Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2022

Đồng tền làm băng hoại đạo đức

 

Vụ kháng nghị của ông Nguyễn Hữu Dũng, ở TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh:

Cần xem xét vụ việc một cách thấu tình, đạt lí

Cập nhật lúc 08:00    

Chuyện đau lòng này xảy ra ở TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Anh em ruột kiện nhau ra Tòa vì lô đất là di sản của người mẹ có 6 người con. Để độc chiếm, người anh thoát li xa quê “âm thầm” lập hồ sơ để có sổ đỏ mà các chị em khác không biết. Trong khi đó, hai cấp Tòa (sơ thẩm, phúc thẩm) xét xử có dấu hiệu thiếu khách quan…

Cụ Uông Thị Uyên, sinh năm 1927, mất năm 2011, vợ của liệt sĩ Ngô Đức Cư, hi sinh năm 1954. Cụ Cư và cụ Uyên sinh được 2 người con là Ngô Thị Chung, sinh năm 1947, đi lấy chồng ở tỉnh Thái Bình;  Ngô Đức Thanh, sinh năm 1950, lớn lên đi học rồi thoát li, sinh sống lập nghiệp ở số 1, ngõ 24, phố Đào Sư Tích, phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang.

Năm 1962, cụ Uyên đi bước nữa, kết hôn với cụ Nguyễn Hữu Địch, ở xã Hàm Sơn, huyện Yên Phong, 2 cụ có 4 người con là: Nguyễn Hữu Dũng (sinh năm 1963), Nguyễn Thị Anh (sinh năm 1965), Nguyễn Thị Oanh (sinh năm 1967) và Nguyễn Thị Miên (sinh năm 1970). Năm 1972, cụ Địch qua đời.

Trong Cải cách ruộng đất, gia đình cụ Uông Thị Uyên được chia 2 gian nhà mái ngói (gọi là nhà Chiến thắng) trên lô đất 164 m2, tờ bản đồ 8P (thời kì ấy chưa có chính sách cấp nhà ở cho gia đình liệt sĩ), nay là thửa 179. tờ bản đồ 38, diện tích 169,1 m2 tại khu phố Đại Đình, phường Tân Hồng, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Suốt mấy chục năm, cụ Uyên và 6 người con cùng sinh sống trong ngôi nhà cũ trên thửa đất này. Năm 2011, cụ Uyên qua đời cũng tại đây. Ngày 13/12/1996, UBND huyện Tiên Sơn cấp cho cụ Uông Thị Uyên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) số 318/QĐ-UB với 164 m2 đất ở lâu dài. Gần 6 năm sau, ngày 28/8/2002, Chủ tịch UBND huyện Từ Sơn ban hành Quyết định số AA6/QĐ-CT “Thu hồi sổ đỏ của hộ bà Uông Thị Uyên”, lí do “chuyển giao quyền sử dụng đất cho con” và “cấp mới sổ đỏ cho hộ ông Ngô Đức Thanh, được quyền quản lí và sử dụng thửa đất 135, diện tích 164 m2, Loại đất thổ cư, số sizi: 1681712…”.

Căn cứ để UBND huyện Từ Sơn ra quyết định trên là từ “Đơn xin đăng kí cấp Giấy chứng nhân quyền sử dụng đất” ngày 20/8/2022 của ông Ngô Đức Thanh. Văn bản này Chủ tịch UBND xã Tân Hồng chứng thực không ghi ngày tháng, không có ý kiến của trưởng thôn (nay là trưởng khu phố), không có ý kiến của cán bộ địa chính và biên bản họp gia đình. Đặc biệt, khi đó cụ Uyên, 75 tuổi, còn minh mẫn, không viết di chúc, không có ý kiến đồng ý, cũng không kí vào đơn của ông Thanh.

Trên thực tế, bà Ngô Thị Chung (con cả của cụ Uyên) lấy chồng xa, ông Ngô Đức Thanh cũng thoát li sớm, chỉ có 4 anh chị em cùng bố (cụ Nguyễn Hữu Địch) sống với người mẹ. Năm 1982, ông Nguyễn Hữu Dũng đi bộ đội, 3 năm sau xuất ngũ và lập gia đình năm 1986, sau đó ra ở riêng. Các em gái ông Dũng cũng lần lượt đi lấy chồng, nên cụ Uyên sống một mình nơi có 2 gian nhà cũ. Trong số các con thì vợ chồng ông Dũng chăm sóc, phụng dưỡng cụ Uyên nhiều nhất.  Ông Thanh thỉnh thoảng về thăm và có lần đón cụ lên Bắc Giang chơi dăm ba ngày.

Thương vợ chồng ông Dũng vất vả, năm 1987, cụ Uyên đồng ý cho vợ chồng ông Dũng sử dụng một phần đất (sau này đo là 33 m2) trên thửa cũ là 164 m2, thửa mới là 169,1 m2 để đặt máy xay xát gạo, làm ăn cải thiện cuộc sống, góp phần nuôi dưỡng mẹ già. Ông Dũng còn sửa nhà ở cho cụ Uyên, xây tường bao thửa đất, đóng thuế đất hết năm 2011 (ông Thanh xin đóng những năm sau) và thường xuyên chăm sóc mẹ đến cuối đời, lo tang sự cho mẹ chu đáo vào ngày 14/12/2011.

Sau khi người mẹ qua đời, ông Thanh từng bước tìm cách định đoạt thửa đất, với dụng ý bán cho người làm chứng trong “di chúc” của cụ Uyên. Dựa vào sổ đỏ do UBND huyện Từ Sơn cấp năm 2002, ông Thanh đòi vợ chồng ông Nguyễn Hữu Dũng – Trần Thị Vân trả 33 m2 đất đặt xưởng xay xát gạo, đuổi họ ra vì ông giữ sổ đỏ trong tay. Ông Dũng không chịu, ông Thanh khởi kiện vợ chồng em trai ra tòa.

 Bản án số 08/2021/DSST ngày 26/1/2021 của TAND thị xã (nay là TP) Từ Sơn tuyên: (1) “Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Ngô Đức Thanh. Buộc  ông Nguyễn Hữu Dũng và bà Trần Thị Vân phải chuyển máy xát gạo, tháo dỡ toàn bộ lán mái lợp Prôximăng, khung gỗ, sắt, cổng, tường bao quanh để trả lại cho hộ ông Ngô Đức Thanh…” (2) “Không chấp nhận yêu cầu của ông Nguyễn Hữu Dũng và bà Trần Thị Vân về việc hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… đã cấp cho ông Ngô Đức Thanh ngày 28/8/2002”.

Không chấp nhận bản án trên, vợ chồng ông Dũng kháng án. Ngày 13/9/2021, TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử phúc thẩm và tuyên giữ nguyên quyết định bản án của TAND thị xã Từ Sơn.

Trong cả hai phiên tòa, hai bản án, Tòa án chỉ căn cứ vào hồ sơ là ông Ngô Đức Thanh đã được cấp sổ đỏ năm 2002 và lấy cơ sở là bản di chúc của cụ Uông Thị Uyên đề ngày 4/6/2004. Oái oăm thay là ông Ngô Đức Thanh được cấp sổ đỏ từ năm 2002, trước cả 2 năm ra đời “Bản di chúc” (!?).

Theo ông Dũng thì đây là bản di chúc giả mạo do ông Thanh tạo ra, những người con đều không thừa nhận chữ kí của mẹ mình. Văn bản đó do ông Thanh làm và một mình đi xin chữ kí người làm chứng không phải người thân họ hàng, không phải hàng xóm, mà ở xa là ông Nguyễn Thanh Sơn và ông Vũ Đức Trang. Theo đơn kháng nghị của ông Dũng: Trước đây “Anh Thanh định bán đất (75 triệu đồng) không cho mẹ tôi biết. Khi mẹ tôi biết, dọa tự tử thì anh Thanh không bán nữa”. Mặt khác, bản di chúc “đầu Ngô mình Sở” này sau 7 - 8 năm mới xuất hiện và khi cụ Uyên qua đời, ông Thanh mới trình ra để tranh chấp với các em, làm cơ sở để Tòa lấy đó làm căn cứ phán quyết. Diện tích 33 m2, vợ chồng ông Dũng làm xưởng xay xát đã tồn tại hơn 30 năm (từ năm 1987) sử dụng không tranh chấp, nay bỗng ông Thanh về đòi không được khởi kiện em ruột ra tòa, liệu có quá nhẫn tâm?.

    Cũng theo ông Dũng,  phán quyết của tòa sơ thẩm và phúc thẩm, căn cứ vào Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Đất đai năm 1993, 2013,v.v…  nhưng lại không xem xét về các quyền thừa kế hiện hành, đồng thời Tòa không xem xét bộ hồ sơ có dấu hiệu giả mạo do ông Thanh tạo dựng để hưởng di sản của cụ Uyên và truất phế quyền lợi của chị em ruột. Đó là quyền thừa kế của cả 6 người con của cụ Uyên chứ không chỉ mình ông Thanh. Mặt khác, Tòa án các cấp cần xem xét hồ sơ có dấu hiệu giả mạo để được cấp sổ đỏ, đồng thời xem xét công lao của vợ chồng ông Dũng đối với người mẹ và quản lí, sử dụng thửa đất này để phán quyết hủy sổ đỏ đã cấp cho ông Thanh, chia quyền thừa kế cho cả 6 chị em để có thể xây dựng nhà thờ 2 người bố và người mẹ hoặc phân chia quyền lợi theo quy định của pháp luật để bảo đảm công bằng, đoàn kết trong gia đình.

Được biết, kháng nghị của ông Dũng đã được Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội và TAND Cấp cao tại Hà Nội thụ lí từ ngày 17/11/2021. Tin rằng, với sự sáng suốt, công tâm của các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ làm sáng tỏ vụ việc và xét xử có lí, có tình.

(Theo Tạp chí Người cao tuổi) Kim Quốc Hoa-Đoàn Sử

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét