở Hà Nội cao nhất là hơn 67 triệu đồng và TP.HCM cao nhất gần 100 triệu đồng…chỉ vài ngày sau đã có con số 700 triệu rồi đến hơn 1 tỷ đồng.
Vào dịp áp Tết, hầu hết những người lao động đều theo dõi rất kỹ trên các phương tiện thông tin đại chúng về mức thưởng tết để xem ở đâu cao nhất và hồi hộp chờ đợi mức thưởng tết của bản thân.
Mới đây, khi gặp lại thầy giáo cũ dạy ở khoa Quản lý nhân sự của một trường đại học tại Hà Nội, thầy có hỏi tôi: Các em có biết vì sao dân mình rất quan tâm tới mức thưởng tết không? Rồi thầy nói, nguyên nhân chính là mức lương của người lao động ở nước ta hiện nay còn thấp, đi làm kiểu “ăn đong” vừa lĩnh lương đã …tiêu hết.
Cả năm trời đi làm chẳng có khoản bỏ ra, đến tết chỉ để hy vọng có một khoản sắm sửa cho gia đình nên mới trông ngóng vào tiền thưởng. Nếu so sánh với các cầu thủ bóng đá tại Giải Ngoại hạng Anh, vào dịp Noel hay Tết họ vẫn “làm việc” bình thường, bởi với mức lương khoảng 2,5 nghìn bảng Anh mỗi tháng thì chẳng cầu thủ nào cần nghĩ tới tiền thưởng.
Nhưng vì sao mức thưởng lại có thể cao như thế, tới 700 triệu đồng?
Một chuyên gia về lĩnh vực tiền công, tiền lương và có nhiều năm gắn bó với người lao động cho biết, không có đủ căn cứ để đưa ra nhưng hiện tại có nhiều doanh nghiệp chuyển một phần quỹ lương sang thưởng để “lách luật” tránh việc phải đóng BHYT, BHXH, BHTN ở mức cao, và tránh được cả một khoản thuế thu nhập doanh nghiệp…
Nhận định về vấn đề này, TS Đặng Quang Điều – Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho rằng, tiền thưởng của doanh nghiệp phải dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh của một năm và năng suất lao động của từng người để chia thưởng cho lao động theo sự cống hiến.
Không bao giờ doanh nghiệp lại hào phóng tới mức thưởng cho người lao động vài trăm triệu tới hơn 1 tỷ đồng nếu lợi nhuận trong năm đó không cao. Người được nhận mức thưởng cao như thế chứng tỏ cũng phải giữ một vị trí quan trọng trong công ty, có thể là một quản lý, một giám đốc được doanh nghiệp ký hợp đồng thuê… Như vậy, bản chất cũng là việc điều phối thu nhập theo cống hiến.
Ở Việt Nam , không có quy định nào bắt doanh nghiệp thưởng nhưng thưởng có ý nghĩa rất lớn, nếu động viên tinh thần người lao động kịp thời sẽ khuyến khích họ hoàn thành tốt nhiệm vụ và gắn bó với doanh nghiệp lâu dài. Và việc thưởng cũng thực sự phải là điều phối thu nhập theo đóng góp, chứ không phải một dạng “chia chác” hay “tiền thêm” cho lao động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét