Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

13:00

 Ngân hàng trì hoãn giảm lãi suất cho vay
Dù có nhiều yếu tố thuận lợi để giảm lãi suất (LS) như chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 1%, LS huy động khống chế ở mức 14%/năm, nhưng nhiều ngân hàng (NH) vẫn cho vay với LS trên 20%/năm.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ - đối tượng được ưu tiên theo định hướng của NH Nhà nước - vẫn khó tiếp cận vốn NH. Còn người gửi tiền bức xúc vì tốc độ giảm LS cho vay không tương thích với tốc độ giảm lãi suất huy động.
Trên 20%/năm
Bà D.T., giám đốc Công ty cổ phần NB, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gia công kính tại quận Tân Bình, cho biết các khoản vay cũ trong năm 2011 vẫn phải chịu LS 23%/năm. Với LS này, nay lợi nhuận không đủ trả lãi cho NH, đặc biệt trong điều kiện đầu ra của công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các dự án xây dựng bị đình đốn. Hơn nữa, NH còn rất kén tài sản thế chấp. “NH không nhận tài sản thế chấp là máy móc thiết bị. Còn bất động sản họ lại bảo quá rủi ro” - bà D.T. nói. Trong điều kiện hiện nay, kế hoạch vay thêm khoảng 20 tỉ đồng để mở rộng xưởng sản xuất gia công cho năm sau đành phải gác lại.
Ông Trần Ngành, giám đốc Công ty văn phòng phẩm Quyky, cho biết đã gom tiền trả nợ trước thời hạn vì LS tăng lên 22%/năm. Năm 2012 ông sẽ hạn chế tối đa vay vốn NH vì LS quá cao. Trong trường hợp cần kíp ông sẽ chỉ vay tối đa 3-5 tỉ đồng để làm vốn lưu động, mua dự trữ một số nguyên vật liệu chủ yếu để sản xuất bút bi. Ông Ngành cho biết LS cho vay ngoài 19%/năm là quá sức chịu đựng của DN.
Ông Lâm Trọng Sơn, tổng giám đốc Công ty TNHH gỗ sấy Gosago, cho rằng đầu ra của DN vẫn còn khó khăn, nhất là đầu ra ở thị trường nội địa (hiện chiếm 70% tổng sản lượng sản xuất). Do vậy LS cho vay 19%/năm theo ông vẫn quá cao. “Doanh nghiệp nào cũng cần vốn để làm ăn. Nhưng thử hỏi với LS cao như vậy làm sao doanh nghiệp có thể trụ nổi?” - ông Sơn nói. Theo tính toán của ông Sơn, doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động sản xuất với LS 15-16%/năm.
Tái diễn huy động vượt trần
Lý giải nguyên nhân chậm giảm LS, lãnh đạo một NH cổ phần tại quận 1 đổ lỗi cho LS cho vay trên thị trường 2 quá cao và nguồn vốn cho vay không dồi dào. Hiện nhiều NH nhỏ vẫn phải cậy nhờ thị trường 2 trong khi muốn vay được vốn của NH bạn phải có tài sản thế chấp. Cũng theo vị lãnh đạo này, hiện nay hầu hết NH đều dư “room” tín dụng.
Tuy nhiên có thực tế khác tác động đến đà giảm của LS cho vay là việc tái diễn tình trạng huy động vượt trần. Bà L., giám đốc một DN, kể do bức xúc về việc LS huy động đã giảm xuống 14%/năm hơn ba tháng qua nhưng LS cho vay vẫn cao, bà đã đem tiền gửi NH và phát hiện nhiều NH vẫn huy động vượt trần đến 3-4%/năm. “Từ thực tế của chính mình, tôi nghiệm ra rằng nếu NHNN không kiên quyết xử lý NH huy động vượt trần thì rất khó hạ LS cho vay” - bà L. nói.
Phó tổng giám đốc một NH cổ phần tại quận 1 xác nhận có tình trạng NH huy động vượt trần và việc này ảnh hưởng đáng kể đến tình hình huy động tại NH. Theo vị phó tổng giám đốc này, thời điểm này thanh khoản tiền mặt không quá căng thẳng như vài tháng trước, nhưng cận tết doanh nghiệp cần tiền mặt để chi trả lương thưởng tết cho nhân viên nên phải âm thầm khuyến mãi để huy động vốn ngắn ngày.
“Công nghệ” huy động vượt trần tại NH ngày càng tinh vi hơn, ngoài cách chi tiền mặt, có NH yêu cầu khách hàng mở tài khoản tại NH, rồi làm thủ tục nộp rút tiền. Nhân viên NH giải thích đó chỉ là thủ tục chứ thực chất khách hàng chỉ ký giấy mà không phải nộp tiền. Thông qua tài khoản này, NH sẽ làm thủ thuật để tăng số điểm thưởng cho khách hàng và chi thưởng. Hiện đỉnh LS huy động trên thị trường đã lên đến hơn
18%/năm ở các kỳ hạn ngắn.
Thực trạng trên đang khiến mục tiêu kéo giảm lãi suất cho vay xuống theo yêu cầu của Chính phủ và NHNN gặp nhiều khó khăn. Một lãnh đạo NH cổ phần cho rằng chủ trương kéo giảm LS cho vay xuống 10%/năm cần có thời gian, nếu giảm quá nhanh, thay vì gửi VND người dân sẽ chuyển sang mua USD cất giữ.
Nguyên thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm cho biết DN nhỏ phản ảnh rất nhiều về tình trạng LS cao, làm cho sản xuất kinh doanh đình đốn. Theo ông Kiêm, huy động vốn khó khăn chính là lý do NH khó hạ LS cho vay.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hiện nay không chỉ NH nhỏ mà các NH lớn cũng phải treo thưởng hậu hĩnh để thu hút tiền gửi. Một NH vừa trao thưởng chương trình huy động dự thưởng sáng 27-12 với phần thưởng là chiếc xe Camry cho biết hơn 50% vốn huy động được qua chương trình là vàng và ngoại tệ, chứng tỏ LS huy động VND chưa hấp dẫn.
Chủ tịch hội đồng quản trị một NH quy mô nhỏ xác nhận khó huy động vốn bằng VND. “Việc đưa LS cho vay lên cao là để hạn chế cho vay, chứ NH không thể lấy lý do huy động khó, không có nguồn cho vay”, ông này nói. Theo ông này, sang năm 2012 cũng chưa hứa hẹn được điều gì mà tất cả phụ thuộc việc có huy động được vốn hay không.
Ai được vay vốn rẻ?
Vừa qua NH Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) công bố giảm LS cho vay ngắn hạn xuống còn 14,5-15,5%/năm cho một số lĩnh vực. Cụ thể, muốn được vay LS 15%/năm DN phải đạt điều kiện xếp hạng tín dụng A trở lên, có doanh số xuất khẩu lớn và cam kết bán lại ngoại tệ cho NH. DN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, DN nhỏ và vừa có xếp hạng tín dụng A trở lên, sử dụng các dịch vụ khép kín tại NH được vay LS 15,5%/năm.
Trước đó, nhiều NH khác cũng đưa ra các gói tín dụng tài trợ xuất khẩu, cho vay ưu đãi nhưng nhiều DN cho biết khó tiếp cận với các chương trình này do NH ràng buộc quá nhiều điều kiện. Báo cáo của NHNN công bố ngày 22-12 cho thấy LS cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu ở mức 15-17%/năm; cho vay sản xuất - kinh doanh khác từ 18-21%/năm; cho vay lĩnh vực phi sản xuất 22-25%/năm. So với trước thời điểm NHNN kiểm tra sát sao trần LS huy động, mức giảm không đáng kể.
(TTO) ÁNH HỒNG - TRẦN VŨ NGHI

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét