Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

13:01

EVN kinh doanh chủ yếu nhờ vốn vay và vốn chiếm dụng


Hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN chủ yếu bằng nguồn vốn vay và vốn chiếm dụng (79,3%).
Kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2010 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn này chủ yếu bằng nguồn vốn vay và vốn chiếm dụng.

Như VnEconomy đã đưa tin, kết quả kiểm toán tại EVN cho thấy, nợ phải trả đến 31/12/201 của tập đoàn này là 239.761 tỷ đồng. Trong đó nợ ngắn hạn là 65.493 tỷ đồng, chiếm 27,31%; nợ dài hạn là 174.268 tỷ đồng, chiếm 72,69%.

Tỷ lệ  nợ phải trả/tổng nguồn vốn = 239.761 tỷ đồng/302.346 tỷ đồng = 79,3%. Tỷ lệ nợ phải trả/nguồn vốn chủ sở hữu = 239.761 tỷ đồng/56.753 tỷ đồng = 4,22 lần.

Không những thế, kiểm toán cho thấy, nguồn vốn chủ sở hữu/tổng nguồn vốn = 56.753 tỷ đồng/302.346 tỷ đồng = 18,77%. Điều đó có nghĩa, tỷ lệ nguồn vốn chủ sở hữu của EVN quá thấp. Cũng vì thế, hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN chủ yếu bằng nguồn vốn vay và vốn chiếm dụng (79,3%); vay nợ dài hạn là chủ yếu (72,69%); tỷ lệ nợ phải trả cao gấp 4,22 lần nguồn vốn chủ sở hữu, vượt quá mức giới hạn theo quy định của Chính phủ (không quá 3 lần). Tình hình tài chính khó khăn, không đảm bảo độ an toàn - cơ quan kiểm toán kết luận.

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra, tính đến 31/12/2010, EVN còn nợ tiền mua điện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) là 4.014 tỷ đồng và nợ tiền mua điện của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là 855 tỷ đồng. Đến thời điểm kiểm toán (30/6/2011) EVN còn nợ tiền mua điện của Petro Vietnam là 8.861 tỷ đồng và nợ của TKV là 1.211 tỷ đồng.

Về cơ bản, các khoản nợ phải trả đã được theo dõi, phân loại, kiểm tra, đối chiếu, xác nhận số dư cuối năm theo quy định. Tuy nhiên, công tác quản lý nợ phải trả tại một số đơn vị còn những tồn tại.

Vốn đầu tư của chủ sở hữu là 59.352,3 tỷ đồng, nhưng qua số liệu kiểm toán cho thấy EVN không bảo toàn được vốn đầu tư của chủ sở hữu, nguyên nhân chính là do kết quả kinh doanh trong năm 2010 lỗ 8.416 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối âm (-) 8.073 tỷ đồng, chiếm 13,6% vốn đầu tư và chênh lệch tỷ giá âm (-) 17.283 tỷ đồng, chiếm 29% vốn đầu tư của chủ sở hữu.

Qua kiểm toán việc quản lý nguồn vốn toàn Tập đoàn EVN còn một số tồn tại như: việc điều chuyển chi phí hỗ trợ thiết bị đầu cuối năm 2006 - 2008 từ EVN Telecom sang cho các tổng công ty điện lực số tiền 1.026 tỷ đồng dưới hình thức tăng, giảm vốn là chưa phù hợp; Tổng công ty Điện lực Miền Bắc sử dụng quỹ đầu tư phát triển chưa hợp lý để số dư luỹ kế âm (-) 31,3 tỷ đồng...

(Theo VnEconomy) SONG HÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét