Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

23:31

Việt Nam và Trung Quốc qua cảm nhận của Đại sứ Mỹ

Mỹ và Trung Quốc vẫn duy trì quan hệ tốt, và chúng tôi vẫn tiếp tục trao đổi đoàn các quan chức cấp cao. Tất nhiên, tôi nói điều này trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam, và phần còn lại của Đông Nam Á, đang tiếp tục được củng cố và phát triển, cũng như sự hiện diện và can dự của Mỹ vào khu vực Đông Nam Á, ngày càng rõ nét và sâu sắc hơn. Tất cả là nhằm đảm bảo cho một tương lai hoà bình ổn định và thịnh vượng của khu vực này. - Đại sứ Mỹ David Shear.

"Chúng ta sẽ hiểu nhau nếu thực sự muốn hiểu nhau"
Trở lại câu chuyện TPP, ông có gặp trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam không?
Có. Tôi có tới chỗ ông ta chỉ ít lâu sau khi tôi tới Hà Nội nhận nhiệm vụ. Nhưng người mà ông ta phải giữ mối quan hệ thường xuyên và chặt chẽ là Trưởng đoàn đàm phán phía Mỹ.
Barbara Weisel? Tôi gặp bà lần đầu vào đầu năm 2006, khi bà tham gia đoàn của trưởng đoàn Barbara Dwoskin đàm phán với về việc Việt Nam gia nhập WTO. Sau họp báo, tôi hỏi bà được một câu.
Còn tôi gặp bà Weisel hồi tôi còn ở Kuala-Lumpur. Lúc đó, chúng tôi đang đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) với Malaysia. Nhưng khi TPP hình thành, nó đã trùm lên FTA đó, nên chúng tôi dừng lại, và Malaysia tham gia TPP.
Và lần thứ hai là mùa hè năm ngoái khi bà cũng với Phó Đại diện Thương mại Demetrios Marantis vào Việt Nam, để thuyết phục lãnh đạo Việt Nam tham gia đàm phán TPP như một thành viên đầy đủ. Hôm đó, sau buổi họp báo, bà đã ghi vào sổ tay của tôi địa chỉ email của bà.
Còn ông Marantis hôm đó đã xác nhận với tôi rằng chính ông là người viết bài phát biểu cho TNS Max Baucus đọc tại Hội Châu Á, đã gây tiếng vang rất lớn trong quá trình vận động PNTR (qui chế thương mại bình thường vĩnh viễn) cho Việt Nam. Bởi ông Marantins đã có thời gian hai năm ở Việt Nam, làm luật sư cho Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt của bà Ginny Foote.
Ồ, anh cũng tìm hiểu nhiều về đàm phán Việt - Mỹ nhỉ? Anh có dự Gala Dinner sau hội thảo 10 năm BTA không? Không à?
Marantis là người đã tham gia tích cực vào BTA Mỹ - Việt. Tại buổi Gala Dinner sau hội thảo 10 năm BTA, họ chiếu cái video clip, trong đó có phát biểu của ông Marantis.
Điểm thú vị nhất của Gala Dinner tối hôm đó là họ đã tạo cơ hội gặp gỡ cho hầu như tất cả những người đã tham gia vào quá trình BTA từ cả hai phía. Họ đã gặp lại nhau một cách hoàn toàn cởi mở và thân thiện. Hôm đó vui lắm.
Tôi nghĩ rằng lễ kỷ niệm BTA không chỉ có ý nghĩa là nhớ lại một kỷ niệm, dù là một kỷ niệm mang tính lịch sử. Tôi nghĩ rằng những người tổ chức sự kiện này, cũng như những người tham gia, đều mong muốn thúc đẩy Việt Nam trên con đường TPP.
Đó là một quan điểm hay. Tôi cũng cho rằng các lễ kỷ niệm nói chung không chỉ là để nhớ lại quá khứ, mà còn hướng sự quan tâm của người ta đến tương lai.
BTA tất nhiên là một thoả thuận rất tốt. Nhưng hai bên chúng ta không nên dừng lại ở đó, mà cần tiếp tục xây dựng một mối quan hệ kinh tế vững chắc hơn, chiến lược hơn, và TPP là cách tốt nhất để thực hiện điều đó.
Có lẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước là ưu tiên hàng đầu của ông trong nhiệm kỳ của mình? Ông còn có những mục tiêu ưu tiên nào khác không?
Đúng vậy. Ưu tiên về kinh tế bao gồm thúc đẩy quá trình đàm phán TPP, thúc đẩy xuất khẩu từ Mỹ sang Việt Nam. Thương mại hai chiều của chúng ta dự kiến sẽ vượt quá ngưỡng 20 tỷ USD trong năm 2011 này.
Tôi cũng muốn thúc đẩy đầu tư của Mỹ vào Việt Nam. Tôi đã đi thăm một số nhà máy của Mỹ tại Việt Nam, mỗi nhà máy có hàng trăm công nhân Việt Nam làm việc.
Ưu tiên thứ hai của tôi là thúc đẩy việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Ưu tiên thứ ba của tôi là xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa nhân dân hai nước, với trọng tâm là giáo dục, y tế và môi trường.
Tất nhiên một ưu tiên khác không thể bỏ qua là đối thoại nhân quyền, khi chúng ta vẫn còn những bất đồng trong lĩnh vực này. Nhưng tôi nghĩ chúng tôi với các đối tác Việt Nam vẫn có thể tiếp tục thảo luận với nhau để giảm dần những bất đồng đó.
Theo ông, có sự khác biệt lớn giữa cách nghĩ của người Phương Đông và người Phương Tây không?
Họ khác nhau trước hết ở lối sống, rồi đến cách tư duy. Nhưng nếu chúng ta thực sự muốn hiểu nhau, chúng ta thực sự cố gắng để hiểu nhau, chúng ta sẽ hiểu nhau. Vì vậy, theo tôi nghĩ, bất chấp sự khác biệt có hiển hiện ra bên ngoài thế nào, từ trong sâu thẳm con người chúng ta vẫn có những cái chung để chúng ta có thể giao tiếp được với nhau, và cuối cùng cũng sẽ hiểu nhau.
Mỗi đại sứ khi nhận nhiệm vụ đều xác định những mục tiêu ưu tiên, và cách tiếp cận để đạt được những mục tiêu đói. Vậy cách tiếp cận của ông như thế nào?
Tôi nghĩ cách tốt nhất để đạt được mục tiêu đó là xây dựng sự tin cậy lẫn nhau ở mức cao nhất giữa tôi với những quan chức Việt Nam mà tôi hay phải làm việc. Bởi một nhà ngoại giao không thể hoàn thành nhiệm vụ nếu chủ nhà không tin cậy anh, và ngược lại anh cũng không tin cậy nơi chủ nhà.
Và tôi nghĩ rằng đó là cách duy nhất.
Việc đi tỉnh thế này cũng là một cách xây dựng sự tin cậy lẫn nhau, bởi người ta sẽ cho rằng đối với một đại sứ Mỹ cả đất nước này đều quan trọng. Chứ không phải chỉ là Thủ Đô, hay những thành phố lớn, mới quan trọng.
Tôi thực sự tò mò là không hiểu việc lựa chọn hai địa điểm viếng thăm hôm nay, trừ cuộc làm việc với Chủ tịch tỉnh Thái Bình, là tình cờ hay có chủ ý? Một nơi là trung tâm phòng chống HIV/AIDS - một mối quan tâm đương đại vì tương lai, và bảo tàng - một biểu tượng của quá khứ.
(Cười) Chúng tôi có dự án giúp phát hiện và phòng ngừa HIV/AIDS ở khắp Việt Nam, mà mỗi năm chúng tôi bỏ ra khoảng 6 triệu USD. Cho nên, khi đến Thái Bình dứt khoát phải tìm đến thăm cơ sở đang thực hiện dự án này. Có một điều quan trọng nữa là chứng tỏ cho mọi người ở đây thấy rằng chúng tôi thực sự quan tâm đến vấn đề này như thế nào.
Còn câu chuyện bảo tàng thì liên quan đến Quỹ Đại sứ về Bảo tồn di sản văn hoá, một chương trình của Bộ Ngoại giao Mỹ trên khắp thế giới. Tôi tham gia nhiều dự án khác nhau ở Việt Nam, và tôi đang chờ đợi xem kết quả ra sao khi dự án kết thúc.
Khi chào tạm biệt ông, bà giám đốc Trung tâm Y tế Cộng đồng đã nói rằng cuộc viếng thăm của ông đã khích lệ họ rất nhiều trong việc chăm lo sức khoẻ cho cộng đồng, và họ sẽ cố gắng làm tốt hơn nữa. Ông nghĩ gì?
Tôi rất vui. Tôi luôn cố gắng động viên khích lệ những người làm những công việc phục vụ cộng đồng.
Việt Nam, Trung Quốc...qua cảm nhận của Đại sứ Hoa Kỳ
Ông đã đi một số tỉnh thành, tuy chưa nhiều. Ông có cảm thấy sự khác biệt nhiều không?
Càng đi tôi càng thấy sự đa dạng sắc tộc, đa dạng văn hoá và đa dạng vùng miền ở Việt Nam. Vì vậy tôi luôn có cảm giác thú vị trong mỗi chuyến đi. Chẳng hạn, tôi đã tới Sơn La ở miền núi phía Tây Bắc, tôi đã đến Bạc Liêu của Đồng bằng sông Mê Công, và hôm nay tôi đến Thái Bình của Đồng Bằng Sông Hồng, để thấy sự tương phản về lối sống, văn hoá...
Tôi nghĩ rằng chính sự đa dạng đó đã tạo nên gương mặt của Việt Nam đương đại.
Cảm giác của ông như thế nào, khi ở bảo tàng người ta coi ông như một minh tinh màn bạc, và chờ đợi để được chụp ảnh chung với ông?
(Cười) Người Việt Nam rất thân thiện, ấm áp và cực kỳ mến khách. Đó là lý do vì sao tôi đã nói với anh rằng tôi luôn luôn thích những chuyến đi tỉnh như thế này.
Và tôi coi tầm quan trọng của việc chúng tôi có mặt ở những nơi này và giao lưu với mọi người ở đây, chứ không chỉ gặp gỡ những gương mặt ở Hà Nội.
Cảm giác đó giống hệt với cảm giác của những người sống ở Hà Nội, như tôi, khi đi về các tỉnh.
Thế à?
Ấn tượng của ông sau khi tham quan bảo tàng (Thái Bình)?
Đó là một bộ sưu tập các di vật lịch sử phong phú. Và tôi rất vui được cộng tác với Bảo tàng Thái Bình để bảo tồn những di sản văn hoá đó. Đó là một dự án tốt, và tôi sẽ theo dõi xem kết quả thế nào.
Ông nghĩ gì về mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hoá và những dự án phát triển?
Tất nhiên. Tôi đã mục kích được niềm tự hào của người Thái Bình đối với các di sản văn hoá của họ, với quá khứ lâu đời của họ, với truyền thống văn hoá của họ. Nhưng họ cũng hãnh diện vì những gì họ đang làm để phát triển tỉnh mình về kinh tế, và họ theo đuổi mục đích này một cách rất tâm huyết.
Quay lại câu chuyện nghề nghiệp của ông. Nhật Bản là nước ngoài đầu tiên ông công tác với tư cách một nhân viên ngoại giao?
Đúng. Sau đó tôi quay về Washington. Cuối những năm '80 tôi sang Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh. Về lại Washington, rồi tiếp tục sang Tokyo, và ngay sau đó đến Malaysia...
Ông chưa bao giờ đến làm nhân viên ngoại giao ở Seoul?
Không. Tôi chỉ phụ trách về mảng Triều Tiên ở Washington. Nên khi chúng ta nói về thảm hoạ đối với BTA ở Aukland trong lúc uống cà phê, và tôi nói lúc đó tôi ở Seoul là trong chuyến công tác, khi hai bên Nam Bắc Triều Tiên đàm phán với nhau.
Vậy ông nhận thấy cái nét đặc trưng gì ở từng nền văn hoá mà ông đã sống và làm việc với tư cách là một nhà ngoại giao? Từ Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia đến Việt Nam?
Khó đấy. Tuy các nước này đều thuộc châu Á, thậm chí Đông Á, nhưng có những đặc điểm rất khác nhau.
Chẳng hạn, Nhật Bản có truyền thống lâu đời là một cường quốc biển. Họ là một dân tộc cực kỳ siêng năng.
Hay, Trung Quốc suốt một thời gian dài là thuộc địa, và cũng có một thời gian dài làm cách mạng liên tục. Điều đó giải thích tại sao mấy thập kỷ gần đây họ lại quá quan tâm đến phát triển kinh tế như vậy.
Tất nhiên, người Trung Hoa có tham vọng rất lớn cho dân tộc của họ, cũng như ấp ủ một niềm kiêu hãnh dân tộc rất lớn.
Người Việt Nam cũng rất siêng năng, chịu khó, và rất đề cao giáo dục. Đó là người Mỹ đánh giá người Việt Nam qua hình ảnh những sinh viên Việt Nam đang học tập ở Mỹ. Chính vì vậy, tôi đã nói rằng Việt Nam đã cử sang Mỹ rất nhiều đại sứ tốt.
Còn những người Mỹ sang đây đều không nghĩ rằng kinh tế Việt Nam đã phát triển như vậy. Nói chung, họ hài lòng.
Ông có nghĩ là niềm kiêu hãnh dân tộc của người Trung Hoa hiện nay có hơi quá không?
Tôi nghĩ họ tự hào là có cơ sở, bởi họ đã đi qua một chặng đường dài, kể từ khi cải cách và mở cửa vào cuối những năm '70. Tôi không nghi ngờ rằng kinh tế, và đặc biệt là xã hội, của Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển.
Mỹ và Trung Quốc vẫn duy trì quan hệ tốt. Chúng tôi vẫn tiếp tục trao đổi đoàn các quan chức cấp cao.
Tất nhiên, tôi nói điều này trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam, và phần còn lại của Đông Nam Á, đang tiếp tục được củng cố và phát triển, cũng như sự hiện diện và can dự của Mỹ vào khu vực Đông Nam Á, ngày càng rõ nét và sâu sắc hơn.
Tất cả là nhằm đảm bảo cho một tương lai hoà bình ổn định và thịnh vượng của khu vực này.
Hôm nay, ông nghĩ là nhà ngoại giao nhà nước hay nhà ngoại giao nhân dân?
Cả hai. Khi tôi gặp lãnh đạo Thái Bình, hay ký khoản tài trợ cho bảo tàng, tôi là nhà ngoại giao nhà nước. Còn lúc nói chuyện hay chụp ảnh với nhân viên bảo tàng, hay khi chúng ta ngồi ở quán cà phê, tôi là đại diện của "nhân dân" chứ, "nhân dân Mỹ".
Một lý do quan trọng khiến tôi quyết định theo nghề ngoại giao là tôi thích học ngoại ngữ, thích gặp gỡ và nói chuyện với nhiều người khác nhau, thuộc các nền văn hoá và ngôn ngữ khác nhau. Tôi muốn hiểu suy nghĩ của họ, và lý giải tại sao họ lại ứng xử thế này, hành động thế kia, mà không phải ngược lại.
Tôi nói với anh là tôi sẽ học lại tiếng Việt vào tháng tới là vì lý do như vậy đấy.
Ông sang Việt Nam mới có bốn tháng, mà tôi có cảm giác ông rất hiểu Việt Nam. Vậy trước khi sang Việt Nam, ông có nói chuyện với các chuyên gia về Việt Nam không?
Ồ, có chứ. Tôi đã có một cuộc gặp thú vị.
Vào cuối tháng 7 năm nay, sau khi tôi được phê chuẩn làm Đại sứ tại Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Quốc Cường đã mời tôi đến Đại sứ quán Việt Nam để nghe chuyên gia của ông nói chuyện và trao đổi cả buổi sáng về tình hình quan hệ Việt - Mỹ. Tôi rất biết ơn Đại sứ Cường vì buổi hôm đó, vì tôi nghe được rất nhiều thông tin bổ ích. Chúng tôi vẫn giao lưu định kỳ, và ông Cường giúp tôi rất nhiều.
Ông vẫn còn giữ liên lạc với ông giáo sư tiếng Việt của ông chứ?
Ai cơ?
TNS Jim Webb.
(Cười lớn) TNS Jim Webb đến thăm Việt Nam một ngày sau khi tôi tới Hà Nội nhận nhiệm vụ. Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên trên cương vị Đại sứ là tháp tùng ông suốt ba ngày trong những cuộc gặp quan trọng. Nhưng đó cũng là cách tốt nhất để tôi được giới thiệu với các đồng nghiệp Việt Nam, cũng như tôi hiểu thêm về TNS Jim Webb. Đó là ba ngày đáng nhớ trong đời tôi.
Các đồng nghiệp Việt NamWashington mà ông đã gặp trước khi sang đây đánh giá thế nào về triển vọng quan hệ Việt -Mỹ?
Thì tôi đã nói rồi mà.
Ý tôi là phía Việt Nam đánh giá thế nào? Họ có chia sẻ cách nhìn nhận của ông không?
Có chứ. Các nhà ngoại giao cả hai phía đồng ý rằng quan hệ giữa hai nước trong 2-3 năm trở lại đây đã có những bước phát triển khó tin, và hiện cả hai bên đều nhiệt tình với việc tiếp tục thúc đẩy nó. Nhiệm vụ của cả hai bên chúng tôi là biến lòng nhiệt tình đó thành những kết quả cụ thể.
- Xin cảm ơn ông!
(Vnn) Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét